Kỹ thuật chọn giống trâu
Có thể dùng đực giống Hà Giang, Tuyên Quang để cải tạo giống trâu vùng đồng bằng.
Trong sản xuất, khi nhân giống, cần lựa chọn những con đực, con cái giống tốt để ghép đôi giao phối, để vừa bảo đảm nhu cầu tăng đàn, vừa tăng sức sản xuất của trâu.
1. Cách chọn trâu đực giống:
Trâu đực giống tốt có tác dụng rất lớn để cải tạo đàn, bởi vì một con đực có thể phối cho 20-30 con trâu cái.
Trâu đực giống tốt là những con có ngoại hình cân đối, tầm vóc và khối lượng lớn, trông vạm vỡ, khoẻ mạnh, tính chất nhanh nhẹn, hăng hái.
Đầu và cổ to, rắn chắc.
Ngực sâu và nở nang.
Vai rộng, lưng thẳng và dài.
Bụng thon gọn, không xệ, mông dài, rộng, săn chắc.
Bốn chân to, khoẻ, đi không chụm khoeo hay chữ bát.
Móng chân khít.
Bộ phận sinh dục phát triển, cân đối, dịch hoàn cân đối, mềm mại, nhưng không quá sa xuống (sa xuống là do dây chằng dịch hoàn yếu → con vật có sức khoẻ yếu).
Các tiêu chuẩn chọn như trên mang tính thực tiễn và phù hợp với điều kiện chăn nuôi gia đình.
Thực chất, trong chọn giống còn cần quan tâm đến các chiều đo, số lượng và chất lượng tinh dịch, khả năng phối giống thụ thai cho đàn cái.
Ngoài ra còn phải xem xét đến tiêu chuẩn năng suất, chất lượng của đời sau.
2. Cách chọn trâu cái:
Yêu cầu đầu tiên cũng phải to, khoẻ, vì thường mẹ to đẻ con to.
Cụ thể đối với giống trâu miền núi, cần chọn những con cái có khối lượng trên 400 kg, trâu vùng đồng bằng trên 300 kg.
Trâu cái phải khoẻ mạnh, các bộ phận trên mình cân đối, đặc biệt là phần mông, khung chậu và bầu vú phát triển tốt.
Đầu và cổ phải thanh, nhẹ, cân đối.
Ngực nở nang và sâu, rộng.
Lưng dài, rộng.
Bụng to và tròn.
Bầu vú phát triển, bốn núm vú phân bố đều đặn.
Bốn chân vững chắc, không đi vòng kiềng.
Related news
Chế biến thức ăn thô xanh cho gia súc từ phụ phẩm nông nghiệp để bổ sung thức ăn thô xanh cho gia súc là giải pháp giảm chi phí giá thành, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi. Đặc biệt là giúp phát triển quy mô nông trại, trong điều kiện diện tích canh tác thức ăn chăn nuôi hạn chế, nhỏ hẹp. Nếu tận dụng tốt nguồn thức ăn này, các nông trại sau mỗi vụ thu hoạch ngô của gia đình và bà con quanh vùng, có thể dự trữ được hàng chục tấn thức ăn thô xanh.
Bệnh chậm sinh, vô sinh ở trâu, bò cái là hiện tượng khi trâu, bò cái tơ đến tuổi sinh sản mà không xuất hiện động dục (trâu 3 năm tuổi, bò 2 năm tuổi trở lên không động dục), trâu bò rạ sau khi sinh (trâu sau 6 tháng, bò sau 3 tháng) không có biểu hiện động dục trở lại hoặc động dục nhưng phối giống nhiều lần không đậu.