Home / Cây lương thực / Trồng ngô

Kỹ thuật trồng ngô đông không làm đất

Kỹ thuật trồng ngô đông không làm đất
Author: Ths. Nguyễn Hải Tiến
Publish date: Friday. May 31st, 2019

Trồng ngô đông không làm đất, nếu chăm sóc đúng quy trình vẫn đạt năng suất tối đa, giảm áp lực thời vụ, mở rộng diện tích gieo trồng…

Ruộng ngô đông ở Hưng Yên

1. Yêu cầu đất trồng:

Chọn các chân ruộng vàn, vàn cao và cao, chủ động tưới tiêu.

2. Giống trồng:

- Ngô nếp: Sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao như: HN88; MX6; MX10; Wax 48; Wax 50; Milky 36; Victory 924…

- Ngô tẻ: Chọn các giống ngô có góc lá hẹp, bộ rễ chân kiềng khỏe, chịu hạn, chịu lạnh và chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất và tiềm năng năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn dưới 110 ngày.

3. Thời vụ trồng:

- Ngô nếp trồng trước 15/10.

- Ngô tẻ làm bầu trước 25 - 27/9.

- Chú ý, căn cứ vào thời gian sinh trưởng của mỗi giống, để tinh toán sao cho cây ngô trỗ cờ, phun râu trước 15 - 17/11.

4. Kỹ thuật làm bầu

- Lượng hạt giống (cho 1 sào 360m2): Ngô nếp 0,5kg. Ngô tẻ 0,7kg.

- Ngâm giống trong nước sạch 8 - 10h, đãi chua, để ráo nước, ủ trong cát ẩm 20 - 24h, hạt nứt nanh nhú mỏ quạ thì đem gieo.

- Chọn nền đất cứng bằng phẳng, dãi nắng, rộng 12 - 15m2, dọn sạch cỏ dại, dùng trấu hoặc lá chuối rải nền làm lớp lót bầu.

- Vớt bùn ao hoặc bùn sông trục phơi nắng 7 - 10 ngày cho hoai, trộn bùn với phân chuống mục tỷ lệ 1:1.

- Trải đều bùn đã trộn phân dày 8 - 9cm, kín hết diện tích đã chuẩn bị, gieo hạt giống cách 7 - 8cm/1 hạt.

- Lưu ý, gieo chìm hạt giống nhưng phải lộ mầm hạt hướng lên trên; chủ động phòng ngừa chim, chuột hại, che đậy nếu sau gieo gặp mưa to.

- Định kỳ 2 ngày/lần từ khi mặt bùn se quánh, dùng dao sắt khía dọc ngang vuông ô bàn cờ giữa các hàng hạt, sát tới nền đất cứng, tạo các bầu ngô theo kích thước đã định: 8 x 8cm hoặc 7 x 9cm.

- Đưa ra ruộng trồng khi bầu ngô có 3 - 4 lá thật (khoảng 6 - 7 ngày sau gieo, tối đa không để quá 10 ngày).

- Phun thuốc Anvil 5SC hoặc Validacin 3SC phòng nấm bệnh cho ngô trước khi đưa bầu cây ra ruộng 1 - 2 ngày.

5. Trồng bầu ngô ra ruộng sản xuất

- Nên thu hoạch lúa mùa sớm bằng máy gặt liên hợp, để lại rơm rạ làm phân bón, giữ ẩm đất, khống chế cỏ dại. Nếu gặt thủ công cần cắt lúa sát gốc.

- Ruộng khô cần bơm nước ẩm đất mới đặt bầu trồng ngô. Có thể phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm Gramxone 20SC để phòng trừ cỏ dại trước khi trồng.

- Dùng cuốc bổ hốc đặt bầu trồng 2 hàng ngô so le nanh sấu, khoảng cách 65 x 30cm, mật độ 2.200 - 2.300 cây/sào.

- Cách 2 hàng để lối công tác 30cm sau này làm rãnh tưới tiêu.

- Khi trồng xoay hướng lá ngô xòe ra 2 mép rãnh đã định.

6. Bón phân, chăm sóc (1 sào)

- Phân chuồng mục 300 - 500kg hoặc phân hữu cơ vi sinh 40 - 50kg. Supe lân 18 - 20kg. Đạm urê 15 - 17kg. Clorua kali 5 - 6kg. Nếu trồng ngô nếp giảm 60% lượng đạm urê.

- Bón lót toàn bộ phân chuồng + 2/3 lượng lân.

- Bón thúc lần 1 (sau trồng 1 - 2 ngày): 5kg Supe lân pha loãng tưới.

- Bón thúc lần 2 (khi ngô 5 - 6 lá): 1/3 lượng đạm urê + 1/2 lượng Clorua kali. Kết hợp xới xáo, làm cỏ, vun gốc, vét rãnh thoát nước rộng 20cm, sâu 15 -20cm.

- Bón thúc lần 3 (khi ngô 9 - 10 lá): 1/3 lượng đạm urê + 1/2 Clorua kali.

- Bón thúc lần 4 (sau trỗ cờ 15 - 20 ngày): 2 - 3kg đạm urê.

- Chú ý, tưới đủ nước cho cây ngô ở các giai đoạn xung yếu: 7 - 9 lá; trỗ cờ -phun râu và chín sữa.

- Thường xuyên kiểm tra ruộng ngô để điều chỉnh biện pháp chăm bón:

+ Lá ngô có màu đỏ, nhất là các nõn, thân cây nhỏ yếu - thiếu lân.

+ Chóp lá có màu vàng lan dần dọc theo gân lá, cây còi cọc - thiếu đạm.

+ Chóp và các mép lá dưới bị cháy khô, cây mềm yếu - thiếu kali.

+ Lá nhỏ, quăn, màu xanh xám - cây ngô thiếu nước.

+ Trong ruộng ngô có nhiều cây mọc chồi - thừa đạm.

7. Phòng trừ sâu bệnh:

- Sâu xám: Tìm diệt sâu vào sáng sớm hoặc dùng bả chua ngọt: 4 phần nước đường đen + 4 phần giấm + 1 phần rượu + 1 phần Dipterex 1%. Đổ 100cc bả chua ngọt vào các bát sứ, để rải rác trong ruộng ngô.

- Sâu đục thân: Rắc 7 - 10 hạt Basudin 10H hoặc Furadan 3H vào loa kèn cây khi ngô 7 - 8 lá và lúc xoáy nõn.

- Bệnh khô vằn: Phun Validacine 3SC hoặc Anvil 5SC.

- Rệp cờ: sử dụng Ofatox 400EC hoặc Fastac 5EC.

8. Thu hoạch: Khi hạt ngô chín già, chân hạt đen, lá bị khô. Ngô nếp ăn tươi bẻ bắp khi hạt ngô chín sáp.


Related news

Trồng ngô thích ứng biến đổi khí hậu Trồng ngô thích ứng biến đổi khí hậu

Thực hiện hợp phần 3, hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu thuộc dự án cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Quảng Trị

Friday. May 10th, 2019
Chăm sóc ngô vụ xuân Chăm sóc ngô vụ xuân

Để trồng ngô có năng suất cao, chất lượng tốt, bà con cần lưu ý khi chăm sóc ngô xuân như sau:

Wednesday. May 22nd, 2019
Kỹ thuật trồng ngô Đông Kỹ thuật trồng ngô Đông

Cây ngô là một trong những cây trồng được bà con trồng nhiều vụ trong năm đặc biệt trong vụ đông sau lúa mùa.

Tuesday. May 28th, 2019