Kỹ thuật nuôi cua đinh thương phẩm
Cua đinh là đối tượng dễ nuôi, tỷ lệ hao hụt thấp, thịt ngon, ngọt nên rất được ưa chuộng. Hiện, đây đang là loài thủy sản giúp nhiều người dân vươn lên làm giàu hiệu quả.
Thiết kế ao nuôi
Mặc dù cùng họ với ba ba, nhưng cua đinh có những đặc tính sinh trưởng khác nhau, do đó khi thiết kế ao nuôi cần đảm bảo:
– Diện tích ao nuôi phù hợp khoảng 500 – 1.000 m2 (tùy theo kinh tế của hộ).
– Xây dựng ao ở nơi chủ động về nguồn nước sạch. Không gian yên tĩnh, thoáng đãng để tiện cho cua đinh sinh sản.
– Ao nuôi dễ thoát nước, không bị ngập. Mỗi ao có cống cấp và thoát nước riêng. Cống thoát nước có điều kiện nên đặt sát đáy ao để dễ tháo cạn và hút bỏ chất cặn bẩn trong ao. Cấp nước vào ao nên cho chảy ngầm, không xối mạnh trên mặt nước làm cua đinh sợ hãi không có lợi cho sinh trưởng.
– Sườn bờ ao cần tạo chỗ cho cua đinh nghỉ ngơi dưới nước và trên bờ có chỗ cố định cho cua đinh ăn để tiện theo dõi. Xung quanh cần có bờ cao, tốt nhất là xây bờ tường dựng đứng cao 0,5 m so với mặt đất để cua đinh không thoát ra ngoài.
– Bơm nước sạch vào ao với một lượng thấp nhất là 1 m, cao nhất là 2 m (nếu nuôi cua đinh thương phẩm). Tùy vào thời tiết mà điều chỉnh mực nước, có thể tăng thêm hoặc giảm xuống cho phù hợp.
– Có chỗ cố định cho cua đinh ăn để dễ theo dõi sức ăn của cua và để làm vệ sinh khu vực ăn.
– Trước khi thả cua đinh vào phải vệ sinh, sát trùng ao nuôi, phơi ao.
– Trang bị dụng cụ cho ăn dùng vật liệu không dễ vỡ. Tập cho cua đinh ăn ở một vị trí nhất định để dễ theo dõi, giám sát.
Con giống
Nên chọn mua giống ở những cơ sở có uy tín. Chọn con giống đồng đều, cỡ giống là 150 – 200 g/con. Ngoại hình bóng, không bị xây xát, dị hình, không bị tật. Con giống khỏe mạnh, hoạt động nhanh nhẹn, không nhiễm bệnh. Con giống khỏe thể hiện bằng cách cho lật ngửa chúng sẽ tự lật lại bình thường; còn con giống yếu cổ sẽ rụt không hết, bò chậm, mắt có tinh thể màu đục. Mật độ thả nuôi là 0,5 – 1 con/m2. Trong điều kiện nuôi thâm canh có thể thả tới 2 con/m2. Nhiệt độ nước trong phạm vi thích hợp nhất để nuôi cua đinh là 26 – 300C. Tại ĐBSCL, thời tiết luôn ấm áp nên có thể thả nuôi quanh năm.
Quản lý chăm sóc
Dinh dưỡng: Thức ăn cho cua đinh là động vật còn tươi sống như tôm, cá tạp, moi, dắt, giun, ếch nhái, các loại phụ phế phẩm của lò mổ… và bột ngũ cốc, tất cả xay nhỏ với tỷ lệ động vật/thực vật là 3/1. Cho ăn mỗi ngày trung bình bằng 7 – 10% trọng lượng. Cho ăn 2 lần/ngày ở những vị trí cố định. Cho ăn vào sàng (mẹt, nia…) ngập trong nước 20 – 30 cm. Kiểm tra xem lượng thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp và vệ sinh sau mỗi lần cho ăn.
Quản lý: Cần kiểm tra bờ ao, rào chắn thường xuyên đặc biệt vào những ngày mới thả giống, trời mưa to. Chú ý tới nguồn nước đưa vào ao, bể nuôi luôn đầy đủ và sạch. Hàng ngày theo dõi sức ăn của cua đinh để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Phát hiện kịp thời những hiện tượng bất thường để xử lý. Nếu không có điều kiện thay nước thường xuyên và triệt để cho ao, bể định kỳ 15 – 30 ngày/lần tiến hành khử trùng cho ao, bể một lần bằng vôi bột với lượng 1,5 – 2 kg/100 m3 nước.
Phòng bệnh
Để phòng bệnh hiệu quả cho cua đinh cần thực hiện các biện pháp như:
– Chọn cua đinh giống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Trước khi thả giống phải tắm bằng dung dịch đồng Sunfat (CuSO4) với liều lượng 8 g/m3 trong thời gian 20 – 30 phút để phòng bệnh nấm và ký sinh đơn bào.
– Cuối vụ khử trùng ao, bể nuôi bằng cách bón 10 – 15 kg vôi/100 m2.
– Định kỳ 15 – 20 ngày/lần hòa nước vôi với lượng 1,5 – 2 kg/100 m3 té đều ao, bể nuôi.
– Những ngày nhiệt độ nước 18 – 250C, dùng dung dịch đồng CuSO4 với nồng độ 8 g/m3 hoặc thuốc tím nồng độ 20 g/m3 để tắm phòng bệnh nấm thủy mi cho cua thời gian 30 phút/lần.
– Khi cua bị bệnh phải nhốt riêng để điều trị đồng thời nhanh chóng vệ sinh môi trường ao nuôi. Không nuôi ở mật độ quá dày.
– Thức ăn phải được rửa sạch, băm nhỏ (phù hợp kích cỡ miệng), nếu ươn hôi phải được nấu chín, không cho ăn thức ăn mặn và bị ẩm mốc. Giảm lượng thức ăn khi nhiệt độ xuống thấp kéo dài. Không nên để thức ăn dư thừa.
– Tránh gây tiếng động mạnh khi cho ăn, khi thay nước.
Thu hoạch
Theo kinh nghiệm của những người nuôi cua đinh thì năm đầu cua tăng trưởng chậm, nhưng đến năm thứ 2 tăng trưởng rất nhanh, có thể tăng 2 – 3 kg/con, thậm chí 4 – 5 kg/con. Vì thế hầu hết người nuôi đều kéo dài đến năm thức 2 mới thu hoạch. Cua đinh nuôi 12 tháng đạt trọng lượng từ 2 – 3 kg/con.
Related news
Để xây dựng khẩu phần dinh dưỡng hợp lý, cần tìm hiểu hoạt tính của enzyme thủy phân protein qua các giai đoạn phát triển ấu trùng cua biển.
Bổ sung thức ăn phù hợp giúp tăng tỷ lệ sống, lột xác đồng bộ và rút ngắn thời gian trong quá trình biến thái của cua giai đoạn đầu.
Nuôi cua kết hợp với tôm sú là mô hình hiệu quả và an toàn hơn. Vì hình thức nuôi này giúp cải thiện đáng kể môi trường ao nuôi, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí