Kinh Nghiệm Chăm Sóc Lúa Mùa
Sản phẩm thu hoạch của cây lúa là hạt, muốn năng suất lúa cao, chất lượng tốt, giá thành hạ cần bón phân cân đối và hợp lý, đặc biệt là tỷ lệ bón phân giữa đạm và kali. Bón phân cho lúa theo qui luật "2 xanh - 2 vàng" là biện pháp kỹ thuật quan trọng giúp cho cây lúa đạt năng suất, chất lượng cao.
Xanh 1: Là bộ lá trên cây lúa có màu xanh đẹp từ lúc gieo mạ (sạ lúa) cho đến kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu (khoảng 30-40 ngày sau khi gieo sạ tùy thời gian sinh trưởng từng giống). Giai đoạn này cây lúa cần nhiều lân, đạm, ít kali. Thường bón cho lúa sạ, cấy khoảng 70-80% lượng đạm +1 00% lân + 30-50% kali.
Bón phân cho "Xanh 1" chia ra làm hai lần. Bón lót 100% phân chuồng, phân lân + 30-50% lượng đạm + 20-30% kali và bón thúc sớm đợt 1: 20-30% lượng đạm + 20% lượng kali, giúp cho cây lúa sinh trưởng nhanh, đẻ sớm, đẻ tập trung. Rút cạn nước hai lần, lần một khoảng 5-7 ngày sau bón thúc đợt 1 khoảng 5 ngày. Lần hai khoảng 7-10 ngày khi kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu có tác dụng hạn chế cây lúa đẻ nhánh vô hiệu. Tỷ lệ bón cân đối đạm, lân, kali đơn cho lúa ở vùng đồng bằng sông Hồng, đất cát pha, bạc màu vùng trung du, miền núi phía Bắc là 1N : 1P205 : 1-1,2 K2O tính theo hàm lượng nguyên chất.
Lúa cấy sau 30 ngày cấy, lúa sạ sau 40 ngày sạ không cần phòng trừ các loại sâu, bệnh hại vì giai đoạn sinh trưởng này cây lúa có khả năng đền bù cao về lá và nhánh đẻ nếu bị hại. Riêng rầy nâu truyền bệnh vàng lùn xoắn lá lúa ở những vùng lúa bị bệnh cần phải phòng trừ sớm khi phát hiện thấy rầy xuất hiện.
Vàng 1: Ý nói bộ lá trên cây lúa có màu xanh vàng, chăm sóc bón phân lần 1 (lót) và 2 (thúc đẻ) đúng cách như trình bày phần trên, làm cho bộ lá lúa chuyển từ màu xanh thẫm sang màu lá gừng (màu vàng tranh) vào giai đoạn phân hoá đòng (đứng cái, cứt gián khoảng 40-50 ngày sau cấy, sạ) là đạt yêu cầu.
Xanh 2: Giai đoạn lúa trổ bông có bộ lá đòng gồm lá đòng và 3 lá công năng dưới lá đòng có màu xanh bền sẽ cho năng suất lúa cao. Bón phân lần 3 (bón đón đòng) vào thời kỳ trước khi lúa trổ bông khoảng 30 ngày để đạt tiêu chuẩn bộ lá đòng xanh bền như trên cần căn cứ vào màu sắc của lá lúa để quyết định lượng phân cần bón.
Nếu lá lúa vàng tranh, 1 sào Bắc bộ lúa bón 1-2kg ure + 3-4kg kali. Lá lúa xanh thẫm không bón đạm, bón 4-5kg kali. Phân kali đối kháng với đạm, bón nhiều kali làm giảm hút đạm, lá lúa sẽ từ xanh thẫm do thừa đạm sang màu xanh bền theo ý muốn. Chú ý phòng trừ tốt sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hại lúa giai đoạn này.
Vàng 2: Giai đoạn lúa chín đỏ đuôi đến thu hoạch: Chăm sóc thời kỳ này sao cho đảm bảo các chất dinh dưỡng vận chuyển từ lá về hạt được thuận lợi, bộ lá đòng lúa chuyển sang màu vàng rơm là tốt. Chăm sóc bằng cách tháo cạn khô ruộng đến nứt chân chim từ khi lúa đỏ đuôi đến thu hoạch. Chú ý phòng trừ rầy nâu, sâu cắn gié phá hại.
Related news
Ở Việt Nam, bắp là cây lương thực quan trọng thứ hai sau cây lúa và là cây màu quan trọng nhất được trồng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, đa dạng về mùa vụ gieo trồng và hệ thống canh tác.
Công ty Syngenta và Công ty AGPPS đã cùng nhau chia sẻ những thành công khi sử dụng Amistar Top cùng những kinh nghiệm quí báu trong thâm canh cây lúa đạt năng suất cao.
Bệnh hoa cúc do nấm Ustilaginoidea virens (Cooke) Taka gây nên. Bệnh phát sinh gây hại từ khi lúa phơi màu cho tới khi chín. Triệu chứng bệnh thể hiện rõ khi hạt bắt đầu chín. Hạt bị nấm xâm nhập phát triển tạo thành một khối bào tử hình tròn phủ một lớp như nhung mịn, màu vàng trên hạt lúa. Sau đó, khối bào tử chuyển dần thành màu xanh đen nhạt phía bên ngoài, còn bên trong vẫn có màu da cam.
Bệnh vàng lá hay là bệnh vàng lá chín sớm. Đây là bệnh mới xuất hiện và gây hại từ vụ Đông Xuân năm 1988 ở tiền Giang. Hầu hết các giống cao sản ngắn ngày đều có thể nhiễm bệnh.
Tùy theo điều kiện hình thành mà có nơi Fe chiếm ưu thế có nơi Al chiếm ưu thế, có nơi 2 thành phần này cùng chung sống với nhau. Khi quan sát màu nước trong ruộng, biểu hiện rõ là ở các gốc ruộng hoặc quanh bờ, mặt nước có váng màu đỏ thì có thể hiểu ngay ruộng đó do phèn sắt gây ra là chủ yếu, có nơi gọi là phèn nóng.