Kỹ thuật gieo thẳng vụ xuân
Vài năm trở lại đây, phương thức gieo thẳng đã thể hiện ưu thế trên đồng đất Thái Bình, nó không chỉ giúp tiết kiệm giống, công lao động mà còn đảm bảo thời vụ tạo điều kiện thâm canh cho năng suất cao.
Chính vì vậy mà diện tích gieo thẳng đến nay của tỉnh nhà không ngừng được tăng lên. Để gieo thẳng thành công trong mọi loại hình thời tiết bất thuận cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Quy vùng gieo thẳng: Vùng gieo thẳng phải được quy hoạch gọn vùng để thuận tiện cho việc chăm sóc bảo vệ và đặc biệt là việc điều tiết nước.
2. Thời vụ: từ 10-25/2 (tức từ 3 tết – 18 tháng giêng), an toàn nhất từ 15-20/2 (8-13 tháng giêng): Các giống có TGST> 130 ngày gieo đầu lịch, các giống có TGST ngắn hơn gieo cuối lịch.
3. Làm đất: Qua nhiều vụ cho thấy, khâu làm đất là khâu rất quan trọng quyết định nhiều đến thành công của gieo thẳng. Ruộng gieo thẳng phải được bừa kỹ hơn so với ruộng cấy lúa, bừa xong tạo rãnh thoát nước 4 xung quanh ruộng. Trước khi gieo tháo cạn nước trang phẳng mặt ruộng, kéo lầm mặt bùn để khi gieo hạt bám đất và nhanh mọc hơn.
4. Bón phân lót: Nên sử dụng phân NPK chuyên lót cho lúa của các công ty có uy tín như Văn điển, Lâm Thao, Việt Nhật, bón với lượng 20 - 25 kg/sào, bón lót lúc bừa hoặc trước khi bừa để phân quyện trong đất hạn chế mất phân, phòng đói ăn cuối vụ và chống đổ cho lúa. Khi bừa xong chờ lắng bùn, nước trong thì mới được tháo bớt nước đi.
5. Kỹ thuật gieo thẳng:
* Lượng thóc giống/sào:
Để hạn chế công tỉa dặm cần khống chế lượng thóc giống ngay từ trước khi ngâm ủ: Đối với các giống hạt nhỏ như BT7, T10 và các giống lúa lai…. gieo 0,8 - 1kg/sào; Các giống hạt to hơn gieo 1 - 1,2kg/sào
* Kỹ thuật gieo: Có 2 cách là gieo bằng máy và gieo vãi bằng tay.
- Gieo bằng máy: Phải ngâm ủ để mộng có mầm dài rễ ngắn và dài bằng 1/3 - 1/2 hạt thóc. Cách làm như sau: Khi ủ cần kiểm tra thấy hạt nứt nanh tiến hành túm chặt, ngâm sâu xuống nước 10 - 12 tiếng sau đó vớt lên để ráo hoặc ủ nhẹ 10 - 12 tiếng. Cứ làm như thế khoảng 3 ngày sẽ có mộng mạ để gieo.
Đổ mộng vào các trống của máy, đổ 1/2 - 2/3 trống, không đổ đầy. Khi kéo, đi thẳng, đi đều và khép kín các lối đi. Mật độ 90 - 110 hạt/m2.
- Gieo vãi tay:
Để đảm bảo mật độ và giảm công tỉa dặm cần chia ruộng thành các luống với kích thước 1,5 - 2m. Lượng thóc giống trước gieo cũng được chia đều cho các luống. Khi gieo nên gieo đều tay và tạo cho hạt thóc 1 lực để khi hạt thóc rơi xuống mặt luống không quá chìm nhưng cũng không nổi trên mặt luống. Tốt nhất sau khi gieo hạt thóc chìa lưng lên nhưng cổ mộng được ôm 1 lớp bùn mỏng để nêu gặt thời tiết bất thuận mộng mạ ít bị ảnh hưởng và mọc nhanh hơn. Khi gieo đi gieo lại cho đều.
Lượng mộng còn thừa, gieo gọn 1 mét vuông vào góc ruộng tuyệt đối không tung hết vào ruộng hay rắc ra 4 xung quanh ruộng sau này sẽ tốn nhiều công nhổ tỉa.
Thuốc trừ cỏ cho lúa gieo sạ: sau khi gieo xong chậm nhất đến 3 ngày nên sử dụng thuốc trừ cỏ tiền ngay như Sofit, Frefit… để phun, nồng độ và liều lượng như hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.
Điều tiết nước cho lúa gieo thẳng: Sau gieo xong giữ mặt luống phải đủ ẩm nhưng rãnh luống cần có nước, tuyệt đối không để mặt luống bị đọng nước nhưng cũng không để quá khô hạn ảnh hưởng đến khả năng mọc của cây lúa đồng thời giảm hiệu lực của thuốc trừ cỏ.
Nếu trời nắng, nhiệt độ cao, mặt ruộng nứt nẻ hoặc thời tiết rét kiểm tra lúa được 1,5 - 2 lá có thể đưa nước vào láng chân nhưng cần sử lý ốc biêu vàng ngay sau khi đưa nước vào.
Khi lúa được 2,5 - 3 lá, thời tiết ấm nhiệt độ trên 150C, nhổ lên thấy rễ trắng tiến hành bón nhử 2 - 3kg đạm urê/ sào, tiến hành dặm tỉa và chăm sóc như lúa cấy.
Related news
Vụ xuân năm 2019 là vụ không được ải, làm đất muộn, tàn dư trên đồng ruộng nhiều gây nguy cơ sâu bệnh lớn. Thời tiết đầu vụ cho thấy vụ xuân ấm điển hình
Trước tình hình thời tiết rét đậm kéo dài, nông dân các huyện chủ động triển khai biện pháp chống rét cho mạ Xuân đảm bảo đủ mạ cấy đúng thời vụ
Không nên ngâm quá dài khiến hạt thóc thôi chua nhiều dễ bị thối hỏng hoặc kém phát triển sau gieo