Home / Cá nước mặn / Cá kèo

Kỹ thuật nuôi cá kèo thương phẩm hiệu quả

Kỹ thuật nuôi cá kèo thương phẩm hiệu quả
Author: Bích Hòa
Publish date: Saturday. April 3rd, 2021

Mặc dù nuôi cá kèo thương phẩm trong ao đất đã được xem là mô hình phổ biến; tuy nhiên để nuôi thành công và mang lại hiệu quả kinh tế thì việc nắm vững kỹ thuật xử lý ao nuôi, cho ăn, chăm sóc là vô cùng cần thiết.

Thiết kế ao nuôi

Trong kỹ thuật nuôi cá kèo thương phẩm hiệu quả, ao nuôi cá kèo cần được xây dựng ở vùng dễ thay nước nhờ vào thủy triều để giảm chi phí. Tùy theo kinh nghiệm của các hộ dân mà quy hoạch ao nuôi có diện tích phù hợp.

Tuy nhiên diện tích phù hợp là 1.500 m2 trở lên, độ sâu 1,8 – 2 m. Bờ ao có chiều rộng đáy tối thiểu 4 m, mặt 2 – 3 m, cao 1 – 1,5 m và cao hơn mức triều cường ít nhất 0,5 m.

Cải tạo ao

Đối với ao nuôi tôm không hiệu quả dùng để nuôi cá kèo thì cần nạo vét bớt lớp bùn trong nuôi tôm để lại sau đó dùng lưới rào xung quanh tránh chim, chuột phá hại.

Đối với ao cũ: tát cạn ao, sên vét sạch bùn đáy ao, để diệt mầm bệnh. Sau đó bón vôi CaCO3 để diệt mầm bệnh, ổn định pH, tạo thức ăn tự nhiên cho ao nuôi và tiến hành phơi đáy ao đến khi đất se mặt.

Đối với ao mới: Trước khi nuôi cần bơm nước vào ngâm ao 2 – 3 lần để rửa phèn và tạo môi trường trong sạch.

Chuẩn bị nước ao nuôi

Nước cấp vào ao nuôi phải lựa chọn con nước tốt, nước không có hiện tượng phát sáng vào ban đêm. Tốt nhất nên cấp nước vào ao lắng 5 – 7 ngày để lắng phù sa rồi mới tiến hành cấp nước vào ao nuôi bằng túi lọc có mắt lưới dày để hạn chế cá tạp xâm nhập vào ao nuôi.

Kỹ thuật nuôi cá kèo hiệu quả thì nước cấp vào ao nuôi ban đầu 0,3 – 0,4 m, sau đó mới nâng mực nước lên theo độ tuổi và phát triển của cá đối với các tháng tiếp theo.

Sau khi cấp nước vào ao nuôi khoảng 2 – 3 ngày thì tiến hành diệt tạp bằng dây thuốc cá với liều lượng 8 – 10 kg/1.000 m3 hoặc saponin 10 – 15 kg/1.000 m3. Trường hợp độ mặn dưới 15‰ nên diệt cá tạp bằng dây thuốc cá sẽ cho kết quả tốt hơn.

Sau khi diệt tạp xong, sau 2 – 3 ngày tiến hành diệt khuẩn bằng Iodine hoặc BKC 80% với liều lượng 1 lít/1.000 m3 và nên diệt khuẩn vào chiều mát để cho hiệu quả tốt nhất.

Chọn giống

Cá giống tự nhiên được khai thác tập trung vào 2 mùa chính là tháng 4 – 5 và tháng 9 – 11. Khi chọn cá kèo giống cần lưu ý: Không chọn cá kèo trắng, phải chọn cá kèo có màu đen và được các cơ sở bán giống gièo lại 4 – 5 ngày để cá kèo giống có thời gian phục hồi sức khỏe.

Cá giống khỏe mạnh có đặc điểm kích cỡ đồng đều, đạt 3 – 5 cm. Bơi lội linh hoạt, chủ động, không bị xây xát, nhiễm bệnh. Bụng no tròn, cho thấy cá kèo giống có bắt đầu ăn được thức ăn bên ngoài.

Thả giống

Mật độ thả dao động 50 – 100 con/m2, không nên thả với mật độ quá dày sẽ làm chậm khả năng sinh trưởng và phát triển của cá, môi trường ao nuôi dễ biến động, cá dễ mắc bệnh.

Thức ăn

Cá kèo có tính ăn tạp, ngoài thức ăn tự nhiên có trong ao như phù du động thực vật, sinh vật đáy, rong tảo sống bám, mùn bã hữu cơ… cá còn ăn được các thức ăn chế biến và thức ăn viên công nghiệp.

Để duy trì thức ăn tự nhiên, phải định kỳ bón thêm phân hữu cơ đã ủ hoại 10 – 15 kg/100 m2/tuần hoặc 100 – 150 g phân vô cơ (DAP, NPK)/tuần.

Thức ăn chế biến gồm cám gạo (60 – 70%) và bột cá (30 – 40%) được trộn đều và nấu chín, trộn thêm premix khoáng và Vitamin A, D, E, C (tổng cộng 0,2 – 0,3% tổng trọng lượng thức ăn).

Hàm lượng đạm trong thức ăn dao động từ 25% ở 2 tháng đầu, sau đó giảm dần xuống 22 – 20% ở tháng thứ 3, 4 và 18% cho hai tháng nuôi cuối. Khẩu phần ăn 4 – 6% trọng lượng thân/ngày. Cho cá ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều mát.

Với thức ăn viên công nghiệp cần phải chọn loại kích cỡ thức ăn phù hợp với độ lớn và kích thước miệng để cá có khả năng sử dụng thức ăn hiệu quả nhất. Hàm lượng đạm trong thức ăn cũng dao động 25 – 28%, giảm dần theo tuổi của cá. Khẩu phần ăn 1 – 1,5% trọng lượng thân/ngày và cho cá ăn ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều mát.

Ngoài ra, trong thời gian nuôi, thức ăn nên có bổ sung thêm một số loại men tiêu hóa nhằm kích thích cho cá ăn ngon và tiêu hóa thức ăn tốt

Quản lý ao nuôi

Sau khi thả giống được 1 tuần thì tiến hành nâng mực nước ao bằng cách châm nước từ ao lắng sang theo sự phát triển của cá. Định kỳ 7 – 10 ngày kết hợp Zeolite với vi sinh xử lý ao để đảm bảo môi trường ao nuôi ổn định (liều dùng theo khuyến cáo).  Bên cạnh đó phải thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu môi trường: pH, độ kiềm và điều chỉnh ở mức thích hợp trong suốt vụ nuôi.

Nước ao cần được chủ động điều chỉnh tăng cao hoặc giảm thấp phù hợp với các giai đoạn phát triển của cá nuôi. Giai đoạn hai tuần đầu mới thả cá giống, mực nước ao cần đạt 0,4 – 0,5 m, sau đó tiếp tục dâng từ từ, mỗi tuần cao hơn 0,2 m cho đến khi mức nước đạt tốt đa.

Theo dõi mực nước hàng ngày, kiểm tra các yếu tố thủy lý, thủy hóa của nước ao như nhiệt độ nước, pH, độ trong, độ mặn.

Kiểm tra bờ và cống ao đề phòng bờ bị rò rỉ do cua, còng đào hang, lưới chắn bị thủng (do bị mục hoặc cua, còng kẹp làm rách lưới).

Vào mùa mưa, độ mặn nguồn nước cấp và nước trong ao có xu hướng giảm dần, chú ý độ mặn của nước cấp cho ao phải tương đương hoặc không quá chênh lệch với độ mặn nước ao để tránh cá bị sốc.

Định kỳ mỗi tuần thay nước 1 lần, mỗi lần khoảng 30% lượng nước ao. Nếu nước ao bị nhiễm bẩn, màu nước xanh quá đậm hoặc chuyển màu nâu, có mùi hôi thì cần phải thay ngay nước mới trong sạch.

Để kỹ thuật nuôi cá kèo thương phẩm hiệu quả, bà con nên thực hiện đồng nhất các biện pháp để cá kèo phát triển khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh gây hại.


Related news

Giải pháp phòng chống dịch bệnh cá kèo Giải pháp phòng chống dịch bệnh cá kèo

Dịch bệnh trên cá kèo xảy ra liên tiếp và giá sản phẩm thấp khiến nhiều bà con thua lỗ nặng, diện tích nuôi giảm dần...

Friday. November 30th, 2018
Kỹ thuật nuôi cá kèo trong ao tôm sú Kỹ thuật nuôi cá kèo trong ao tôm sú

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá kèo trong ao tôm sú: cải tạo đất, chọn giống, thức ăn và chăm sóc

Monday. February 25th, 2019
Biofloc - Giải pháp mới cho nghề nuôi cá kèo Biofloc - Giải pháp mới cho nghề nuôi cá kèo

Cá kèo (Pseudapocryptes lanceolatus) sống nhiều ở vùng nước lợ, mặn và thường phân bố ở bãi bồi và các vùng rừng đước, sú, vẹt ven biển ĐBSCL

Friday. December 20th, 2019