Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Kiểm soát diễn biến của rầy ngay khi gieo cấy

Kiểm soát diễn biến của rầy ngay khi gieo cấy
Author: Hưng Giang
Publish date: Monday. March 1st, 2021

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Hưng Yên đề nghị tăng cường kiểm tra đồng ruộng, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm soát diễn biến của rầy ngay từ lúc bắt đầu gieo cấy.

Nông dân Hưng Yên tích cực xuống đồng gieo cấy lúa. Ảnh: HG.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên, hiện toàn tỉnh đã tiến hành làm đất lần 2 được trên 25.000ha, gieo mạ được 2.000ha. Toàn tỉnh đã gieo cấy được hơn 24.000ha (đạt 87% kế hoạch), trong đó huyện Phù Cừ đã tiến hành gieo cấy đạt 100% kế hoạch.

Thực tế tại các địa phương, từ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi cho triển khai sản xuất lúa xuân, do đó nông dân một số huyện, thị xã như: Ân Thi, Phù Cừ, Mỹ Hào đã đẩy nhanh tiến độ gieo cấy.

Cùng thời gian này, nông dân huyện Ân Thi đã xuống đồng gieo cấy được hơn 4,700ha lúa. Theo nhận định của Phòng NN-PTNT huyện Ân Thi, thời tiết thuận lợi như những ngày qua, huyện sẽ cơ bản hoàn thành gieo cấy trong tháng 2. 

Từ đầu tháng 2, Xí nghiệp Khai thác Công trình thủy lợi huyện Ân Thi đã bơm đủ nước đổ ải, đồng thời nông dân các địa phương huy động phương tiện cơ giới làm đất. Huyện khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, áp dụng gieo thẳng ở chân ruộng cao, vàn cao, chủ động tưới tiêu nước. 

Để bảo đảm kế hoạch thời vụ, trước đó các địa phương tập trung nạo vét hệ thống sông trục, kênh mương nội đồng, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên đã đầu tư kinh phí sửa chữa nhiều hạng mục công trình thuỷ lợi, trạm bơm tưới, tiêu, nạo vét, khơi thông dòng chảy.

"Cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo để phòng, trừ sâu hại lúa mới cấy, chú trọng kiểm soát chặt chẽ diễn biến của rầy ngay từ khi bắt đầu gieo cấy lúa. Nếu xuất hiện rầy lưng trắng mật độ cao, phải phòng, trừ ngay để giảm nguy cơ xuất hiện nguồn bệnh trên đồng ruộng. Phấn đấu đến 5/3 sẽ hoàn thành gieo, cấy.", Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng nhấn mạnh.

Theo nhận định của Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên, thời tiết từ đầu tháng 2/2021 đến nay khá ấm và dự báo tiếp tục ấm trong thời gian tới thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Để đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất vụ xuân 2021, cần huy động tối đa lực lượng, phương tiện để gieo cấy thật nhanh khi mạ dày xúc được từ 3-3,5 lá, mạ nền cứng, mạ khay được từ 2,5-3 lá. Cùng đó, bón lót đủ lượng phân chuồng (hoặc phân hữu cơ vi sinh), phân lân,… theo đúng quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại phân và từng loại lúa.

Đối với những diện tích lúa đã gieo cấy, phải tiến hành điều tiết nước theo quy trình “nông – cạn – sâu”, không để ruộng bị khô cạn ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của lá. Khi lúa đã bén rễ, hồi xanh cần bón thúc sớm, bón đủ lượng NPK tổng hợp để lá đẻ nhánh thuận lợi. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại, nhất là bệnh đạo ôn, bọ trĩ, giòi đục lá, phun phòng trừ kịp thời khi sâu, bệnh tới ngưỡng.

Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết, lúa gieo cấy muộn so với lịch thời vụ sẽ gặp nhiều khó khăn khi gặp thời tiết bất thuận. Ngoài ra, việc gieo cấy chậm thời vụ còn làm cho lúa phát triển kém, ảnh hưởng đến năng suất. Vì vậy, các địa phương cần tích cực chỉ đạo, đôn đốc nông dân khẩn trương xuống đồng gieo cấy, không nên gieo cấy mạ già.

Mở rộng tối đa diện tích gieo thẳng và cấy bằng mạ non gieo trên nền đất cứng, tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong gieo cấy để đẩy nhanh tiến độ. Tuyệt đối không gieo cấy khi nhiệt độ trung bình ngày xuống dưới 15 độ C. Chủ động dự phòng thóc giống có thời gian sinh trưởng ngắn để gieo cấy bù diện tích lúa và mạ bị chết do rét đậm, rét hại. Phải bón lót đủ, bón thúc theo đúng quy trình thâm canh của từng giống lúa.


Related news

Lợi ích từ thảm thực vật trong vườn cây ăn trái Lợi ích từ thảm thực vật trong vườn cây ăn trái

Sử dụng thảm thực vật cho vườn cây ăn quả đang được nông dân ở huyện Cư M’gar (ĐắkLắk) áp dụng giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường

Friday. February 26th, 2021
Xâm nhập mặn ĐBSCL cao hơn trung bình nhiều năm 6 - 13km Xâm nhập mặn ĐBSCL cao hơn trung bình nhiều năm 6 - 13km

Xâm nhập mặn đang cao hơn trung bình nhiều năm từ 6-13km, tại sông Hàm Luông mặn 4g/l vào sâu 56km, sông Cổ Chiên vào 51km, sông Cái Lớn vào 50km

Monday. March 1st, 2021
Biến châu chấu sa mạc thành thức ăn gia súc và phân hữu cơ Biến châu chấu sa mạc thành thức ăn gia súc và phân hữu cơ

Kenya đang phải vật lộn với dịch hại châu chấu sa mạc tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng đó lại là cơ hội sinh lời cho công ty khởi nghiệp Bug Picture.

Monday. March 1st, 2021