Home / Cây ăn trái / Thanh long

Kỹ thuật chăm sóc thanh long ruột đỏ trong thời kỳ ra quả

Kỹ thuật chăm sóc thanh long ruột đỏ trong thời kỳ ra quả
Author: TTKNKN Vĩnh Phúc
Publish date: Tuesday. March 12th, 2019

Thanh long ruột đỏ là cây có nguồn gốc nhiệt đới, sinh trưởng và phát triển tốt ở các nơi có ánh sáng đầy đủ. Sau khi trồng một năm cây thanh long bắt đầu cho quả, năng suất quả ổn định ở năm thứ 5.

Một năm cây ra nhiều đợt quả, thời gian cho quả kéo dài từ 6 - 7 tháng, từ khi hoa thụ phấn, đậu quả đến khi thu hoạch từ 22 - 25 ngày. Thời gian phát triển của quả thanh long tương đối ngắn so với nhiều loại quả nhiệt đới khác như xoài, sầu riêng, chuối, dứa, những loại cây ăn quả này thường phải mất thời gian từ 85 đến 140 ngày. Vì vậy, phải chú ý chăm sóc tốt cho cây thanh long ruột đỏ ở thời kỳ này để đảm bảo năng suất và chất lượng quả. Tưới nước thường xuyên, định kỳ dựa vào điều kiện thời tiết khí hậu và tình hình sinh trưởng, phát triển của cây. Cây thanh long là cây chịu hạn rất tốt, nhưng để tạo kiện thuận lợi cho thời kỳ ra hoa, đậu quả thì cần phải cung cấp nước cho cây đầy đủ. Có thể giữ ẩm bằng cách phủ rơm, rạ, cây lạc vào gốc cây. Tưới nước kết hợp với vun xới tạo độ thông thoáng cho đất, rễ cây sẽ phát triển mạnh.

Cây thanh long có thể trồng được trên nhiều loại đất: đất cát, đất xám bạc màu, đất phèn, đất phù sa, đất đỏ bazan, đất thịt, thịt pha sét. Tuy nhiên, để trồng thanh long đạt hiệu quả cao đất phải tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt, đất phèn nhẹ hoặc đất phù sa phủ trên nền phèn có pH từ 5,5 - 6,5, hàm lượng hữu cơ cao, không bị nhiễm mặn. Làm cỏ, vệ sinh vườn phải được tiến hành thường xuyên để hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại và sự cạnh tranh dinh dưỡng. Đối với những vườn thanh long có trồng xen với các cây trồng khác (cây ăn quả, lạc, đỗ, rau xanh, ...) cần phải quan tâm hơn đến vệ sinh vườn để hạn chế tàn dư của sâu bệnh ở cây trồng xen sau thu hoạch phát sinh gây hại cây thanh long. Bón phân cung cấp đầy đủ dinh đưỡng cho cây hình thành và phát triển quả. Một trụ thanh long (4 cây) cho năng suất ở năm thứ 3 khoảng 10 kg/trụ/năm, năm thứ 5 có năng suất ổn định khoảng 15-17 kg/trụ/năm. Như vậy, thanh long cần rất nhiều dinh dưỡng để nuôi quả. Bón phân hữu cơ cân đối với phân vô cơ sẽ cho năng suất và chất lượng quả cao. Một số loại phân hữu cơ tự có tại các hộ gia đình rất phù hợp để bón lót cho cây thanh long: phân gà, phân chuồng ủ mục (khoảng từ 5- 10 kg/trụ/năm), nước phân lợn từ hầm biogas. Có thể sử dụng 0,5 - 1,0 kg/trụ/năm các dạng phân hữu cơ sinh học đã được cho phép bán trên thị trường thay thế nếu không có các loại phân tự có trên.Bón thúc phân hóa học với liều lượng, số lần bón khác nhau căn cứ vào điều kiện đất đai, thời gian trồng (năm thứ nhất, thứ 2, thứ 3, ...) và đặc điểm hình thái tại thời điểm hiện tại của cây thanh long ruột đỏ. Lượng phân bón thúc cho cây thanh long ruột đỏ năm thứ 2 thường áp dụng: 300,0 gam Urê/trụ/năm và 200,0 gam NPK (16-16-8)/trụ/năm. Bón đợt 1 vào trước thời kỳ ra hoa, đậu quả (tháng 3 - 4) thúc 2/3 lượng phân, đợt 2 trong thời kỳ ra hoa, đậu quả (tháng 6-7) bón thúc 1/3 lượng phân còn lại. Năm thứ ba trở đi cây thanh long ruột đỏ cho năng suất cao hơn năm thứ 2 nên tổng lượng phân bón hóa học sẽ tăng lên. Liều lượng phân bón điều chỉnh phù hợp với điều kiện đất đai, tình hình sinh trưởng và phát triển của cây thanh long. Chú ý bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ kết hợp với phân vô cơ, bón phân tổng hợp NPK, Kali clorua để tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả. Chia làm các lần bón theo chu kỳ sinh trưởng sinh dưỡng và sinh thực của cây: Sau khi kết thúc thu hoạch của năm trước (tháng 9, tháng 12), thời kỳ trước khi ra hoa, đậu quả (tháng 3, tháng 4), trong thời kỳ ra hoa, đậu quả (tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8).

Cây Thanh Long có hai loại rễ: địa sinh và khí sinh. Rễ địa sinh phát triển từ phần lồi ở gốc hom có nhiệm vụ bám vào đất và hút các chất dinh dưỡng nuôi cây. Rễ địa sinh phân bố chủ yếu ở tầng đất mặt (0 - 15 cm), ở các nơi đất xốp và có tưới nước rễ có thể mọc sâu hơn. Khi đất khô các rễ sợi sẽ chết đi, các rễ cái lớn hơn sẽ hóa bần làm giảm sự dẫn nước khoảng 10 lần để ngăn chặn sự mất nước vào đất thông qua rễ. Rễ khí sinh mọc dọc theo thân cây, bám vào trụ chống để giúp cây leo lên giá đỡ. Do vậy, khi bón phân cần lưu ý không làm tổn thương rễ cây thanh long. Tiến hành rắc đều phân trên mặt đất xung quanh trụ thanh long, xới nhẹ cho hạt phân lọt xuống đất hoặc phủ lên bằng một lớp đất mỏng sau đó tủ bằng rơm rạ hay cỏ khô, sau khi rắc phân cần tưới nước cho phân tan.

Để đảm bảo năng suất, chất lượng quả cần phải tỉa hoa, quả. Chọn 2 - 4 hoa phát triển tốt trên mỗi cành, các hoa còn lại tỉa bỏ, nên chọn các hoa trên cùng một cành ở 2 mắt xa nhau. Tỉa quả đảm bảo mỗi cành chỉ để lại 1 - 2 quả, chọn các quả phát triển tốt, không dấu vết sâu bệnh và không bị che khuất trong bóng mát.

Thời kỳ ra hoa, đậu quả diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11 có nhiều thời điềm có thời tiết bất thuận như mưa nhiều, nắng mưa thất thường, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão, ... nên việc phòng trừ sâu bệnh cho cây thanh long ruột đỏ phải được quan tâm thường xuyên và kịp thời để tránh làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả thanh long. Một số đối tượng gây hại chính trong thời kỳ ra hoa, đậu quả cần lưu ý: sâu khoang, sâu róm, bọ xít, phun phòng trừ bằng một số lại thuốc đặc trị có bán trên thị trường; bắt ốc sên vào buổi tối hoặc rắc vôi bột xuống gốc cây thanh long để ngăn không cho ốc sên gây hại, là biện pháp đơn giản, hiệu quả và không tốn công lao động; nhện đỏ phòng trừ bằng thuốc: LAMA 50 EC; Danitol 10EC, Nissorun 5EC, Pegasus 500EC, Polo 500EC, Cascade 5EC.

Thanh long ruột đỏ là giống cây trồng mới được nhập nội từ Đài Loan có khả năng thích nghi với điều kiện vùng núi huyện Lập Thạch. Là cây trồng chủ lực để xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây (có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, ra hoa, đậu quả), tương tự như giống thanh long ruột trắng. Tuy nhiên, để cây cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế thì việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc phải được đặt lên hàng đầu. Các cơ quan chuyên môn phải luôn quan tâm, chỉ đạo và khuyến cáo các hộ nông dân thực hiện các biện pháp thâm canh tăng năng suất, chất lượng quả. Nếu làm được như vậy thì mô hình trồng thanh long ruột đỏ sẽ phát triển bền vững, tạo một vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả mới trên địa bàn tỉnh.


Related news

Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ - Phần 3 Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ - Phần 3

Giống Thanh long ruột đỏ được ưa chuộng nhất hiện nay là Long Định 1 và H14 là giống được Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam lai tạo

Wednesday. November 14th, 2018
Xử lý cho thanh long nghịch vụ Xử lý cho thanh long nghịch vụ

Mùa thanh long tự nhiên là từ tháng 4 tới tháng 9, tuy nhiên, vào mùa nghịch, một số nhà vườn đã dùng kỹ thuật chong đèn tạo quả trái vụ để chủ động thu hoạch,

Tuesday. January 15th, 2019
Kỹ thuật trồng cây thanh long nhanh ra nhiều quả chất lượng cao Kỹ thuật trồng cây thanh long nhanh ra nhiều quả chất lượng cao

Kỹ thuật trồng cây thanh long cho nhanh ra quả và chất lượng tuyệt hảo mà các chuyên gia nông nghiệp mới tiết lộ.

Wednesday. February 13th, 2019