Khuyến ngư với những mô hình hiệu quả
Hoạt động khuyến ngư trên nhiều địa phương của cả nước đang phát huy hiệu quả những năm qua. Nhiều mô hình điểm được triển khai và nhân rộng, khuyến khích nông dân đẩy mạnh sản xuất, góp phần tăng thu nhập.
Hiệu quả mô hình khuyến ngư được nhiều địa phương nhân rộng Ảnh: CTV
Nuôi sò huyết xen canh tôm, cua
Thành lập năm 2009, Tổ hợp tác (THT) Nuôi cua thương phẩm 2/9, ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau ban đầu chưa đến 10 thành viên. Nhờ làm ăn hiệu quả, đến nay đã có 18 thành viên tham gia.
THT nuôi sò kết hợp với cua trên tổng diện tích 30,4 ha từ năm 2014, đến nay, nhiều hộ có thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm, không còn hộ nghèo, cận nghèo, các thành viên đều có việc làm ổn định. Người dân địa phương khẳng định, mô hình này đang là phao cứu sinh giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.
“Khi thả sò huyết nuôi xen canh, tôm, cua cũng ít bệnh. Ngoài nguồn thu hơn 170 triệu đồng/năm/ha từ sò huyết, tôi còn lãi gần 200 triệu đồng từ tiền thu hoạch tôm, cua. Bình quân thả 1 kg sò giống, sau thời gian nuôi 6 - 12 tháng, sau khi trừ chi phí, người nuôi sò còn lời không dưới 150 triệu đồng”, ông Nguyễn Minh Phồi, Tổ trưởng THT nuôi cua thương phẩm 2/9, cho biết. Theo ông Phồi, nuôi sò huyết kết hợp với nuôi tôm thì không cần xử lý, cải tạo môi trường nuôi, không cần dùng lưới vây quanh vì việc xen giữa sò và cua cách nhau 1 tháng, nên sò hao hụt rất thấp.
Ông Nguyễn Văn Diện, thành viên THT 2/9, cho biết: “Khi bà con vào THT, được hướng dẫn kỹ thuật nuôi sò kết hợp tôm, cua. Nếu có khó khăn sẽ được các thành viên trong Tổ hỗ trợ giống, giúp vốn, giúp kỹ thuật. Từ đó, bà con ai nấy cũng mê làm ăn, hoạt động của tổ mang lại hiệu quả cao”.
Anh Võ Văn Triệu, Phó Chủ tịch xã Đông Thới đánh giá: “Mô hình của THT nuôi cua thương phẩm 2/9 được các cấp, các ngành đánh giá cao. Huyện thường xuyên tổ chức các chuyến đi tham quan mô hình để nhân rộng”.
Nuôi ếch lãi trăm triệu đồng/năm
Bắt đầu “khởi nghiệp” từ năm 2012 với chưa đầy 500 con ếch giống. Đến nay, hàng năm anh Trần Nhật Mỹ (thôn Bảng Sơn, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) xuất bán ra thị trường 3 - 4 tấn ếch thịt và gần 10.000 con ếch giống cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Tận dụng địa hình trũng có nhiều mạch nước ngầm anh đã đào ao rộng hơn 1.500 m2; bên dưới thả nuôi các loài cá nước ngọt như trắm cỏ, rô phi, điêu hồng…; trên mặt dùng lưới làm thành các lồng để nuôi ếch. Theo anh Mỹ, mục đích của việc kết hợp giữa nuôi ếch với nuôi cá là để tiết kiệm công vệ sinh cho ếch. Theo đó, thức ăn dư thừa và chất thải của ếch được cá ăn, từ đó môi trường lồng ếch luôn được vệ sinh sạch sẽ.
Sau 3 tháng thả nuôi, đàn ếch phát triển tốt, lớn nhanh, không bị dịch bệnh. Theo anh Mỹ, ếch dễ nuôi hơn những con vật khác, có thể nuôi được số lượng nhiều. Mật độ bình quân khoảng 100 con/m2. Tuy nhiên, ếch giống thả nuôi phải cùng kích cỡ, không được bỏ con lớn và nhỏ trong cùng một lồng vì ếch sẽ ăn lẫn nhau. Với ếch nuôi lấy thịt từ khi sinh sản đến khi xuất bán khoảng 3,5 - 4 tháng. Với ếch giống thì sau 2,5 - 3 tháng có thể xuất bán.
Đến nay trong lồng nuôi của anh Mỹ lúc nào cũng có khoảng 5.000 - 6.000 ếch thương phẩm, 30 - 50 cặp ếch bố mẹ. Hàng năm, xuất bán ra thị trường từ 3 - 4 tấn ếch thịt và 6.000 - 10.000 ếch giống, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng. “Đầu ra cho ếch rất ổn định, thường thì thương lái đưa xe đến tận nhà thu mua với số lượng lớn rồi chở ra các tỉnh miền Bắc tiêu thụ. Ngoài ra, các đầu mối thu mua và các nhà hàng ở TP Đông Hà cũng thường xuyên lấy hàng nên tôi không phải lo lắng về vấn đề đầu ra”, anh Mỹ chia sẻ.
Nuôi cá cho thu nhập khá
Ở THT Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản thôn Đăk Lợi, xã Đắk Ru, huyện Đắk R'Lấp, Đắk Nông, dường như bà con nuôi loài cá nước ngọt gì cũng thành công. Có được thành công này, bên cạnh kỹ thuật chăn nuôi, còn là nhờ nguồn nước từ hồ Đăk Uy được các hộ dẫn về cung cấp các ao nuôi. Anh Đặng Văn Duẩn (thôn Đăk Lợi) cho biết, không tính các khoản thu nhập khác, bình quân mỗi năm gia đình anh thu lãi 5,5 sào ao cá từ 200 - 250 triệu đồng.
Các hộ trong THT cũng cho biết, việc nuôi cá đều thành công, ít khi thất bại do dịch bệnh, bởi qua nhiều năm chăn nuôi, các hộ học hỏi được kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi của nhau. Hơn nữa, nhiều người còn được các cơ quan khuyến nông tập huấn kỹ thuật và tìm đọc thêm nhiều trên sách, báo, internet, đài phát thanh, truyền hình… nên nắm vững kỹ thuật.
“Nuôi cá nhiều, nhưng đầu ra của các hộ trong THT lại ổn định. Cơ sở cá giống Tá Tiến hay còn gọi là Trung tâm Cá giống Tá Tiến vừa cung cấp cá giống, thức ăn và vừa bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường cho người chăn nuôi” - anh Duẩn chia sẻ.
Ông Nguyễn Công Cương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân kiêm phụ trách khuyến nông xã Đắk Ru cho biết, trước đây, trên địa bàn người dân nuôi cá với hình thức nhỏ lẻ, bán thâm canh và diện tích ao nuôi không đáng kể. Những năm gần đây, phong trào nuôi cá ở địa phương phát triển mạnh, không tính việc nuôi cá ở các hồ thủy lợi, các hộ tự đào trên 17 ha ao nuôi. Trong chăn nuôi, các hộ đều ứng dụng khoa học kỹ thuật và tập trung thâm canh nên năng suất cá hiện nay đạt 3 - 4 tấn/sào/năm. Nhờ có thêm nghề nuôi cá mà nhiều hộ dân có cuộc sống ổn định và khá giả hơn trước.
>> Ông Ngô Hữu Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi cho biết: “Chỉ có thể duy trì bền vững và mở rộng được các mô hình khuyến ngư khi có người dân tham gia. Do vậy nội dung khuyến nông, khuyến ngư phải gắn với yêu cầu sản xuất, thực tiễn đời sống ở địa phương. Phát huy ưu điểm này góp phân giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình, nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Related news
Nuôi cá trong mùa bão, lũ có thể đem lại lợi nhuận lớn tuy nhiên người nuôi đối diện với không ít khó khăn, có khi mất trắng. Chủ động ứng phó là điều cấp thiết
Hệ thống cá - lúa rất đa dạng, bao gồm đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản, với việc nuôi cá và lúa đồng thời trong ruộng lúa hay kênh rạch, nuôi cá giữa lúa
Nguyên liệu thay thế bột cá, dầu cá. Phát triển các nguồn nguyên liệu thay thế dầu cá bột cá chính thách thức lớn để mở rộng ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu