Kỹ sư bò sữa thu nhập gần nửa tỷ đồng mỗi năm
Bén duyên với bò sữa
Đến thăm trại chăn nuôi bò sữa của anh Tám, chúng tôi khá ấn tượng bởi quy trình nuôi bò sữa nông hộ rất chuyên nghiệp: Chuồng bò sạch sẽ; máy vắt sữa, dụng cụ vắt sữa được xếp gọn gàng ngăn nắp trên giá để đồ; đàn bò được chăm sóc chu đáo, có chế độ ăn uống hợp lý và tiêm phòng đầy đủ. Nhìn đàn bò béo mượt anh Tám nói: “Bò sữa đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi rất nhiều. Nếu không đến với nghề này tôi khó lòng có thu nhập như ngày hôm nay”.
Trước khi nuôi bò sữa, anh Tám đã xoay đủ nghề từ làm ruộng đến nuôi thỏ, lợn, thầu ao thả cá… nhưng nghề nào cũng bấp bênh. Năm 2012, tình cờ về quê vợ ở Ba Vì (Hà Nội), thấy nông dân nơi đây có cuộc sống sung túc từ nuôi bò sữa, anh Tám bèn ở lại tìm hiểu cách nuôi bò của họ. Trở về quê, anh Tám rủ thêm 6 người nữa cùng nhau đi tham quan, học hỏi các trang trại chăn nuôi bò sữa có tiếng. Sau khi nghiên cứu kỹ quy trình, kỹ thuật nuôi bò sữa, năm 2013, anh Tám mới đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 3 con bò sữa Hà Lan thuần về nuôi.
"Trong chăn nuôi bò sữa, việc chọn con giống là yếu tố quyết định đến năng suất sữa. Nên chọn những con bò có ngoại hình cân đối; bầu vú rộng, đều, mềm; đầu thanh nhẹ; 4 chân cao, chắc chắn… Ngoài ra cần có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý và chú ý khâu tiêm phòng đầy đủ”.
Anh Nguyễn Văn Tám
Nhờ chăm chỉ, không ngừng học hỏi kỹ thuật, đàn bò sữa của gia đình anh đã sinh trưởng, phát triển tốt, số lượng bò cho sữa ngày một nhiều. Sau gần 3 năm chăn nuôi, đến nay, đàn bò sữa của anh Tám đã tăng lên 8 con, trong đó nhiều con đang cho sữa với sản lượng cao (30kg sữa/ngày).
Để việc chăn nuôi hiệu quả, anh Tám đã trồng 1ha cỏ làm thức ăn cho đàn bò và cơ giới hóa từng khâu chăn nuôi từ máy vắt sữa, máy cắt cỏ đến máy phát điện.
“Bò mẹ sinh ra bò đực thì tôi đem bán, còn bò cái thì để nuôi lấy sữa. Mỗi ngày tôi xuất bán hơn 1,1 tạ sữa bò cho Công ty CP Sữa quốc tế (IDP) với giá 11.000 đồng/kg. Tính bình quân mỗi năm tôi thu nhập gần 400 triệu đồng” - anh Tám bộc bạch.
Làm “thầy” miễn phí
Thấy anh Tám nuôi bò sữa cho thu nhập cao, nhiều hộ dân trong xã đã học theo anh chuyển sang nuôi bò sữa. Với những kinh nghiệm tích lũy được trong những năm nuôi bò sữa, anh Tám luôn sẵn sàng giúp đỡ những hộ có nhu cầu. Để việc chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao, năm 2014 anh Tám đã liên kết với các hộ nuôi bò trong xã thành lập tổ hợp tác nuôi bò sữa xã Liên Sơn.
Nhận xét về anh Tám, anh Nguyễn Thành Trung, thành viên trong tổ hợp tác chia sẻ: “Mỗi khi bò sữa của các anh em trong tổ chăn nuôi bò sữa có triệu chứng sốt, bỏ ăn hay đơn giản là bò cái đến ngày đẻ cần người giúp đỡ là anh Tám luôn có mặt, bất kể ngày hay đêm. Dù không qua trường lớp đào tạo nhưng nhiều người phải “ngả mũ” bái phục tài nuôi bò sữa hiệu quả của anh Tám, còn anh em trong tổ thì vẫn hay gọi anh Tám là “kỹ sư” bò sữa của xã”.
Anh Bạch Văn Hồng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Sơn cho biết: “Hiện, trại chăn nuôi bò sữa của anh Tám là một trong những trại nuôi nhiều và hiệu quả ở xã. Từ tấm gương chăn nuôi giỏi của anh đã thu hút bà con học tập, nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sữa. Hiện toàn xã có 17 hộ nuôi bò sữa, thu nhập bình quân vài trăm triệu đồng/năm”.
Related news
Trước đây, cuộc sống người dân thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đang loay hoay với bài toán thoát nghèo, bà con đã tìm được lời giải bằng mô hình chăn nuôi bò thâm canh.
Không nóng vội thanh lý cao su để trồng các loại cây khác trong điều kiện mủ cao su rớt giá nhiều năm nay, nhiều hộ nông dân ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tích cực thực hiện mô hình trồng xen canh cây sắn trong vườn cao su để duy trì vườn cây, chờ thời cơ.
Bằng nhiều giải pháp cả cấp bách, cả lâu dài, một số tỉnh ĐBSCL vừa căng sức ứng phó vừa tìm giải pháp “sống chung” với hạn hán, xâm nhập mặn.