Home / Cây ăn trái / Xoài

Kỹ Thuật Trồng Xoài Cho Ra Trái Nghịch Mùa

Kỹ Thuật Trồng Xoài Cho Ra Trái Nghịch Mùa
Publish date: Saturday. February 12th, 2011

1.Xử lý ra hoa kết trái đồng loạt:

Trong điều kiện tự nhiên có 2 mùa (mùa mưa và mùa khô) phân biệt rõ rệt như ở các tỉnh Nam bộ, xoài rất dễ ra hoa. Tuy nhiên,để xoài ra hoa kết trái đồng loạt vào thời điểm thích hợp thì người ta phải áp dụng các biện pháp xử lý. Hiện nay có một vài cách để xử lý như xông khói, phun Ethephon… nhưng biện pháp xử lý bằng KNO3 thường được nhà vườn ưa thích và sử dụng nhiều, bằng cách pha 100-120 gram KNO3 cho một bình xịt loại 8-10 lít, phun lên lá lúc lá đã già (có mầu xanh đậm, lá cứng giòn, bóp gẫy), với lượng dùng 3-6 bình cho một cây (tùy theo cây lớn hay nhỏ). Biện pháp này thường chỉ cho hiệu qủa trên giống xoài "Bưởi", xoài cát Hoà Lộc. Xoài cát chu…Tại Thái Lan người ta đã thí nghiệm dùng 4 gram Cultal hoà với nước tưới cho một gốc (4 năm tuổi) cho kết qủa rất tốt.

2.Xử lý cho ra hoa kết trái nghịch mùa

Để có thể thu được hoa lợi nhiều hơn, ở ĐBSCL có những nhà vườn đã nghiên cứu tìm cách xử lí điều khiển cho cây xoài ra hoa kết trái sớm để có bán trái vào dịp trước sau Tết nguyên đán (thay vì vào tháng 2, tháng 3 âm lịch là lúc mùa xoài rộ). Bằng cách sau khi thu hoạch trái cắt cành,tạo tán…lần 1,rồi xới nhẹ xung quanh gốc (đến hết tán lá).Bón khoảng 5-7 kg phân NPK (loại 20:20:15) và 20kg phân hữu cơ hoai mục cho một gốc (10-12 năm tuổi), tưới nước giữ ẩm thường xuyên để phân tan cung cấp dần dinh dưỡng cho cây. Chờ đến đầu tháng 6 âm lịch tiếp tục cắt tỉa cành lần thứ 2 rồi hoà khoảng 2 kg phân NPK (loại 20:20:15) tưới cho một gốc ,đồng thời xịt phân bón lá (loại có tỷ lệ NPK là 15:30:15) mỗi tuần một lần (xịt 3 lần trong 3 tuần liên tiếp). Sau khi cắt tỉa cành lần 2 xoài sẽ ra tược non,lá non,chờ khoảng 3-4 tháng (tùy giống xoài-xoài cát Hòa Lộc thường là 4 tháng) để lá xoài già, chuyển sang mầu xanh đậm, lá dầy và giòn thì "căn" thời tiết khi thấy có gió chướng nhẹ, triều cường (con nước rong) thì tiến hành xử lý bằng cách dùng 150 gram KN03 cộng với 8 gram Thiên nông và 10cc Agriplex hoà chung trong một bình xịt loại 8-10 lít xịt cho ướt đều tán lá (nhớ xịt cả mặt trên và mặt dưới của phiến lá). Sau khi xịt khoảng 10-15 ngày thì xoài lú cựa gà (lú bông). Từ khi cây lú bông trở đi phải thường xuyên giữ đủ ẩm cho cây, đồng thời tăng cường bồi dưỡng cho cây, bông, trái bằng phân bón lá Bayfolan (loại 11:8:6) với lượng 10 cc cho một bình 8 lít, hoặc Micracle gro, Thiên nông… khoảng 15 ngày một lần và phun phòng trừ sâu rầy, bệnh hại bông, trái …khoảng 7-10 ngày một lần bằng Confidor, Admine…và Bavistin, với lượng 5cc Confidor(hoặc Admine) hòa với 10 cc Bavistin trong một bình xịt loại 8 lít. Có thể thay hỗn hợp KN03, Thiên nông, Agriplex bằng DOLA 02X với lượng 50 gram cho một bình xịt loại 8 lít.

Khi trái lớn cỡ đầu ngón tay cái người lớn thì hoà 2-3 kg phân NPK (loại 15:15:15) tưới cho một gốc để bồi dưỡng trái. Sau mỗi trận mưa nên xịt thuốc Bavistin, hoặc một số loại thuốc trừ nấm bệnh thông thường như: Derosal, Daconil…để phòng ngừa bệnh gây hại cho trái.

Lưu ý khi xử lý xoài ra hoa nghịch vụ

- Xử lý xoài ra hoa mùa nghịch thường gặp hai yếu tố bất lợi đó là mưa nhiều và nước ngập làm cho cây không ra hoa hoặc làm giảm tỉ lệ đậu hoa và trái.

Tiến sĩ Trần Văn Hâu, Khoa Nông nghiệp & Sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) ^lưu ý với bà con nhà vườn như sau:

Trước hết phải xem xét cây có khả năng ra hoa hay không và có bị sâu bệnh không. Đối với những cây còn tơ mới ra hoa 2-3 mùa thì không nên xử lý vì hiệu quả sẽ thấp hơn rất nhiều so với cây trưởng thành. Không nên thúc cho cây ra hoa trái nhiều quá mà chỉ ở mức vừa phải, nếu không cây sẽ mau suy kiệt không cho trái lâu dài được. Sau mỗi mùa thu hoạch nên bón phân, chăm sóc, kích thích cho cây ra đọt để hồi phục trở lại. Tỉa bớt nếu trái sai quá hay các trái dị dạng, tùy theo tuổi cây mà để số lượng trái nhất định.

Khi sử dụng Paclobutrazole để xử lý xoài ra hoa cần lưu ý đối với những cây còn tơ nên sử dụng nồng độ cao hơn những cây đã già. Sử dụng Paclobutrazol năm thứ nhất với liều lượng theo khuyến cáo nhưng đến năm thứ hai thì giảm một nửa liều lượng vì lượng thuốc còn lưu tồn trong đất sẽ tiếp tục tác động lên sự ra hoa của cây ở năm sau và sang năm thứ ba thì nên cho cây nghỉ không xử lý ra hoa nữa. Paclobutrazol là một chất ức chế sinh trưởng không có khả năng làm chết cây nhưng nếu lạm dụng thì sẽ làm chậm quá trình sinh trưởng, cây bị suy kiệt và không có khả năng cho trái lâu dài được, bà con cần sử dụng theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, xoài ra hoa mùa nghịch cũng gặp nhiều sâu bệnh phát sinh đặc biệt là bệnh thán thư trong mùa mưa. Nấm bệnh có thể tấn công lên lá, hoa và trái làm thất thu năng suất đáng kể nếu nhà vườn không có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Vấn đề quan trọng để phòng trừ bệnh thán thư hiệu quả đó là áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện bệnh và phun thuốc kịp thời. Hàng năm cần vệ sinh vườn, cắt tỉa cành sâu bệnh, tạo cho vườn thông thoáng. Với những vườn thường xuyên bị bệnh thán thư thì nên phun thuốc ngừa bệnh khi cây ra đọt non. Kinh nghiệm một số nhà vườn chuyên trồng xoài ở Đồng Tháp là sau cơn mưa có thể rung cây hoặc dùng máy phun nước rửa cây để nấm bệnh rớt bớt xuống dưới rồi sau đó phun thuốc phòng trị bệnh thán thư sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiện nay nhà vườn không cần phải tốn công rửa cây hay phun thuốc rửa bông sau khi trời mưa nhờ áp dụng giải pháp phòng ngừa bệnh thán thư bằng thuốc Amistar. Đây là loại thuốc có nguồn gốc thiên nhiên, được chiết xuất từ nấm, rất an toàn đối với môi trường và thiên địch. Thuốc sau khi phun lên cây trồng sẽ nhanh chóng được hấp thụ vào mô cây, do vậy không sợ mưa rửa trôi cũng như khi tưới nước.

Ông Lê Văn Xườn - nhà vườn trồng 1,9ha xoài cát Hoà Lộc ở xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long sau khi phun thuốc Amistar 2 lần - 5 ngày trước khi hoa nở (bung chà) và 10 ngày sau lần phun thứ nhất, ông cho biết "Giữa lần phun thứ nhất và thứ 2 gặp trời mưa liên tục nhưng không phun thuốc rửa lại mà bông xoài vẫn sáng đẹp, không có vết nâu của bệnh thán thư. Trong khi sử dụng các loại thuốc khác thì phải phun lại hàng ngày nên vừa tốn công và tính ra chi phí cũng rất tốn kém". Thuốc Amistar còn được khuyến cáo sử dụng thêm lần thứ 3 trước khi thu hoạch 15 ngày để phòng ngừa bệnh thán thư và một số nấm bệnh trên vỏ trái giúp kéo dài thời gian bảo quản, làm cho vỏ trái có màu sắc đẹp và bán được giá. Amistar là một loại thuốc mới do Công ty Syngenta sản xuất và hiện đang được Công ty CP BVTV An Giang phân phối trên thị trường. Đây là loại thuốc đặc trị bệnh thán thư trên xoài, giúp sáng bông bóng trái.


Related news

Cho Xoài Ra Hoa Sớm Cho Xoài Ra Hoa Sớm

Trong điều kiện bình thường, xoài thường cho thu hoạch vào tháng 3, tháng 4 (âm lịch), giá thường thấp. Một số nhà vườn ở các tỉnh phía nam đã tìm cách điều khiển cho xoài ra hoa sớm bán trong dịp Tết nguyên đán, giá trị cao hơn. Chúng tôi xin giới thiệu một biện pháp xử lý cho xoài ra trái nghịch mùa.

Tuesday. December 20th, 2011
Bón Phân Cho Xoài Bón Phân Cho Xoài

Xoài là cây đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng và có phản ứng mẫn cảm đối với các nguyên tố dinh dưỡng. Bón phân cho xoài rất cần thiết để đạt năng suất cao và góp phân khắc phục hiện tượng cây ra quả cách năm.

Tuesday. December 20th, 2011
Kỹ Thuật Phòng Trị Bệnh Thán Thư Hại Xoài Kỹ Thuật Phòng Trị Bệnh Thán Thư Hại Xoài

Bệnh chủ yếu xuất hiện trên lá non, ban đầu có những đốm nhỏ như mũi kim màu nâu đến đen có hình dạng không định hình, về sau vết bệnh phát triển thành từng đốm tròn hoặc có góc cạnh, màu nâu đỏ, đường kính khoảng 3-5 mm, ở giữa vết bệnh lớp tế bào bị khô và rách thành lỗ thủng.

Sunday. May 27th, 2012
Bón Phân Cho Xoài Đồng Tiến 15 Bón Phân Cho Xoài Đồng Tiến 15

Dùng lớp đất mặt trộn với 10-15kg phân chuồng hoai mục, tro trấu, 200g phân lân, dùng hỗn hợp này ém chặt vào hố, đặt bầu cây giống, lấp thêm đất trộn phân và lớp đất mặt làm thành mô.

Tuesday. December 20th, 2011
Bảo Quản Và Chế Biến Nhãn, Xoài Bảo Quản Và Chế Biến Nhãn, Xoài

Phần lớn nhãn, xoài tiêu thụ trên thị trường hiện nay đều đựng trong sọt tre, thùng gỗ, thùng carton để trong điều kiện tự nhiên, vì vậy bị tác động bởi nhiệt độ, ẩm độ cao lại vận chuyển đi xa nên chỉ bảo quản được 7 – 10 ngày, tỷ lệ dập nát đến 20 – 25%, có khi tới 30%.

Tuesday. December 20th, 2011