Kỳ vọng từ mô hình trồng nho siêu trái
Ông Nguyễn Văn Nội ở xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) là một trong những hộ đầu tiên trồng thử nghiệm giống nho hạ đen. Với sự hỗ trợ của trường Đại học Nông lâm Bắc Giang và Hội Nông dân huyện Đan Phượng, từ năm 2019, ông Nội bắt tay trồng 100 gốc loại trái cây này.
“Hiện gia đình đã mở rộng diện tích trồng nho hạ đen lên 1 mẫu. Mỗi năm nho hạ đen cho 2 vụ quả. Với mức giá bình quân khoảng 130.000 đồng/kg, mỗi sào canh tác gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng…” - ông Nguyễn Văn Nội chia sẻ.
Nhận thấy tiềm năng của giống nho “siêu quả”, nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Đan Phượng đã tìm hiểu và bắt tay vào trồng loại trái cây này. Anh Nguyễn Đăng Quý ở xã Đan Phượng thậm chí còn mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà màng, nhà lưới để phát triển giống nho mới.
Theo anh Quý, nho hạ đen đầu tư khá cao, nhưng có ưu điểm là cho năng suất tăng dần qua từng năm tuổi. Có vỏ ngoài căng bóng, vị ngọt giòn, nho hạ đen khá “được lòng” người tiêu dùng, là hướng phát triển kinh tế khá tốt.
Hiện nay, hầu hết diện tích nho hạ đen được các nông hộ trên địa bàn huyện Đan Phượng canh tác theo hướng VietGAP. Đáng chú ý, sản phẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Nội đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận, cấp 3 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); qua đó góp phần tạo thuận lợi hơn cho đầu ra.
Bên cạnh sản phẩm để tiêu thụ trên thị trường, nhiều nông hộ tại huyện Đan Phượng đang mở rộng hướng kinh doanh. Theo đó, kết hợp trồng nho và phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm cho khách thập phương. Đây là cách làm du lịch kết hợp nông nghiệp đã và đang khá phát triển tại một số địa phương khác trên cả nước.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Hiền, nho hạ đen là loại cây trồng có tiềm năng lớn, nhưng do đầu tư khá cao nên vẫn khá “kén” người trồng. Toàn huyện hiện mới có khoảng 1,5 ha trồng nho hạ đen.
“Thời gian tới, huyện sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách để từng bước nhân rộng mô hình trồng nho hạ đen sang địa phương khác, trước mắt là ở xã Trung Châu. Cùng với phát triển sản phẩm, huyện chủ trương gắn liền với du lịch sinh thái để gia tăng nguồn thu cho nông dân…” - bà Nguyễn Thị Hiền thông tin thêm./.
Related news
Phát triển các sản phẩm từ sen như trà lá sen, củ sen, bột sen, rượu sen... gắn với du lịch sinh thái là cách làm của HTX Hoa sen Vân Đài, xã Chí Hòa
Hiện nay, nhiều loại cây ăn quả ở khu vực Nam Bộ đang thu hoạch nhưng do xuất khẩu gặp khó khăn, giá xuống thấp khiến nhiều nhà vườn trong cảnh "được mùa.
Qua việc thực hiện một nghiên cứu do Quỹ NAFOSTED tài trợ về cây cà phê, TS. Trần Minh Định (Viện Công nghệ sinh học và Môi trường, ĐH Tây Nguyên)