Kỹ thuật ngâm ủ mạ vụ mùa
Vụ mùa thời tiết thường nắng nóng, nên giống lúa khi ngâm hay bị chua dẫn đến hiện tượng hạt bị thối làm cho tỷ lệ nảy mầm thấp, thậm chí là hạt giống không nảy mầm. Bên cạnh đó, một số giống lúa vừa sản xuất trong vụ xuân (giống liền vụ) có hiện tượng ngủ nghỉ, nếu không biết cách phá ngủ nghỉ thì tỷ lệ nảy mầm không cao. Để không bị thiệt hại khi ngâm ủ mạ, đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ mùa thắng lợi, bà con cần chú ý một số kỹ thuật xử lý, ngâm ủ thóc giống vụ mùa như sau:
1/ Kỹ thuật xử lý loại bỏ hạt lép, hạt lửng, hạt cỏ dại, tạp chất
Trước khi ngâm ủ cần phơi giống lại 2 - 3 giờ dưới nắng nhẹ để tăng sức hút nước và tăng độ nẩy mầm của hạt, không phơi trực tiếp trên sân gạch hay sân xi măng.
Sau đó, cần loại bỏ những hạt lép, hạt lửng, hạt cỏ dại, tạp chất, nấm bệnh… bằng nước nóng 540C (3 sôi, 2 lạnh) hoặc nước muối 15%.
Cách xử lý hạt giống bằng nước nóng 540C: Pha 3 phần nước sôi với 2 phần nước lạnh (3 sôi, 2 lạnh), rồi đổ thóc từ từ vào nước đã pha, ngâm trong thời gian 10 - 15 phút; lượng nước nóng 540C cần gấp 3 - 4 lần lượng lúa giống cần xử lý (ví dụ: 10 kg hạt giống cần 30 - 40 lít nước 540C); dùng rá vớt bỏ những hạt nổi, hạt lơ lửng trong nước, gạn lấy những hạt chìm mang đãi sạch.
Cách xử lý hạt giống bằng dung dịch nước muối 15%: Pha 1,5 kg muối ăn với 10 lít nước sạch, khuấy đều cho tan hết muối, sau đó đổ thóc giống vào dung dịch nước muối đã pha theo tỷ lệ một phần thóc ba phần nước, ngâm 10 - 15 phút, dùng rá vớt bỏ những hạt nổi, hạt lơ lửng trong nước, gạn lấy những hạt chìm mang đãi sạch.
2/ Xử lý phá ngủ, kích thích nẩy mầm
Các giống lúa liền vụ, hạt cần ngủ nghỉ lâu nếu không có biện pháp xử lý phá ngủ thì tỷ lệ nảy mầm sẽ thấp. Hạt giống trước khi xử lý phá ngủ, kích thích nẩy mầm cần loại bỏ hạt lép, hạt lửng, hạt cỏ dại, tạp chất bằng nước nóng 540C. Sau đó, lấy 0,5 - 1 kg lân Lâm Thao pha với 10 - 15 lít nước, khuấy đều để lắng, gạn lấy nước trong rồi đổ thóc giống vào ngâm trong 10 - 12 giờ.
Lưu ý: Tuỳ lượng thóc giống ngâm nhiều hay ít mà tăng lượng lân và nước, cứ 1kg thóc giống cần 1 - 1,5 lít dung dịch lân đã pha như trên.
3/ Kỹ thuật ngâm, ủ hạt giống lúa:
* Kỹ thuật ngâm:
- Hạt giống sau khi được xử lý loại bỏ hạt lép, hạt lửng, hạt cỏ dại, tạp chất; xử lý phá ngủ, kích thích nẩy mầm tiếp tục ngâm với nước sạch khoảng 24-36 giờ đối với giống lúa liền vụ hoặc 12 - 18 giờ đối với các giống lúa khác.
- Trong quá trình ngâm cứ 4 - 5 tiếng thì thay nước, rửa chua 1 lần, ngâm cho đến khi thấy hạt thóc hút no nước (hạt thóc trong, nhìn thấy phôi hạt), rồi đãi sạch, để ráo nước sau đó tiến hành ủ.
Lưu ý: Một số giống lúa thuần chuyển vụ tính từ khi xử lý nảy mầm đến khi hạt giống no nước phải đạt từ 36 - 48 giờ. Cá biệt có giống phải ngâm đến 60 - 70 giờ.
* Kỹ thuật ủ hạt giống:
- Sau khi hạt đã hút no nước, đãi sạch để ráo nước, cho vào thúng phủ bao tải đay ẩm để ủ.
- Trong quá trình ủ, ngày 2 lần tưới nước, đảo hạt giống cho hạt nẩy mầm đều.
- Khi hạt đã nhú mầm, nên xen kẽ “ngày ngâm đêm ủ” để hạt phát triển cân đối mầm và rễ. Vụ mùa chỉ cần ủ khi hạt nứt nanh, nhú mầm như gai dứa là gieo được./.
Related news
Đậu Hà Lan yêu cầu dinh dưỡng khoáng không cao. Cây có thể sinh trưởng phát triển trên nhiều loại đất, từ đất cát nhẹ nhiều mùn đến đất sét nặng
Bài viết sau sẽ giới thiệu tới các bạn một số loại rau trồng trái vụ cho năng suất cao.
Cách chiết cành còn là phương pháp truyền thống so với phương pháp ghép mắt cây chiết cành nhanh cho quả hơn, khoảng một năm là cây cho quả, cây không bị thoái