Kinh Nghiệm Trồng Sầu Riêng Monthoong
Năm 1996, chú Huỳnh Văn Phải ở ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang mạnh dạn đốn bỏ 5 công vườn nhãn long già cỗi, năng suất kém để cải tạo thành vườn chuyên canh. Chú đã lặn lội đến tận làng cây giống Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre) mua về 92 cây sầu riêng Monthoong Thái Lan, với giá 40.000đ/cây (đắt gấp 2 lần các giống sầu riêng địa phương) đem trồng trên mảnh vườn vừa mới cải tạo. Chú cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc đưa giống sầu riêng này trồng trên đất cù lao Ngũ Hiệp.
Theo kinh nghiệm của chú, để trồng sầu riêng Monthoong trước hết cần đắp đê bao ngăn lũ, bởi rễ nó chịu lụt rất kém. Về liếp thì thiết kế theo kiểu liếp đơn rộng 5m, mương rộng 1,5m, chính giữa liếp đắp mô có đường kính 1,2m, cao 0,6m, trồng theo kích cỡ cây cách cây 8m x 8m. Ở giữa mô khoét một lỗ rồi cho vào hố 10 kg hỗn hợp phân hữu cơ hoai gồm phân dơi, trộn tro trấu, xơ dừa + 1kg supe lân + 50g Furadan, đặt cây con vào, lấp đất ngang mặt bầu, cắm cọc buộc dây để cây không bị gió lay, cắm tàu dừa hai bên che mát cây; đồng thời tưới nước giữ ẩm thường xuyên.
Trong năm đầu chú chỉ ngâm phân để tưới cây. Khi cây đã bén rễ ra đất, chú pha 1 muỗng canh phân NPK 20-20-15 trong thùng 10 lít nước tưới đều cho mỗi gốc, định kỳ hai tháng tưới một lần, kết hợp dùng thêm phân bón qua lá, thuốc trừ sâu, rầy bệnh nhằm giúp cây phát triển khỏe mạnh. Đến lúc cây đã được hai năm tuổi thì bắt đầu dùng phân bón gốc, chia làm bốn lần bón trong năm, mỗi lần bón 250g NPK 20-20-15/cây vào các đợt đọt đã già lá.
Đến khi cây ra hoa, nở nhụy, chú thường thụ phấn bổ sung thêm cho cây (nếu để thụ phấn tự nhiên trái đậu rất ít) đợi đến 21 giờ đêm khi hoa nở rộ, chú dùng một cây bút lông quệt phấn của hoa đực quét đều lên đầu nhụy của hoa cái trong ba đêm liên tục. Với cách làm này sầu riêng của chú đậu trái rất sai, trái to đồng đều, giảm đáng kể số lượng trái méo mó. Khoảng năm tuần sau khi đậu trái, chú tiến hành tỉa trái đối với những trái trên chùm dày đặc, trái sâu bệnh ở ngoài cùng… chỉ chừa lại mỗi chùm hai trái, để thuận tiện cho việc chăm sóc.
Khi trái to bằng trái chôm chôm, chú bón cho mỗi gốc một bao phân gà, vì theo chú kinh nghiệm phân gà không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng nuôi trái mà còn góp phần đáng kể trong việc hạn chế nấm bệnh Phytophthora tấn công (bệnh nguy hiểm nhất trên cây sầu riêng). Về phân hóa học, chú chỉ sử dụng phân NPK có sunfat kali (K2SO4), vì nếu dùng phân NPK có gốc clorua kali (KCl) bón sẽ làm cho trái giảm phẩm chất, sượng trái. Cụ thể ở giai đoạn này chú bón cho mỗi gốc khoảng 1kg NPK Con cò 15-15-15, riêng ở những cây mang nhiều trái thì tăng lượng phân lân. Bên cạnh đó, chú còn tận dụng nguồn phân cá tươi ngâm ủ tưới bổ sung thêm dinh dưỡng nuôi trái, độ khoảng 20 ngày chú tưới một lần.
Related news
Để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả cho cây sầu riêng, cần nhận diện và chuẩn đoán đúng các loại sâu bệnh và tiến hành khắc phục, đặc biệt là trong giai đoạn sau thu
Để tăng giá trị kinh tế của cây sầu riêng, nông dân thường phải thu hoạch trái mùa. Cách xử lý cho cây sầu riêng ra hoa sớm
Cây sầu riêng sau khi thu hoạch bị suy yếu, do đó cần phải có biện pháp chăm sóc kịp thời và đầy đủ để cây sớm hồi phục cho mùa vụ sau.
Sầu riêng là loại cây ăn trái có giá trị cao đang được phát triển rất mạnh trong những năm gần đây tại vùng Tây Nguyên.
Sầu riêng là một trong những cây ăn quả cho lợi ích kinh tế cao. Nguồn lợi mà cây sầu riêng đem lại cho các nhà vườn là rất lớn