Kỹ thuật nuôi cua đinh
Nuôi cua đinh đòi hỏi nhiều kỹ thuật mới cho hiệu quả cao. Tôi có ý định nuôi thử nên nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi loại đặc sản này? Nguyễn Văn Tâm (Long Phước- Long Hồ)
Cua đinh 3 năm tuổi - Ảnh: Công Hân
Trả lời:
Anh Tâm mến, để nuôi cua đinh, anh cần chọn con giống đồng cỡ, kích cỡ giống là 150- 200 g/con. Con giống khỏe thể hiện bằng cách khi cho lật ngửa chúng sẽ tự lật lại bình thường.
Con giống yếu thể hiện ở triệu chứng là cổ rụt không hết, bò chậm, mắt có tinh thể màu đục. Khi mua giống, bà con nên mua ở những cơ sở có uy tín. Mật độ thả là 0,5- 1 con/m2. Trong điều kiện nuôi thâm canh, có thể thả tới 2 con/m2.
Thức ăn là động vật còn tươi sống như tôm, cá tạp, các loại phụ phế phẩm của lò mổ, thịt động vật kém phẩm chất và bột ngũ cốc, tất cả xay nhỏ với tỷ lệ động vật/thực vật là 3/1. Lượng thức ăn cho ăn mỗi ngày trung bình bằng 10% trọng lượng.
Cho ăn ngày 2 lần ở những vị trí cố định. Cho ăn vào sàng (mẹt, nia…) ngập trong nước 20- 30cm, sau đó kéo lên kiểm tra xem lượng thức ăn có hết không để điều chỉnh cho phù hợp và vệ sinh.
Anh cần kiểm tra bờ ao, rào chắn thường xuyên, đặc biệt vào những ngày mới thả giống, trời mưa to. Chú ý tới nguồn nước đưa vào ao, bể nuôi luôn đầy đủ và sạch. Hàng ngày, theo dõi sức ăn của cua đinh để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Phát hiện kịp thời những hiện tượng bất thường để xử lý.
Nếu không có điều kiện thay nước thường xuyên và triệt để cho ao, bể thì cứ 15- 30 ngày lại phải khử trùng cho ao, bể một lần bằng vôi bột với lượng 1,5- 2 kg/100m3 nước.
Phòng bệnh rất quan trọng khi nuôi cua đinh. Để giảm bệnh cho cua đinh, cần chú ý các biện pháp như: Chọn cua đinh giống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Trước khi thả giống phải tắm bằng dung dịch Sulfat đồng với liều lượng 8g/m3 trong thời gian 20- 30 phút để phòng bệnh nấm và ký sinh đơn bào. Cuối vụ khử trùng ao, bể nuôi bằng cách bón 10- 15kg vôi/100m2.
Related news
Nhờ “Liên đoàn vi khuẩn”, kết hợp công nghệ lên men tiên tiến, hãng NovoNutriens sẽ sớm tạo ra nguồn dinh dưỡng tối ưu phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản.
Trong họ ba ba có nhiều loài. Các loài thường gặp trên thị trường ba ba ở nước ta có ba ba hoa, ba ba gai, lẹp suối và cua đinh
Bà Trịnh Thị Nguyệt là một trong những người đầu tiên đưa con cua đinh vào nuôi nhốt và phát triển thành trang trại; doanh thu mỗi năm cả tỉ đồng.