Kinh Nghiệm Sản Xuất Giống Cá Tràu Đen
Hội đồng Khoa học - Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An vừa tổ chức nghiệm thu, đánh giá cao kết quả dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống cá tràu đen chất lượng cao phù hợp điều kiện sinh thái tại Nghệ An” của Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An và cho phép đưa qui trình sản xuất giống cá tràu đen (cá lóc, cá quả, cá chuối...) của Trung tâm vào áp dụng trong sản xuất đại trà.
Thay mặt nhóm tác giả, chủ nhiệm dự án, KS. Trần Văn Võ cho biết: Cá tràu đen (Channa striata) có nguồn gốc từ các tỉnh Nam bộ được bà con nông dân vùng đồng bằng các tỉnh phía Bắc trong đó có Nghệ An phát triển mạnh trong những năm gần đây với nhiều hình thức nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao vì có nhiều ưu điểm nổi trội: dễ nuôi, đầu tư thấp nhưng hiệu quả cao, lớn nhanh, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường…
Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình này còn bị hạn chế, phụ thuộc vào nguồn giống mua từ các tỉnh phía Nam nên không chủ động được thời vụ thả nuôi, chất lượng giống không đảm bảo, tỷ lệ hao hụt lớn, giá thành cao…
Với mục tiêu xây dựng các mô hình thử nghiệm để tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất được con giống cá tràu đen tại chỗ với giá thành hạ cho bà con nông dân trong tỉnh chủ động mở rộng diện tích nuôi, sau 2 năm triển khai dự án đã hoàn thiện qui trình sản xuất giống cá tràu đen, sản xuất được 81.000 con giống (cỡ 5 - 7 cm) đảm bảo chất lượng cung cấp cho các hộ trong vùng.
Kết quả của dự án cho thấy việc cho cá đẻ bằng phương pháp ghép cặp tự nhiên cho hiệu quả kinh tế cao hơn phương pháp tiêm dục tố và dễ áp dụng nhân rộng mô hình. Mô hình sản xuất giống tại chỗ cho hiệu quả kinh tế cao hơn, cá giống có giá thành thấp hơn giống nhập từ miền Nam, tỷ lệ sống trong quá trình nuôi thương phẩm cao hơn, chất lượng cá giống ổn định phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương.
Giới thiệu tóm tắt một số điểm cơ bản của qui trình và kinh nghiệm nhân nuôi của một số hộ gia đình ở Yên Lý và thị xã Cửa Lò để bà con và các địa phương có điều kiện nuôi cá tràu đen tương tự tham khảo, áp dụng.
1. Nuôi vỗ béo và chăm sóc cá bố mẹ: Cá bố mẹ được nuôi trong ao có tường cao hơn mực nước 0,6 m, xung quanh bờ được chắn lưới nilon cao 0,8 m để chống cá nhảy ra ngoài. Tắm nước muối 3% cho cá khoảng 10 phút trước khi thả. Từ ngày thứ 3 bắt đầu cho ăn 2 lần/ngày sáng, chiều.
Khẩu phần ăn trong tuần đầu là 4% khối lượng cá, sau tăng dần lên theo nhu cầu ăn. Cứ 3 - 4 ngày thay bớt 30 - 50% lượng nước cũ trong ao, cấp thêm nước sạch vào. Xử lý ao nuôi định kỳ bằng vôi bột hòa nước té khắp mặt ao (3 kg/100 m2 mặt nước) để phòng bệnh.
2. Chọn cá cho đẻ và phương pháp đẻ: Chọn những con khỏe mạnh sau nuôi khoảng 12 tháng, mình thẳng, thon dài, đầu nhọn đẹp để cho kết đôi giao phối. Thời gian thích hợp nhất để cho cá giao phối gần giống với ngoài tự nhiên, từ khoảng tháng tư đến tháng tám âm lịch hàng năm.
Kinh nghiệm cho thấy, cá bố mẹ được lựa chọn nuôi vỗ béo tích cực từ đầu tháng 2, cá phát dục tốt. Cho cá đẻ đầu tháng 3 bằng phương pháp cho cá ghép cặp tự nhiên không dùng kích dục tố.
3. Thu trứng và ấp trứng: Cá đẻ xong vớt trứng vào ấp riêng trong chậu hoặc bể xi măng (bể 4,5 m2) mực nước 0,4 - 0,5 m (trong chậu là 0,2 - 0,3 m). Trong quá trình ấp, thường xuyên cho nước lưu thông nhẹ và vớt trứng hỏng (có màu trắng đục); ở nhiệt độ 25 - 30 độ C sau 25 - 30 giờ trứng nở thành ấu trùng, sau 2 - 3 ngày cá hết noãn hoàng.
Sau khi cá nở hết 1 - 2 ngày thì cho vào bể một ít phù du (Monina) để khi cá hết noãn hoàng đã có sẵn thức ăn tự nhiên, tránh trường hợp do thiếu thức ăn chúng ăn thịt lẫn nhau.
4. Ương cá bột thành cá giống: Cá nở được 3 ngày (cá bột) là chúng có thể tự tìm thức ăn trong môi trường ao nuôi. Tuy nhiên, để đàn cá phát triển nhanh, người nuôi nên tăng cường các loại thức ăn dạng bột hoặc vi khuẩn (trứng nước). Từ 15 - 35 ngày tuổi (tách khỏi bố mẹ) có thể cho ăn cá tạp xay nhuyễn trộn với một ít men tiêu hóa và Vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng cho cá.
Các giai đoạn kế tiếp cho ăn trùn chỉ, các loại cá tép băm nhỏ nhưng tuyệt đối không cho ăn thức ăn hôi thối dễ làm nhiễm trùng đường ruột, làm cá chậm lớn.
Related news
Bạc Liêu với ưu thế có đường bờ biển dài, nhờ phù sa của sông Cửu Long bồi lắng nên bình quân hành năm vùng bãi bồi ven biển lấn ra khoảng 75 - 80 m, do đó rất thuận lợi cho nghề phát triển nuôi nhuyễn thể đặc biệt là nghêu
Nghêu Bến Tre là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Vỏ nghêu được sử dụng trong ngành mỹ nghệ và công nghiệp chế biến vôi cung cấp cho nuôi trồng thủy sản. Nghêu sinh trưởng nhanh, sức sinh sản lớn. Gần đây nghêu đã được chế biến đông lạnh xuất khẩu (2.000 – 3.000 tấn nghêu thịt/năm).
Nếu nuôi đúng các yêu cầu trên đạt năng suất 48-56 tấn/ha, giá 1.200đ/kg ( ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1995), người nuôi thu 40 triệu. Trừ chi phí (giống: 5 triệu, chuyên chở 1,6 triệu, vật tư và chi khác 1,4 triệu) = 8 triệu
Nghêu là loài hải sản có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, không tốn nhiều công chăm sóc. Nếu áp dụng đúng và đủ các biện pháp kỹ thuật, năng suất có thể cao gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống
Nghêu phân bố rộng rãi trên các bãi triều ở những vùng biển cạn, chủ yếu ăn các vụn hữu cơ, chất vẩn cặn trong nước và tảo biển. ở nhiều địa phương, nghêu đang là đối tượng nuôi được bà con nông dân lựa chọn. Xin giới thiệu kỹ thuật nuôi nghêu cho năng suất cao.