Kỹ thuật mới tăng hiệu quả nuôi tôm càng xanh
Mô hình nuôi tôm càng xanh thuộc Dự án AMD tại xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú.
Máy ép sấy thức ăn giúp nông dân giảm chi phí sản xuất.
Thời gian gần đây, nông dân huyện Thạnh Phú đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong nuôi tôm càng xanh như: sử dụng máy ép sấy trong sản xuất thức ăn, giải pháp bẻ càng trong quá trình nuôi... đạt hiệu quả khá cao. Việc ứng dụng kỹ thuật mới đang dần thay thế cách nuôi truyền thống để hướng đến sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kỹ thuật ép sấy
Hiện tại, huyện Thạnh Phú có hơn 8.000ha nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến với đối tượng chủ yếu là tôm sú, tôm càng xanh, cua... đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế của người dân. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao do năng suất thấp, giá thành thức ăn cao, thức ăn chế biến theo cách truyền thống chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường ao nuôi. Đặc biệt, trong nuôi tôm càng xanh, hầu hết nông dân đều tự chế biến thức ăn bằng cách nấu cám gạo, khoai mì, đầu tôm... rồi vò viên bằng tay không đồng đều và chế biến ngày nào sử dụng ngày nấy nên rất tốn công lao động.
Năm 2017, 5 hộ dân tại ấp Thạnh Hưng, xã Mỹ An (Thạnh Phú) được Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre (AMD Bến Tre) hỗ trợ thực hiện mô hình “Ứng dụng kỹ thuật ép sấy trong làm thức ăn tự chế phục vụ nuôi tôm càng xanh toàn đực” đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều so với cách nuôi truyền thống. Trong đó, dự án hỗ trợ hơn 257 triệu đồng và vốn của dân đối ứng hơn 407 triệu đồng để thực hiện. Cả 5 hộ dân nuôi tôm càng xanh đều được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, con giống, thức ăn, máy ép sấy thức ăn... Với mô hình thí điểm này, mỗi gia đình sẽ nuôi với diện tích 8.000m2, được dự án hỗ trợ 25 ngàn con giống tôm càng xanh toàn đực, 50% chi phí thức ăn, 50% vôi... để nuôi.
Máy ép sấy thức ăn giúp nông dân giảm chi phí sản xuất.
Nguyên liệu được thu gom từ những nông, thủy sản sẵn có của địa phương như: cám gạo, cá tạp, ruốc, cơm dừa, đầu tôm... để sản xuất thức ăn viên bằng máy ép sấy. Hiện tại, gia đình ông Đỗ Văn Phương là một trong 5 hộ dân ở địa phương được Dự án AMD Bến Tre hỗ trợ nuôi tôm càng xanh toàn đực. Ông Phương cho rằng: “So với cách nuôi trước đây thì cách nuôi này có sự thay đổi khá lớn khi có máy làm thức ăn tự chế, nuôi tôm toàn đực và sau mỗi vụ thu hoạch tôm lại xuống giống lúa không sử dụng thuốc hóa học nên đảm bảo sản phẩm sạch. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt thì cách làm này mang lại hiệu quả cao và bền vững”.
Kỹ sư Nguyễn Hữu Nam, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú (chủ nhiệm mô hình) nhận định: “Hệ thống máy ép sấy thức ăn là giải pháp tối ưu để giúp người nuôi tôm càng xanh ít tốn thời gian chế biến thức ăn và tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương nên giúp tiết kiệm 30 - 50% chi phí về thức ăn. Đồng thời, máy sản xuất thức ăn này làm ra kích cỡ viên đồng đều nên giúp tôm bắt mồi nhanh so với cách tự nấu thức ăn, vò viên truyền thông mà lâu nay nông dân thường áp dụng”. Kỹ thuật mới này giúp cho nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.
Giải pháp bẻ càng
Trước đây, bà con nuôi tôm càng xanh tại xã Thới Thạnh (Thạnh Phú) cho thu nhập khá nhưng gặp khó là khi tôm lớn, cặp càng cũng lớn theo được người dân gọi là tôm ma. Khi thu hoạch, thương lái mua tôm ma với giá bằng tôm xô, thấp hơn rất nhiều so với tôm loại 1 nên nông dân giảm đi lợi nhuận đáng kể. Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Văn Đoàn, ngụ ấp Thới Xương 3, xã Thới Thạnh nghiên cứu để đưa ra giải pháp bẻ càng tôm trong quá trình nuôi mang lại hiệu quả cao. Ông Đoàn cho biết: “Trước đây, nông dân cũng tìm cách bẻ càng trong quá trình nuôi để giúp tăng sản lượng tôm loại 1 khi thu hoạch. Tuy nhiên, khi bẻ ngang càng sẽ làm tổn thương khiến tôm bị mất sức, chậm lớn, hiệu quả không cao...”.
Theo ông Đoàn, để áp dụng kỹ thuật này, sau khi ương khoảng 3 tháng thì dùng chài, lưới bắt tôm để chuẩn bị bẻ càng. Khi đó, dùng xô hoặc thao lớn có đường kính khoảng 60 - 80cm rồi đổ nước sạch vào và dùng cái rổ nhỏ hơn để đặt vào trong. Sau đó, bắt từng con tôm đực đã chọn sẵn, dùng tay thuận cầm thật chặt 2 càng tôm cho vào trong rổ, lắc nhẹ qua lại tôm sẽ tự búng và làm rụng hai chiếc càng rồi tiếp tục thả xuống ao nuôi tiếp. Sau khi bẻ càng lần một được khoảng 1 - 2 tháng thì người nuôi tiếp tục áp dụng kỹ thuật bẻ càng như lần trước rồi tiếp tục cho xuống ao nuôi. Sau 6 tháng sẽ cho thu hoạch với số lượng tôm loại một tăng từ 30 - 35% so với cách nuôi truyền thống. Cách làm này không yêu cầu kỹ thuật cao nên nhiều nông dân có thể áp dụng giúp tăng sản lượng tôm loại 1, kéo theo tăng lợi nhuận.
Giải pháp kỹ thuật bẻ càng trong quá trình nuôi tôm càng xanh của ông Đoàn vừa đạt giải giải ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VI năm 2016-2017. Hiện tại, nhiều nông dân bắt đầu áp dụng giải pháp kỹ thuật này để tăng hiệu quả, lợi nhuận cao hơn.
Related news
Để thành công với con cá tra giống, ông thường xuyên tham dự các buổi tập huấn kỹ thuật, tìm hiểu tài liệu qua mạng internet.
Tỷ lệ giữa Carbon và Nitơ (C/N) đã được sử dụng để đánh giá tình trạng chất hữu cơ của đất và tính hữu dụng của phân chuồng cũng như các nguồn hữu cơ
Những năm gần đây, nghề nuôi ngao đang trở thành thế mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân, đóng góp kinh tế