Kỹ Thuật Nuôi Trâu Thịt
Cũng như bò, trâu cũng có khả năng sản xuất thịt khá cao, thịt trâu ngày càng được đánh giá cao trên thị trường thế giới và được nhiều người ưa chuộng, kể cả một số nước châu âu và Mỹ vì nhiều nạc, ít mỡ, lượng cholesterol ít hơn thịt bò 41%. Trâu có khả năng tăng trọng bình quân 500-800 g/ngày nuôi vỗ béo có thể tăng trọng 800-1000 g/ngày, có thể so sánh với các giống bò thịt cao sản. Tỷ lệ thịt xẻ của trâu cũng khá cao (43-48%), còn chất lượng thì không thua kém thịt bò.
Chúng ta chưa chú trọng thịt trâu vì còn những thành kiến và hiểu biết chưa đúng về thịt trâu. Thật ra chúng ta cũng chưa có trâu chuyên nuôi thịt, thịt trâu thường là từ trâu cày kéo bị loại thải. Vì vậy cần chú ý cải tạo đàn trâu và áp dụng các kỹ thuật vỗ béo nhằm tăng sản lượng và phẩm chất thịt trâu trong tiêu thụ thực phẩm.
1. Cải tạo đàn trâu theo hướng nuôi thịt
Trâu nước ta chủ yếu được sử dụng để cày kéo, có nhược điểm chung là tầm vóc bé, sinh trưởng chậm, tỷ lệ thịt không cao, nếu không được cải tạo và vỗ béo. Cải tạo trâu theo hướng nuôi thịt là nâng cao tầm vóc, tăng tốc độ sinh trưởng, rút ngắn thời gian nuôi lấy thịt, tăng năng suất thịt trên 1 đầu trâu đồng thời nâng cao chất lượng thịt trâu. Có thể áp dụng mấy biện pháp sau:
- Chọn lọc những trâu đực và cái có tầm vóc to làm giống là một biện pháp góp phần nâng cao tầm vóc đàn trâu địa phương.
- Dựa vào ưu thế lai, sử dụng trâu đực giống ngoại cho lai với đàn cái nội đã chọn lọc và tạo con lai có tầm vóc lớn hơn.
- Tăng cường chế độ dinh dưỡng, nuôi dưỡng chăm sóc hợp lý vỗ béo ở độ tuổi thích hợp tăng khả năng sinh trưởng, tăng năng suất thịt.
2. Nuôi vỗ béo trâu tơ lỡ
Dựa vào đặc điểm sinh trưởng và chỉ số trao đổi chất của trâu, người ta xác định tuổi giết thịt hợp lý của trâu là trong khoảng 2 năm tuổi. Trước khi giết thịt cần một thời gian ngắn vỗ béo nhằm tăng số lượng và chất lượng thịt. Thời gian nuôi sữa và giai đoạn tơ lỡ từ 7-18 tháng tuổi nuôi như trong phần nuôi nghé con và nghé hậu bị. Đối với nghé đực thì có thể thiến lúc 1 năm tuổi để bớt tiêu hao cho hoạt động sinh dục và tạo điều kiện cho nghé tích luỹ sớm thịt mỡ.
Tuổi vỗ béo của nghé thích hợp là khoảng 2 năm tuổi, thời gian vô béo khoảng 2-3 tháng.Trong thời gian vỗ béo nghé, sử dụng thức ăn gian năng lượng như cám, ngô, khoai v.v... hàm lượng prc'tein bình thường, tiêu tốn cho 1kg tăng trọng trung bình khoảng 6,8-8,5kg VCK tương đương 15.000-19.000 Kcal NLTĐ. Như vậy trong thời gian vỗ béo, cho trâu mỗi ngày được ăn 1-2kg thức ăn tinh và 20-22kg cỏ tươi. Có thể dùng cỏ khô và củ quả thay một phần cỏ tươi theo tỷ lệ 1kg cỏ khô tương đương 3-4kg cỏ tươi, 1kg củ quả tươi tương đương 1,1-1,2kg cỏ tươi.
Trước khi vỗ béo, trâu được tấy giun sán, nuôi tập trung thành nhóm tiện việc chăm sóc và quản lý. Phương thức nuôi vỗ béo nghé tơ lỡ có thể chăn thả ở những nơi có bãi chăn tốt và nguồn thức ăn xanh dồi dào, nghé được thả cho ăn tự do cả ngày thậm chí cả đêm, bổ sung thêm thức ăn tinh tại chuồng. Giảm đi lại cho trâu để bớt hao phí năng lượng cho vận động. Nếu có lao động thì nên cắt cỏ nuôi trâu tại chuồng, cung cấp thức ăn tinh bổ sung và nước uống đầy đủ, cho vận động hạn chế.
3. Nuôi vỗ béo trâu già
Nuôi vỗ béo trâu già là phương pháp truyền thống, đối tượng là những trâu đã loại thải không còn khả năng làm việc hoặc sinh sản, cho sữa và nhìn chung là gầy yếu. Nếu đem giết thịt những trâu này ngay thì khối lượng và chất lượng thịt thấp. Đem vỗ béo trong một thời gian ngắn có thể tăng được khối lượng thịt và cải tiến chất lượng thịt. Người ta chia trâu vỗ béo thành nhóm để tiện chăm sóc và quản lý. Thời gian vỗ béo trâu già cần 3 tháng, trong đó tháng đầu chủ yếu làm quen với thức ăn vỗ béo. Cũng như trâu tơ, trước khi vỗ béo tẩy giun sán cho trâu. Phương thức nuôi cũng tương tự như trên có thể chăn thả, bán chăn thả hoặc nuôi tại chuồng, sử dụng thức ăn xanh là chính, thường cho ăn tự do tối đa, giảm vận động, bổ sung thức ăn tinh. Thức ăn tinh thường dùng là các loại rẻ tiền như khoai, sắn, cám, khô dầu bông, rỉ mật v.v... để hạ giá thành vỗ béo. Nếu thức ăn xanh đảm bảo số lượng và chất lượng tốt cho trâu thì mỗi ngày bổ sung thức ăn tinh từ 1 kg/con/ngày ở tháng thứ nhất, tăng dần lên 2 kg/con/ngày ở tháng cuối cùng.
4. Mùa vỗ béoThời tiết nước ta có bốn mùa không rõ rệt mà thể hiện rõ ở hai mùa nóng ẩm và khô lạnh. Mùa nóng ẩm thì mưa nhiều nên nguồn thức ăn xanh dồi dào, các phế phụ phẩm nông nghiệp cũng sãn nên vỗ béo trâu thuận tiện, còn mùa khô lạnh ít mưa, nguồn thức ăn xanh khan hiếm, việc vỗ béo trâu khó khăn hơn. Trong sản xuất chúng ta có thể vỗ béo trâu quanh năm, trong mùa khô hanh vẫn có thể tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến như rơm khô ủ urê, bã bia rượu, dây lang, dây lạc, bã và ngọn mía... để vỗ béo trâu với số lượng hạn chế. Tuy vậy thời tiết khí hậu cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và mức độ tích luỹ của trâu, nóng quá hoặc lạnh quá đều không tốt, vì vậy mùa thu thời tiết mát mẻ và nguồn thức ăn dồi dào là thời kỳ vỗ béo tốt nhất. ở vùng lạnh (miền núi phía Bắc) nên kết thúc vỗ béo trước khi mùa đông tới (cuối thu) để giảm tiêu hao dinh dưỡng trong mùa rét.
Related news
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học trường Đại học Nông Lâm, nông dân nên sử dụng loại phụ phẩm này làm thức ăm cho gia súc, không những cung cấp cho gia súc dinh dưỡng đủ hơn mà còn giảm giá thành thức ăn, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Bệnh do một loài giun sống ở phế quản và khí quản gây nên. Bệnh phân bố rất rộng: miền núi, trung du, đồng bằng.
Dịch tả là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, do virus gây ra. Bệnh phát quanh năm, nhưng tập trung vào mùa hè và đầu mùa thu. Virus dịch tả thích nghi trên niêm mạc, đặc biệt là niêm mạc ống tiêu hóa, gây ra hiện tượng hoại tử, viêm, tụ máu và loét niêm mạc ruột.
Đây là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn tụ huyết trùng gây ra. Bệnh thường mang tính địa phương và gặp ở khắp nơi trên đất nước ta. Bệnh phát quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9.
Trong chăn nuôi trâu, bò thường gặp bệnh liệt dạ cỏ nếu không được điều trị trâu, bò sẽ yếu dần và dẫn đến tử vong.