Lái Lúa Chạy Bỏ Tiền Đặt Cọc
Vụ lúa Đông Xuân sớm, nông dân phấn khởi vì trúng mùa được giá. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao ngày, đến thời điểm này ở Vĩnh Long, khi những cánh đồng lúa phía Bắc QL1 như TX Bình Minh, Bình Tân và một phần của huyện Tam Bình đang vào vụ chín rộ thì giá lúa rớt từng ngày. Nông dân kêu trời, còn nhiều thương lái mua lúa đã bỏ cả tiền đặt cọc và… “biến mất dạng”.
Liên tục mấy ngày qua, đi trên Đường tỉnh 908 thuộc các huyện Bình Tân và Tam Bình, người đi đường sẽ dễ dàng bắt gặp những đống lúa khổng lồ nằm san sát bên lề đường. Nhiều nông dân không bán được đành phải đổ lúa xuống đường phơi khô chờ lái.
Anh Nguyễn Hoài Phương (ấp Hòa Bình, xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân), chỉ đống lúa mới vừa cắt xong, than: “Mấy chú thấy không, năm nay lúa trúng, nông dân chúng tôi ai ai cũng vui mừng. Mới tuần trước, nhiều thương lái đến hỏi mua với giá 96.000 đ/giạ (4.800 đ/kg) và đặt cọc trước.
Gia đình tôi có 13 công, nhưng lái chỉ đặt cọc làm tin có 1 triệu đồng, chưa tới 200.000 đ/công. Chúng tôi đòi thêm tiền cọc thì thương lái nói đã đặt cọc rất nhiều hộ nên hết tiền.
Dù vậy, đúng hẹn mùng 5 cắt và lái đến lấy lúa, nhưng 2 ngày nay tôi gọi điện thoại thì không ai bắt máy vì giá lúa hiện thời (các thương lái khác đến ép giá) chỉ còn 88.000 đ/giạ, sụt 8.000 đ/giạ. Lúa đã chín rục, buộc gia đình tôi phải cắt về phơi chờ thương lái khác ra giá cao hơn”.
Cùng làm chung cánh đồng với anh Phương, anh Nguyễn Minh Phúc chạy đôn chạy đáo tìm thương lái: “Gia đình tôi có 27 công, lái đưa cọc trước 5 triệu đồng. Tới ngày hẹn lấy lúa nhưng 2 ngày nay chúng tôi liên hệ thì điện thoại của thương lái cũng ò í e.
Do chủ quan nên gia đình chúng tôi không có sân phơi, phải tốn tiền thuê nhân công tìm nơi dự trữ để phơi lúa cho khô chờ lái khác đến bán”. Còn anh Ba Son có 17 công đất ruộng nhưng lái chỉ đặt cọc có 2 triệu đồng. Đến ngày thu hoạch, thương lái cũng bặt tăm…
“Chúng tôi làm lúa nhưng không định được giá, chỉ trông chờ vào thương lái định giá. Đầu vụ thì mạnh ai nấy giành mua, nhưng đến lúc rộ thì họ kỳ kèo ép giá”- anh Ba Son than trách.
Chị Nguyễn Thị Nhanh- một thương lái- cho biết: “Thương lái chúng tôi không ai muốn bỏ tiền cọc cả, nhưng vì giá lúa rớt nhanh quá. Thà chúng tôi bỏ tiền cọc chứ nếu lấy lúa theo giá cọc thì vừa tốn công vừa lỗ nặng. Biết trước được giá lúa sẽ giảm nên chúng tôi cũng không dám đặt cọc đậm cho nông dân, trung bình khoảng 200.000 đ/công, có mất cũng không đến nỗi”.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân) Nguyễn Ngọc Tuân cho biết: “Toàn xã có trên 1.350ha lúa đang độ chín rộ. Việc thương lái mua lúa bỏ tiền cọc đang diễn ra ở xã Nguyễn Văn Thảnh và các xã lân cận của TX Bình Minh và huyện Tam Bình.
Nhiều nông dân phấn khởi vì năng suất lúa năm nay hầu hết trên dưới 10 tấn/ha. Nhưng do làm vào cuối vụ nên giá rớt liên tục. Đến thời điểm này, lúa hạt tròn có giá dưới 90.000 đ/giạ. Nông dân vừa lo giá lúa giảm vừa bị thương lái bẻ kèo”.
Ở địa bàn xã giáp ranh, Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh (Tam Bình) Nguyễn Văn Bảy cũng khẳng định, do giá lúa đang giảm mạnh nên nhiều nông dân trên địa bàn xã cũng bị thương lái bỏ tiền đặt cọc chạy lấy người. Nhiều nông dân thu hoạch lúa giai đoạn này đang trông chờ... “quyết định” của thương lái.
Một thương lái cho biết: “Thương lái chúng tôi không ai muốn bỏ tiền cọc cả, nhưng vì giá lúa rớt nhanh quá. Thà chúng tôi bỏ tiền cọc chứ nếu lấy lúa theo giá cọc thì vừa tốn công vừa lỗ nặng. Biết trước được giá lúa sẽ giảm nên chúng tôi cũng không dám đặt cọc đậm cho nông dân, trung bình khoảng 200.000 đ/công, có mất cũng không đến nỗi”.
Related news
Gần đây, ở tỉnh Hậu Giang phong trào chăn nuôi động vật hoang dã phát triển rầm rộ, trong đó có mô hình nuôi trăn đất ở thị xã Ngã Bảy. Nhưng thời điểm này, câu chuyện giá cả, đầu ra đang làm người nuôi điêu đứng.
Dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo nhu cầu cuộc sống trong trường hợp bị chia cắt, cô lập là một trong các giải pháp phòng, chống được coi trọng trong ứng phó hiệu quả mưa bão. Hàng hóa được chọn để dự trữ là các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Với giá bán dao động ở mức 10.000 – 20.000 đồng/kg cau cành tươi, cao gấp 6 – 12 lần so với năm 2013, 2014 nên người trồng cau và các cơ sở sơ chế rất phấn khởi. Nhưng để niềm vui này được trọn vẹn, chính quyền các địa phương đã khuyến khích người dân không nên phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng để chạy theo cây cau.
Ban chỉ đạo Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh vừa tổ chức Hội nghị sơ kết phong trào này giai đoạn 2012-2015 với sự tham gia của hơn 150 đại biểu nông dân của tỉnh, nhằm biểu dương những thành tích xuất sắc của phong trào trong thời gian qua.
Kết thúc vụ cá chính (từ 1.4 đến 30.9), ngư dân trong tỉnh phấn khởi vì sản lượng đánh bắt cũng như giá bán tăng cao. Niềm vui "trúng mùa, được giá" là động lực để ngư dân trong tỉnh tiếp tục vươn khơi.