Lãi lớn từ nuôi tôm ao nổi bằng khung tre
Mô hình này được ông Huỳnh Xuân Diện, Giám đốc HTX nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (HTX Tân Hưng), huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau triển khai đang khẳng định được hiệu quả.
Ông Huỳnh Xuân Diện chăm sóc tôm nuôi của mình
Đưa công nghệ vào sản xuất
Thời gian qua, nuôi tôm siêu thâm canh trên ao lót bạt ở Cà Mau đã có những bước phát triển vượt bậc, nhiều mô hình nuôi đạt năng suất cao, đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, tỷ lệ nuôi thành công đạt khoảng 80 - 90%, năng suất đạt 40 - 50 tấn/ha/vụ (quy đổi), mỗi năm có thể nuôi 3 - 4 vụ, năng suất 120 -150 tấn/ha/năm.
Tại huyện Cái Nước, năm 2017, HTX Tân Hưng được chọn làm thí điểm nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn theo công nghệ biofloc, đến nay, mô hình đã mở rộng ra nhiều địa phương trong vùng.
Chia sẻ về bước đi tiên phong của mình, Giám đốc Huỳnh Xuân Diện chia sẻ, từ khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX Tân Hưng đã mạnh dạn ứng dụng khoa học vào sản xuất, với quy trình biofloc trong nuôi TTCT siêu thâm canh, năng suất đạt trung bình hơn 40 tấn/ha/vụ. Không dừng lại đó, HTX còn đầu tư máy xử lý nước bằng tia cực tím, cấp nước trực tiếp cho ao đầm nuôi tôm không phải qua hệ thống ao lắng, lọc và xử lý, giúp xã viên tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong quá trình nuôi tôm, ông luôn tìm tòi, nghiên cứu và cải tiến thành công chiếc bơm chìm thành máy phun nước, dùng vào mục đích hạ nhiệt độ nước trong ao đầm nuôi tôm vào những ngày nắng nóng và giải phóng khí độc, giúp tôm nuôi phát triển nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch.
Tìm cách giảm chi phí
Ông Huỳnh Xuân Diện chia sẻ, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với chi phí đầu tư lớn, nhiều hộ nuôi tôm nhỏ lẻ vốn ít thì khó có thể áp dụng và tỷ lệ rủi ro cũng tăng cao. Chính vì vậy, ông đã nghiên cứu, tìm giải pháp để có thể hạ giá thành nuôi tôm mà vẫn mang lại hiệu quả cho người dân và giải pháp được đưa ra chính là sử dụng vật liệu tre làm bể nổi nuôi tôm.
Thực hiện hình thức này, ông chọn những gốc tre già, cứ 1 m2 đóng 1 cây tre, đầu tre thùi khoan lỗ để luồn dây cáp 10 sau đó lót bạt và bơm nước vào nuôi tôm, điều quan trọng là phải cố định đầu bên trên để bạt không bị bung ra. Thể tích ao nuôi từ 300 - 500 m3 sẽ dễ vận hành và quản lý chăm sóc tôm, mật độ thả 1.000 - 1.500 con/m3 (cao gấp 3 lần nuôi ao đất trải bạt), tôm nuôi sau 40 ngày đạt size 100 con/kg (hệ số thức ăn 0.75) thì tiến hành thu tỉa; rồi nuôi tiếp đến size 50 con/kg (hệ số thức ăn 1.1) và 30 con/kg (hệ số thức ăn 1.3). Mô hình này có thể thực hiện được 3 - 4 vụ trong năm, với thể tích 254 m3, thả nuôi sau 38 ngày đạt 2,8 tấn, năng suất trên 12 tấn/vụ, với tổng số 6 ao, tổng sản lượng đạt 18 - 20 tấn.
Ưu điểm của mô hình là chi phí ban đầu thấp vì nguyên liệu là tre có giá rẻ, lực li tâm ổn định, tôm vận động theo vòng tròn, nhanh lớn, không bị bể dòng nước so với ao vuông có nhiều góc, cánh quạt đánh không đều khiến tôm khi lột vỏ dễ bị chết. Cùng với đó, ông Diện còn sản xuất được đông trùng hạ thảo và sử dụng cho tôm ăn, giúp tôm khỏe, nhanh lớn.
Ông Diện chia sẻ, ông đã nghiên cứu và áp dụng qua nhiều mô hình nuôi tôm khác nhau như hệ thống ao chìm, ao nổi thì thấy mô hình này có chi phí đầu tư thấp (giảm 10 lần so với bể nuôi tôm có thiết kế khung sườn bằng sắt bán trên thị trường), hiệu quả cao, quay vòng vốn nhanh; cùng đó, sử dụng gốc tre có tuổi thọ cao hơn và có thể tái sử dụng. Hiện nay, toàn HTX Tân Hưng có 100 ha, thì có 10 ha áp dụng mô hình này.
Với việc cải tiến dùng tre làm ao nổi nuôi tôm, xã viên HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng chỉ cần vài trăm mét vuông đất xung quanh nhà là có thể thực hiện được mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ngay tại hộ gia đình.
Đến đầu năm 2018, HTX Tân Hưng có 31 xã viên với hơn 45 ao nuôi cho năng suất cao, giảm chi phí. Trên cơ sở đó, Ban Giám đốc HXT có tham khảo và tham quan mô hình nuôi tôm theo công nghệ UV ở miền Trung và Ấn Độ, nhận thấy mô hình này chi phí thấp hiệu quả cao. Bước đầu HTX đưa vào nuôi 15 ao theo công nghệ UV, 20 ao theo công nghệ Biofloc
Related news
Có tiềm năng phát triển nghề nuôi cá lồng bè. Hiện một số hộ triển khai mô hình nuôi cá trắm, chép giòn trong lồng bè trên sông Lam.
Công bố nghiên cứu tổng hợp giải pháp nuôi tôm hiệu quả khi điều kiện nuôi ở từng vùng miền, hứa hẹn mang đến lợi ích rất lớn cho ngành và bà con nuôi tôm.
Nuôi tôm trong nhà bạt được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng. Trong đó, nhiều hộ nuôi ở huyện Thái Thụy áp dụng cho thấy hiệu quả cao hơn so với thông thường