Home / Tin tức / Tin thủy sản

Kỹ thuật nuôi cá dứa thương phẩm

Kỹ thuật nuôi cá dứa thương phẩm
Author: Phương Đông
Publish date: Saturday. December 5th, 2020

Cá dứa (Pangasius kunyit) có thịt săn chắc, nhiều nạc mang lại giá trị sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế cao, là đối tượng được ưa chuộng nhiều do nhu cầu sử dụng sản phẩm tươi và làm khô. Khô cá dứa là mặt hàng đặc sản trong phát triển du lịch hiện nay.

Mô hình nuôi cá dứa đang được một số địa phương quan tâm phát triển. Ảnh: Trần Út

Ao nuôi

Diện tích ao tốt nhất: 3.000 – 5.000 m2. Độ sâu ao tốt nhất là 1,5 – 2 m. Ao cạn không phù hợp với bản tính sống vùng nước sâu của cá, đồng thời môi trường nước ở các ao cạn cũng dễ biến động, vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe của cá. Nếu ao quá sâu, tầng đáy là tầng bị ô nhiễm đầu tiên và nhiều nhất trong ao; vì thế, tầng đáy càng sâu càng bất lợi. Ngoài ra, tầng đáy là tầng có hàm lượng ôxy hòa tan rất thấp, quạt nước cũng khó tác động đến được. Độ mặn trong khoảng 2 – 19‰. Tuy nhiên, theo đặc điểm sinh thái của cá đã nêu trên, trong tự nhiên cá phân bố nhiêu ở vùng cửa sông, nơi có độ mặn dao động 8 – 20‰. Độ pH trong ao khoảng 6,5 – 8. Khí hậu miền Nam hoàn toàn phù hợp với sự phát triển cá, nhiệt độ 26 – 32 độ C. Đây là loài cá có ngưỡng chịu đựng ôxy hòa tan thấp, cần bố trí hệ thống sục khí khi nuôi ở mật độ 2 – 5 con/m2.

Tu bổ, tẩy dọn ao bằng việc đắp bờ, vét bùn, bón vôi, phơi đáy, diệt tạp, gây màu nước. Vét kỹ lớp bùn đáy, vì đây là loài cá ăn nhiều (20 – 30 tấn thức ăn/ha), thời gian nuôi dài, nên lượng chất thải tích tụ nền đáy khá lớn. Nên bố trí cầu cảng để có thể ra xa bờ cho cá ăn, tạo cơ hội cho cá dù lớn hay nhỏ cũng dễ bắt mồi hơn. Vì đây là loài cá rất háo ăn, tranh ăn rất mạnh, nên cần có phương pháp cho ăn đồng đều để giảm tỷ lệ phân đàn.

Chuẩn bị giống

Kích cỡ giống thả: Cá hương sau khi ương dưỡng 3 – 4 tuần, cá đạt cỡ 4 – 6 cm/con, loại 25 – 40 con/kg; trước khi thả cá giống nên thuần hóa độ mặn để hạn chế cá giống bị sốc nước. Cá giống thích nghi tốt với chênh lệch độ mặn. Tuy nhiên, chênh lệch càng ít càng thuận lợi cho cá. Cá càng lớn xây xát do vận chuyển càng nhiều, từ đó tỷ lệ hao hụt càng cao nên vận chuyển cá lúc nhỏ (cá hương 2 – 3 tuần tuổi) và có kế hoạch ương dưỡng tại vùng nuôi trước khi thả ra ao nuôi.

Mật độ nuôi 1- 2 con/m2  nếu ao không có hệ thống quạt nước: thích hợp với các hộ dân ít vốn hay nuôi mặt nước lớn. Thả 3 – 5 con/m2 , bắt buộc phải có hệ thống quạt nước: nuôi chuyên canh, trong hệ thống ao diện tích phù hợp.

Chăm sóc, quản lý ao nuôi

– Thay nước: Cá dứa có thể nuôi trong điều kiện nước chảy như nuôi bè, nuôi đăng quầng. Do đó, trong điều kiện nuôi, tùy vào chất lượng nguồn nước cấp (mức độ ô nhiễm, sự chênh lệch các yếu tố môi trường như độ mặn, độ pH…) mà có chế độ thay nước phù hợp. Tuy nhiên, cá lớn sau 3 tháng nuôi có thể thay nước tối đa theo khả năng 1 – 2 lần/ngày, 50 – 60% lượng nước mới/lần.

– Cho ăn: Cá dứa có phổ thức ăn rộng, trong điều kiện nuôi có thể tận dụng nhiều loại thức ăn cho cá. Sử dụng thức ăn công nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, độ đạm 18 – 25%. Khi nuôi mật độ cao (> 2 con/m2) nên chọn loại thức ăn phù hợp để vừa đảm bảo mức tăng trưởng tối đa của cá vừa hạn chế ô nhiễm nước và giảm giá thành. Cho ăn hợp lý: khu vực cho ăn càng rộng, càng xa bờ, càng có lợi cho cá.

– Quạt nước: Có thể bố trí 4 – 6 giàn/ha, loại 12 quạt/giàn, 6 cánh/quạt. Thời gian vận hành tùy vào giai đoạn nuôi, cá càng lớn, thời gian quạt trong ngày càng tăng.

– Quản lý màu nước: Cần có chế độ thay nước phù hợp và xiphong đáy định kỳ hoặc khi cần thiết. Có thể sử dụng chế phẩm sinh học để hỗ trợ kiểm soát nền đáy ao.

– Ngoài ra cần tăng cường vitamin và khoáng chất, nhất là Vitamin C để phòng bệnh. Theo dõi bờ ao, cống bọng, lưới bao (nếu có). Ao nuôi cần được cải tạo, gia cố bờ, bón vôi, phơi đáy, lưu ý vét kỹ lớp bùn, phơi đáy ao vì cá dứa là loài ăn nhiều nên lượng chất thải tích tụ nền đáy khá lớn.

Thu hoạch

Khi cá nuôi được 10 – 12 tháng, đạt trọng lượng 1 – 1,2 kg/con thì có thể thu hoạch. Năng suất cá dứa nuôi thương phẩm khoảng 10 – 15 tấn/ha. Khi thu hoạch cá phải kéo bằng lưới nhằm hạn chế gây xây xát da cá thương phẩm làm giảm giá thành sản phẩm.


Related news

Liệu thức ăn thô xanh có thể thay thế cho cá mồi trong chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản? Liệu thức ăn thô xanh có thể thay thế cho cá mồi trong chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản?

Liệu thức ăn thô xanh có thể thay thế cho cá mồi trong chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản hay không?

Tuesday. December 1st, 2020
Một giải pháp mặn cho nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp Một giải pháp mặn cho nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp

Sử dụng nước biển để tạo ra các vùng đất ngập nước ven biển, nơi có thể trồng các loại cây trồng bao gồm cá và động vật có vỏ là một khái niệm tương đối mới

Tuesday. December 1st, 2020
Nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn, giảm chất thải Nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn, giảm chất thải

Nuôi tôm nhất là tôm thẻ chân trắng ngày một phát triển, điều này kéo theo những tác động lớn đến môi trường, trong đó có vấn đề về chất thải sau mỗi vụ nuôi

Friday. December 4th, 2020