Home / Cây lương thực / Trồng lúa

Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 12

Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 12
Author: Nguyễn Ngọc Đệ. PhD
Publish date: Monday. January 29th, 2018

KỸ THUẬT CANH TÁC LÚA

3/ Lúa tái sinh (lúa chết)

Một vấn đề đã và đang được nghiên cứu nhiều và ứng dụng rộng rãi ở một số nơi trên thế giới là kỹ thuật lúa tái sinh hay lúa chét hoặc lúa để mùa gốc. Kỹ thuật nầy được áp dụng từ lâu ở Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan… nơi mà điều kiện sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, hoặc để rút ngắn thời gian sinh trưởng, tăng được nhiều vụ, hoặc để tận thu tiềm năng cho năng suất cao của các giống lúa ưu thế lai (F1), loại giống lúa đòi hỏi kỹ thuật và chi phí sản xuất hạt giống cao, mà không thể dùng hạt giống vụ đầu để sản xuất tiếp vụ sau như các giống lúa thông thường.

Gần đây, ở một số vùng trồng lúa 3 vụ của tỉnh Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long nông dân thường để 1 vụ lúa mùa gốc sau vụ lúa hè thu hay xuân hè, nhằm rút ngắn thời vụ, tránh nước lũ và giảm chi phí sản xuất. Năm 1993, chỉ riêng huyện Tân Thạnh (Long An), trong số 6000 ha lúa vụ 3 (vụ thu đông), có trên 4200 ha lúa tái sinh (Trần Minh Tùng, 1993), với năng suất bình quân tương đương 80% năng suất lúa vụ chính. Trường hợp cá biệt, một số nông dân Cai Lậy (Tiền Giang) đã đạt năng suất 5-5,5 t/ha với lúa tái sinh sau vụ đông xuân.

Còn nhiều vấn đề kỹ thuật cần phải nghiên cứu để ổn định và nâng cao năng suất lúa tái sinh như giống lúa, thời vụ, phân bón, chế độ nước, sâu bệnh và các vấn đề về mối quan hệ giữa vụ lúa chính và vụ lúa tái sinh. Trong những năm 1995-2003, diện tích lúa chét đã phát triển khá rộng ở vùng lúa thâm canh 3 vụ lúa, đặc biệt là các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Cho đến năm 2006, tại tỉnh Vĩnh Long, vẫn còn có hơn 14.000ha lúa chét, chiếm 23% diện tích lúa vụ 3 (Thu Đông) của tỉnh.

3.1 Điều kiện để chét thành công 

Sinh trưởng, phát triển và năng suất của lúa chét phụ thuộc vào giống lúa, tình trạng sinh trưởng, sâu bệnh, thời gian thu hoạch vụ trước, kỹ thuật cắt rạ (độ cao rạ) và vấn đề bón phân chăm sóc. 

• Giống lúa 

Khả năng tái sinh phụ thuộc rất lớn vào đặc tính giống. Những giống lúa khác nhau có khả năng tái sinh cũng khác nhau. Thông thường các giống lúa có bông to, thân rạ cứng, dinh dưỡng tích luỹ trong thân cao thì khả năng tái sinh (ra chồi con sau khi thu hoạch) tốt hơn những giống lúa có bông nhỏ, thân rạ mềm yếu. Thực tế cho thấy các giống lúa có khả năng tái sinh mạnh như IR42, IR19660, IR50404, IR66, IR59606, IR66707, MTL322, MTL250,…. 

• Tình trạng sinh trưởng và sâu bệnh vụ trước 

Để có thể đạt được hiệu quả vụ lúa chét cao, cây lúa vụ trước phải sinh trưởng tốt và không nhiễm sâu bệnh, đặc biệt là các bệnh đốm vằn, thối thân, cháy lá. Để lúa tái sinh mạnh, khoảng 5 ngày trước khi thu hoạch vụ trước người ta thường bón phân đạm khoảng 30 kg Urea/ha để lúa có thể tích luỹ nhiều dinh dưỡng trong rạ và thu hoạch sớm khi lúa vừa chín (80% hạt trên bông chín vàng), gốc rạ phải còn tươi. 

• Cắt rạ 

Ngay sau khi thu hoạch trong vòng 1-2 ngày, khi gốc rạ còn tươi, người ta tiến hành cắt gốc rạ. Chiều cao cắt ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và thời gian sinh trưởng của lúa vụ để chét. Theo quy luật sinh trưởng thực vật, những phần trên thân càng gần ngọn càng có tuổi sinh lý cao, do đó, nếu cắt rạ quá cao, các mầm chồi phía trên sẽ phát triển, ức chế các chồi gốc, lúa sẽ trổ sớm, trổ không đồng loạt, bông nhỏ, ít hạt và năng suất thấp. Để lúa chét mạnh, ra chồi nhiều, cho năng suất cao, nên cắt rạ ở chiều cao 3-5 cm trên mặt đất để chỉ sử dụng các chồi gốc có tuổi sinh lý non, sinh trưởng chồi lúa tái sinh sẽ mạnh hơn và thời gian trổ trể hơn để cây lúa chét có đủ thời gian ra nhiều bông, bông to, năng suất cao hơn. Bằng cách nầy, thời gian từ lúc thu hoạch lúa vụ trước đến khi vụ lúa chét sẳn sàng thu hoạch thường là 75-80 ngày và năng suất có thể đạt 4-4,5 tấn/ha.  

3.2 Kỹ thuật canh tác lúa chét 

Do vụ lúa chét có thời gian sinh trưởng ngắn (75-80 ngày) nên vấn đề bón phân và chăm sóc đòi hỏi rất chặt chẽ. 

• Giữ nước 

Khi thu hoạch lúa vụ trước ruộng nên giữ ẩm, không để ruộng khô, cũng không để ngập nước. Ruộng quá khô gốc rạ dễ bị khô héo, khả năng tái sinh kém. Ngược lại, ruộng ngập nước sẽ ức chế các chồi gốc, hạn chế sự ra chồi tái sinh. Vã lại khi đất ướt, sự giẫm đạt trong quá trình thu hoạch và gom lúa sẽ gây thiệt hại cho gốc rạ.  

• Bón phân 

- Trước khi thu hoạch lúa vụ trước: 

Như đã trình bày ở trên, để gốc rạ có thể tích luỹ được nhiều dinh dưỡng cho việc tái sinh, 3-5 ngày trước khi thu hoạch lúa vụ trước, nên bón khoảng 30 kg Urea/ha. 

- Sau khi thu hoạch lúa vụ trước: 

5 ngày sau khi cắt rạ bón khoảng 30 kg Urea và 50 kg DAP/ha để kích thích ra chồi tái sinh và nuôi chồi con. 

15-20 ngày sau khi cắt rạ bón 50 kg Urea/ha để lúa nở bụi và phát triển chồi to. 

30-35 ngày sau khi cắt rạ lúa đã có đòng nên bón phân nuôi đòng: 50 kg Urea và 30 kg Kali (KCl)/ha để nuôi đòng. 

Hình 6.12. Các thời kỳ bón phân cho vụ lúa chét 

• Phòng trừ sâu bệnh 

Vấn đề phòng trừ sâu bệnh cũng tương tự như đối với lúa sạ ướt

Hình 6.12. Kỹ thuật cắt rạ và sinh trưởng của vụ lúa chét


Related news

Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 9 Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 9

Cách chuẩn bị hạt giống như sạ uớt hoặc như sạ khô. Điều quan trọng là nên chọn giống lúa thích hợp để giảm sự cạnh tranh lẫn nhau khi sạ chung trên cùng một dt

Monday. January 29th, 2018
Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 10 Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 10

Tùy điều kiện cụ thể từng nơi và yêu cầu của từng vụ mà chọn cách làm mạ thích hợp, miễn bảo đảm có cây mạ tốt, to khỏe, cứng cáp, xanh tốt, không sâu bệnh

Monday. January 29th, 2018
Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 11 Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 11

Cấy lúa phải bảo đảm các yêu cầu: cấy đúng tuổi mạ, đúng khoảng cách và cấy cạn. Tuổi mạ dài và ngắn tùy theo thời gian sinh trưởng của giống lúa và phương pháp

Monday. January 29th, 2018