Home / Cây công nghiệp / Cây keo

Kỹ Thuật Trồng Rừng Keo Lai

Kỹ Thuật Trồng Rừng Keo Lai
Publish date: Monday. January 24th, 2011

* Giới thiệu cây keo lai

Keo lai là tên gọi của giống lai tự nhiên giữa Keo tai tượng (Acacia mangium) và Keo lá tràm (Acacia auriculiformis). Đây là giống có nhiều đặc điểm hình thái trung gian giữa bố và mẹ, đồng thời có ưu thế lai rõ rệt về sinh trưởng nhanh, có hiệu suất bột giấy, độ bền cơ học và độ trắng của giấy cao hơn hẳn các loài bố mẹ, có khả năng cố định đạm khí quyển trong đất nhờ các nốt sần ở hệ rễ.

Giống Keo lai này đã được phát hiện ở một số tỉnh vùng Đông Nam bộ, ở Ba Vì (Hà Tây) và một số tỉnh khác và được Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu khảo nghiệm thành công.

Qua nhân giống bằng hom và khảo nghiệm dòng vô tính, Trung tâm đã chọn được một số dòng cây lai có ưu thế lai và các tính chất ưu việt khác. Vì vậy việc đưa nhanh các dòng vô tính này vào sản xuất sẽ góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất rừng và cải thiện điều kiện đất đai ở những vùng đồi núi trọc.

* Kỹ thuật nhân giống keo lai bằng hom

1. Xây dựng vườn giống lấy hom

Vườn giống lấy hom keo lai được gây trồng trên đất vườn ươm gần khu nhân giống tạo cây con bằng hom. Diện tích vườn giống lấy hom bằng 1/800 - 1/1000 diện tích trồng rừng Keo lai hàng năm của đơn vị.

Cây trồng trong vườn giống lấy hom là các dòng Keo lai đời F1 do Trung tâm nghiên cứu cây rừng cung cấp vì đã được chọn lọc và qua khảo nghiệm khẳng định tính ưu trội hơn bố mẹ và các dòng khác.

Chọn đất xây dựng vườn giống lấy hom có thành phần cơ giới nhẹ, tầng đất dầy và thoát nước tốt. Phương pháp làm đất là cày bừa toàn diện 2 lần sau đó cày rạch hàng.

Tùy điều kiện địa hình và quy mô vườn giống mà cây giống trong mỗi dòng vô tính được trồng theo hàng hoặc theo khối riêng rẽ và phải có biển ghi rõ số hiệu từng dòng. Cây giống lấy hom được trồng theo hàng với cự ly 0,8 x 0,4 m. Trước khi trồng bón lót mỗi hố 2 kg phân chuồng hoai và 100 g NPK hoặc 300 g phân lân hữu cơ vi sinh Thiên nông. Mùa trồng cây giống ở các tỉnh phía Bắc là vụ xuân và vụ thu, ở các tỉnh miền Trung là tháng 11-12 và ở các tỉnh phía Nam là các tháng 6-7.

Cây giống phải được chăm sóc bảo vệ cẩn thận, không để sâu bệnh, người và gia súc phá hoại. Chung quanh vườn cây giống phải có hàng rào, hàng tháng làm cỏ vun gốc cho cây giống. Sau 3-5 năm khi cây giống đã qua nhiều lần cắt hom không còn sinh trưởng tốt nữa thì phải gây trồng vườn giống mới một năm trước khi hủy vườn giống cũ.

2. Cắt tạo chồi cho cây giống

Tạo chồi lần đầu cho cây giống bằng cách dùng kéo sắc cắt ngang cây ở độ cao cách mặt đất 70 cm. Gốc cây đã cắt được khử trùng bằng thuốc Ben lát nồng độ 0,15% (1,5g thuốc pha trong 1 lít nước) hoặc Ben lát-C nồng độ 0,3%. Việc cắt tạo chồi lần đầu cho cây giống nên kết hợp với việc lấy hom giâm để tận dụng hom. Mùa cắt tạo chồi lần đầu thích hợp là cuối mùa khô đầu mùa mưa, ở miền Bắc là các tháng 1-2, ở miền Trung là tháng 6 và ở miền Nam là các tháng 3-4.

Sau đó, hàng năm cuối mùa sinh trưởng phải đốn tạo chồi và làm trẻ hóa cây giống. Sau khi cắt đốn tiến hành xới đất quanh gốc cây, làm cỏ toàn diện, bón thúc mỗi cây 50g NPK hay 100g phân lân hữu cơ vi sinh Thiên nông và tưới đủ ẩm cho cây.

3. Xây dựng khu giâm hom

Khu giâm hom là nơi để sản xuất và huấn luyện cây hom cho các yêu cầu trồng rừng. Khu giâm hom được xây dựng có mái che bằng lưới nilon hoặc bằng tấm tre đan có độ che 60% (lỗ trống có kích thước dưới 2 x 2 cm) cao cách mặt đất 2,2 m và chung quanh có bao che bằng tôn nhựa trong đến độ cao 1,5 m. Phía trong khu giâm hom là các lều giâm hom đặt cách nhau 40 cm và có đường đi lại thuận tiện.

Nền lều giâm hom được làm dạng bể nông có chiều rộng 1,4m, chiều dài thì tùy theo địa hình cho phép và chiều cao 6 cm. Nền xây bằng gạch có độ dốc cần thiết và có hệ thống thoát nước tốt. Giữa nền có xây gờ cao 5 cm trên đó đặt ống của hệ thống tưới phun.

Khung lều và mái lều hình vòm cung phủ kín ni lon trắng trong. Khung lều làm bằng sắt tròn Φ 8 mm, vòm cung cao 90 cm có hàn thanh giằng phía dưới dài 1,4 m đặt cách chân 8 cm, thanh giằng phía trên đặt cách đỉnh 20 cm. Trên khung sắt vòng hình cung có hàn 7 ốc vít không rỉ phía trong để bắt các thanh giằng dọc. Thanh giằng dọc có bản rộng 1,5 cm dày 3 mm, dài 1 m, hai đầu có lỗ để bắt vào ốc vít ở các khung vòm. Tùy chiều dài của lều mà ghép nối các khung vòm nhiều hay ít.

Trong lều giâm hom tưới bằng hệ thống tưới phun bán tự động với vòi phun cao 35 cm đặt cách nhau 1 m hoặc tưới bằng bình phun thì mở tấm phủ nilon ra để tưới sau đó đậy kín lại.

4. Kỹ thuật cắt cành và giâm hom

Dùng kéo hoặc dao sắc để cắt cành từ vườn giống lấy hom. Việc cắt cành phải tiến hành vào buổi sáng. Cành đã cắt phải được bảo quản nơi râm mát hoặc ngâm gốc cành vào nước. Khi cắt cành phải để lại ở phần gốc ít nhất 2 đôi lá hoặc 2 chồi ngủ. Những cành có nhiều chồi phụ chưa thể làm hom thì cần được giữ lại để cắt lần sau.

Tùy mức độ phát triển của cành mà quyết định thời gian cắt đợt tiếp theo. Cắt cành đầu vụ thì sau đó 1 - 1,5 tháng có thể cách 15 - 20 ngày cắt một lần. Cắt cành xong phải dọn vệ sinh gốc bằng cách phun Ben lát nồng độ 0,15%, xới xáo đất quanh gốc và bón thúc, nếu trời khô hanh phải tưới nước đủ ẩm cho cây.

Cành đã cắt ra sẽ dùng kéo sắc cắt thành hom để giâm. Chiều dài hom 4 - 7cm, mỗi hom có 1-2 lá và phải cắt bớt 2/3 diện tích phiến lá. Phần gốc hom cắt vát 450. Hom đã cắt được ngâm ngay vào dung dịch Benlát nồng độ 0,15% trong 1 tiếng, sau đó vớt ra cấy ngay vào luống giâm hoặc giữ hom có phủ khăn ẩm để không bị khô. Hom cắt lần nào phải cấy ngay lần ấy, không được để hom qua đêm. Hom được cấy trực tiếp vào bầu đất cát pha (không trộn phân) hoặc cấy vào luống cát thô. Trước khi cấy phải phun Ben lát-C 0,3% vào luống cát để khử trùng. Trước khi cấy, hom được xử lý thuốc bột TTG hoặc Seradex bằng cách chấm gốc hom vào thuốc sao cho phủ kín mặt cắt (100g thuốc dùng cho 10.000 - 12.000 hom). Mỗi bầu cấy 1 hom hoặc giâm trên cát thô thì theo khoảng cách 7 x 2 cm. Độ sâu cấy hom khoảng 2 - 3 cm.

5. Mùa giâm hom

Mùa giâm hom phụ thuộc vào mùa trồng cây của từng vùng. ở các tỉnh phía Bắc, mùa giâm hom bắt đầu từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 11. Những hom giâm từ tháng 8 trở đi được lưu lại vườn ươm để trồng vào vụ xuân năm sau. ở các tỉnh miền Trung, mùa giâm hom bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 12. Những hom giâm thừ tháng 11 trở đi được lưu lại vườn để trồng vào đầu mùa mưa năm sau. Còn ở các tỉnh phía Nam, mùa giâm hom bắt đầu từ tháng 5-6 và kết thúc vào tháng 11 là tốt nhất.Nguyên tắc chung là giâm hom phải được thực hiện trước khi trồng rừng 3 tháng, nếu giâm hom trước quá lâu thì phải có biện pháp hãm cây.

6. Chăm sóc hom giâm và cây hom

- Sau khi cấy hom phải phủ nilon lên vòm khung sắt của lều giâm hom để giữ ẩm. Những ngày trời nắng gắt phải che râm hoàn toàn cho luống hom.

- Tưới ẩm cho hom giâm bằng hệ thống tưới phun bán tự động hoặc bằng bình bơm thuốc trừ sâu. Thời gian giữa hai lần phun về mùa hè cách nhau 30 phút, về mùa đông cách nhau 60 phút, thời gian phun mỗi lần là 6-10 giây.

- Sau khi giâm 1 tháng thì chuyển bầu hom có lá còn xanh (tức đã ra rễ) ra khỏi lều nilon, song vẫn để dưới dàn che. Trường hợp giâm hom trên cát thô thì nhổ hom đã ra rễ chuyển sang cấy vào bầu đất kích thước 6 x11 cm. Sau khi cấy phải cắm ràng ràng để che râm, nơi không có ràng ràng thì dùng cót phên để che. Khi cây đã sống ổn định thì tháo bỏ dàn che và chăm sóc cây.

- Định kỳ 15 ngày xới đất phá váng 1 lần, nhổ sạch cỏ, tưới thúc bằng NPK nồng độ 1% và tưới đủ ẩm tuỳ theo điều kiện thời tiết cụ thể. Phun thuốc dung dịch Benlát 0,15% hoặc Benlát-C 0,3% định kỳ 10 ngày 1 lần để phòng nấm cho cây con.

- Trong quá trình nuôi cây hom phải kịp thời bấm tỉa các chồi bất định, trên mỗi cây hom chỉ để một chồi phát triển.


Related news

Kỹ Thuật Trồng Keo Tai Tượng Kỹ Thuật Trồng Keo Tai Tượng

Đất trồng keo tai tượng cần được phát dọn sạch thực bì quanh hố với đường kính 1 - 1,2 m. Trường hợp trồng rừng tập trung nên phát dọn toàn bộ diện tích là tốt nhất. Hố trồng cây có kích thước 40 x 40 x 40 cm.

Monday. January 24th, 2011
Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Cây Keo Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Cây Keo

Rừng trồng keo lai phải được bảo vệ chu đáo cho đến khi thu hoạch. Thường xuyên tuần tra canh gác để xác định lửa rừng, xung quanh lô trồng rừng phải có băng cây xanh rộng từ 8-10m để phòng, chống cháy rừng

Wednesday. June 1st, 2011
Hướng Dẫn Kỹ Thuật Trồng Rừng Keo Lá Tràm Hướng Dẫn Kỹ Thuật Trồng Rừng Keo Lá Tràm

Cây gỗ cao tới 25 - 30m, cành nhỏ, tự tỉa cành tốt, dễ trồng bằng hạt, sống lâu, cố định đạm. Có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất, kể cả đất nghèo kiệt, thoát nước kém. Cây mọc nhanh, tốc độ sinh trưởng cao trong vài năm đầu. Song trên một nơi nếu trồng nhiều chu kì liên tục có thể dẫn tới nghèo Kali và Mg trong đất

Monday. January 24th, 2011
Quy Trình Kỹ Thuật Trồng Keo Dậu Quy Trình Kỹ Thuật Trồng Keo Dậu

Leuceana leucocephala (Cây Keo dậu) có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Mexico, người Tây Ban Nha đưa hạt đến Philipin, từ đó nó được phát triển rộng rãi trong các vùng nhiệt đới trên thế giới, Đông Nam Á, Australia vào cuối thế kỷ 19. Keo dậu là cây thân gỗ nhẵn, không có gai. Cây cao từ 7-18m, có từ 8-23 đôi kép lông chim, lá chét dài 8-16mm

Monday. January 24th, 2011
Kỹ Thuật Trồng Keo Giâm Kỹ Thuật Trồng Keo Giâm

Keo lai là tên gọi của giống lai tự nhiên giữa Keo tai tượng (Acacia mangium) và Keo lá tràm (Acacia aurculiformis). Keo lai có sức sinh trưởng nhanh hơn rõ rệt so với loài keo bố mẹ. Các dòng keo lai đã chọn lọc sau 3 năm tuổi cho sản lượng gỗ 50 – 77 m3/ha, khi được 7 – 8 tuổi cho 150 – 200 m3 gỗ/ha – nhiều hơn 1,5 – 2 lần rừng keo tai tượng và keo lá tràm.

Tuesday. March 6th, 2012