Lai tạo giống thanh long hợp với từng thị trường xuất khẩu riêng biệt
Tiến sĩ Micheal Lay-Yee khảo sát một giống thanh long mới đang được trồng thử nghiệm ở Tiền Giang
Lai tạo từng loại thanh long hợp với 'gu' của từng thị trường riêng biệt là công trình đang được tiến hành tại Viện cây ăn quả miền Nam (SOFRI) trong một dự án do chính phủ New Zealand tài trợ.
Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Micheal Lay-Yee - giám đốc chương trình của Viện nghiên cứu cây trồng và lương thực New Zealand (PFR) - cho biết tạo ra từng giống thanh long riêng biệt hợp với thị hiếu của từng thị trường khác nhau là điều đang nằm trong tầm tay mà PFR và SOFRI phối hợp thực hiện trong khuôn khổ dự án kể trên. Tiến sĩ Lay-Yee chia sẻ người châu Á thường thích trái cây vị ngọt đậm trong khi châu Âu thì thích sự cân bằng giữa vị ngọt và vị chua.
Trong dự án kể trên, vốn trị giá 5,5 triệu USD và kéo dài 5 năm, PFR đã tích cực chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, cùng với các nhà nghiên cứu của SOFRI để bước đầu thử nghiệm thành công 2 loại thanh long mới, một loại ruột trắng viền hồng và một loại viền phớt hồng. Ưu việt của 2 loại giống mới này là có vị ngọt đậm hơn, hương thơm nhẹ và khả năng cao kháng bệnh đốm nâu - bệnh phổ biến và nan giải trên thanh long Việt Nam. Chính khả năng kháng bệnh cao đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tăng năng lực xuất khẩu của thanh long, bởi thời gian từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch của thanh long thường chỉ rất ngắn, phun xịt thuốc trừ sâu dễ để lại dư lượng trên trái, cùng lúc các loại thuốc khống chế đốm nâu đều nằm trong danh mục không thể xuất khẩu đến những thị trường "khó tính".
Thanh long ruột phớt hồng giữa 2 loại thanh long ruột trắng và tím truyền thống ẢNH: K.O
Tiến sĩ Lay-Yee cũng đánh giá điều kiện thổ nhưỡng của Việt Nam rất lý tưởng để trồng những loại thanh long chất lượng cao, vì thế PFR đang nỗ lực cùng với các đồng nghiệp Việt Nam tạo ra những giống thanh long ưu việt mới cũng như chuyển giao quy trình trồng trọt tiên tiến.
Được biết trong thời gian qua, với sự hướng dẫn của các chuyên gia New Zealand, mô hình trồng thanh long giàn chữ T đã được thử nghiệm thay thế cho mô hình trồng trên trụ trước đây, giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn, tiết kiệm công sức lao động và cho năng suất cao. Nông dân Nguyễn Hữu Phúc tại Tiền Giang cho biết sau 11 tháng thử nghiệm mô hình trồng trọt này, năng suất vườn thanh long của anh đã tăng gấp 3 lần, tiết kiệm được 50% sức lao động.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews và nông dân Nguyễn Hữu Phúc tại vườn thanh long trồng giàn chữ T của anh ẢNH: K.O
Ngoài lai tạo giống và cải tiến quy trình sản xuất, dự án do chính phủ New Zealand tài trợ, vốn được triển khai tại Tiền Giang, còn hỗ trợ công tác hậu thu hoạch và quy trình thương mại.
Tiến sĩ Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng SOFRI cho biết theo kế hoạch của dự án, các loại giống mới sẽ được đăng ký bản quyền trong nước và quốc tế, hướng tới việc doanh nghiệp trả bản quyền dựa trên doanh thu sản phẩm, khác với cách bán đứt cây giống trước đây. Đây là cách New Zealand và nhiều nước phát triển đang làm. Cách này sẽ giúp kiểm soát việc trồng trọt theo nhu cầu của thị trường, không trồng tràn lan mất định hướng như hiện nay, kiểm soát được giá cả và chất lượng trái cây.
Tiến sĩ Trần Thị Oanh Yến giới thiệu loại thanh long ruột phớt hồng cho đại sứ Matthews ẢNH: K.O
Hiện thanh long Việt Nam đã có mặt trên thị trường New Zealand nhưng chỉ với số lượng nhỏ. Với dự án kể trên, thanh long Việt Nam được kỳ vọng sẽ xuất khẩu với số lượng nhiều hơn đến các thị trường khác nhau trên thế giới, bao gồm những thị trường "khó tính".
Related news
Thời điểm này cây trồng vụ hè thu tại Nghệ An trong giai đoạn đầu của quá trình sinh trưởng, phát triển nhưng đã xuất hiện nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại
Th.S Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Phú Yên cho biết thời gian qua rầy nâu bùng phát, gây hại nhiều diện tích lúa ở tỉnh này.
Ông Bùi Đình Hiến là chủ trang trại trồng nấm ăn và nấm dược liệu ở xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, Hưng Yên từ hơn 10 năm nay.