Lá Rừng Thành Đặc Sản Quê Hương
Gần Tết Giáp Ngọ, một niềm vui mới đến với người dân vùng Cùa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), khi tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố sản phẩm cao lá vằng nằm trong Danh sách 50 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Tin vui đến vào những ngày cuối năm làm những người dân sản xuất cao lá vằng mừng ra mặt. Họ cười phấn chấn và rạng ngời. Nụ cười xua tan đi bao âu lo và nhọc nhằn của cái nghề không có giấc ngủ trọn vẹn này. Không ai có thể ngờ được rằng, hương rừng vùng đồi núi bán sơn địa của Quảng Trị trở thành đặc sản của Việt Nam. Và cũng rất đỗi tự hào khi trên mảnh đất hình chữ S này có hàng trăm hàng nghìn của ngon vật lạ, nhưng cao lá vằng lại được chọn để những người con xa quê mang làm quà biếu.
Ông Trần Hà, Chủ nhiệm Hợp tác xã tiêu Cùa, là một trong những người trăn trở trong nhiều năm qua để đưa lá vằng, một thứ lá không tên tuổi trở nên nổi danh và có thương hiệu như bây giờ. Từ năm 2010, ông Hà lăn lộn ngược xuôi, đánh vật với từng con chữ của Luật Sở hữu trí tuệ, rồi các kiểm định an toàn thực phẩm. “Nhiều khi vướng một thủ tục nào đó là cả đêm tôi thao thức, không chợp mắt được.
Trằn trọc suy nghĩ, rồi bật dậy mở máy tính để tra cứu tài liệu, tìm cách hoàn thành hồ sơ”, ông Trần Hà kể. Thế rồi ngày vui cũng đến, với sự trợ giúp của Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quảng Trị, đầu năm 2013, sản phẩm cao lá vằng cùng Cùa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu sản phẩm.
Đây chỉ là bước đi đầu tiên để đưa sản phẩm cao lá vằng đến với quốc tế. Tháng 11/2013, cao lá hoàn thành việc in mã vạch. “Nghĩa là cao lá vằng đã được nhà nước bảo hộ, được quốc tế công nhận. Bây giờ hàng ra nước ngoài, chỉ cần dùng máy quét mã vạch là biết được thương hiệu, xuất xứ… sản phẩm”, ông Hà phấn chấn.
Cũng tháng 12/2013, cao lá vằng nhận được Huy chương vàng sản phẩm chất lượng Việt Nam do Viện Chất lượng Việt Nam phù hợp tiêu chuẩn trao tặng. Với những thành tựu đạt được đó, có thể nói năm 2013 là một năm nhiều niềm vui và đầy trọn vẹn với cao lá vằng vùng Cùa .
Ở Quảng Trị, cao lá vằng từ lâu có mặt ở nhiều cửa hàng thương mại, nhiều siêu thị. Để đưa cao lá vằng đến với rộng rãi người tiêu dùng, ông Hà mang cao lá vằng đi tham dự rất nhiều hội chợ, ký gửi ở nhiều nhà hàng, khách sạn lớn... khắp cả nước. Đến nay, cao lá vằng có chỗ đứng, bán ổn định ở thị trường Nghệ An và Hà Nội.
Đặc biệt, mỗi năm, ông Hà thống kê khoảng 10 kg cao lá vằng được các hộ sản xuất gửi sang Mỹ cho bà con, người quen. “Một phần vừa biếu người nhà, phần khác là nhờ giới thiệu sản phẩm của quê hương. Sắp đến, HTX nhờ tổ chức ROP (Hoa Kỳ) để giới thiệu và đưa mặt hàng cao lá vằng sang Mỹ”, ông Hà bộc bạch.
Cầm miếng “vàng đen” mân mê trên tay, ông Hà ưu tư: “Chúng tôi rất vui mừng khi cao lá vằng được bình chọn trở thành đặc sản không chỉ của quê nhà mà của cả Việt Nam. Nhưng để sản phẩm đến với nhiều người hơn, cần đầu tư bài bản từ khâu sản xuất, đóng gói đến bao tiêu sản phẩm. Về lâu dài, HTX sẽ bao tiêu sản phẩm của tất cả các hộ sản xuất để kiểm soát giá cả, nâng cao thu nhập cho bà con, đồng thời cũng để giữ gìn thương hiệu và nâng cao uy tín sản phẩm”.
Từ hơn 10 năm qua, cao lá vằng thực sự trở thành “vàng đen”, mang lại nguồn thu nhập lớn, thay đổi cuộc sống của người dân hai xã Cam Nghĩa và Cam Chính. Đến nay, có khoảng 40 hộ chuyên nấu cao trong hai xã, bình quân mỗi ngày sản xuất 200 kg cao.
Cái nghề luôn đỏ lửa, luồn rừng vượt suối để hái lá nhưng hiện giá bán lá vằng không cao, chỉ từ 120-150 nghìn đồng/kg. “Nhiều người nấu quá nên giờ nguồn nguyên liệu đang khan hiếm dần. Người dân phải đi xa hơn, ra đến Quảng Bình, vào đến Thừa Thiên -Huế để hái lá”, ông Võ Văn Trọng, người nấu cao lá vằng ở thôn Định Sơn cho biết.
Cây lá vằng từ loài cây hoang dại trong rừng, chắt lọc những tinh hoa của đất cằn sỏi đá Quảng Trị để mang trong mình vị đắng, vị ngọt đậm đà. Nay những người dân Cùa, trong cuộc sống, lao động và sáng tạo đã tìm ra cách để chắt lấy cái tinh hoa, làm nên đặc sản của quê hương.
Related news
Trong đó có 9 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm (69ha) được chứng nhận GlobalGAP/ASC, 2 cơ sở sản xuất giống cá tra được chứng nhận GlobalGAP (diện tích 6,3 ha), 3 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm (8,4ha) được chứng nhận VietGAP, và 1 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm (3ha) được chứng nhận BMP.
Ao nuôi nên có vị trí thuận lợi cho việc cấp và thoát nước, vị trí ao nuôi phải có điện và gần đường giao thông để thuận tiện cho việc vận chuyển con giống, thức ăn và sản phẩm tôm. Ao nuôi nên có diện tích từ 2.000 - 4.000 m2, hình chữ nhật, chiều dài gấp 1,5 - 2 lần chiều rộng để thuận tiện cho việc chăm sóc.
Chuỗi liên kết dọc cá tra-Tafishco chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2014, đến nay đã có 5/8 hộ liên kết và vùng nuôi Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An thực hiện ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn An Giang, với tổng số tiền giải ngân là 138 tỷ 300 triệu đồng, đạt 58,92% tổng hạn mức được duyệt. Trong đó, diện tích thả nuôi là 30ha, và đã thu hoạch được 3.185ha, đạt 33,17% so với kế hoạch.
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị định số 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành hàng cá tra. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Trước tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ, đặc biệt bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy đang có xu hướng phức tạp trong năm 2014, hôm qua (10/12), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội thảo cùng các nhà quản lí, nhà khoa học tìm nguyên nhân và giải pháp kiểm soát.