Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khốn khổ vì các trại chăn nuôi trong khu dân cư

Khốn khổ vì các trại chăn nuôi trong khu dân cư
Publish date: Thursday. November 19th, 2015

Hôi thối suốt ngày đêm

Nằm giữa khu dân cư xã Vĩnh Lộc B, hai trại heo của bà Dương Thị Hơn và ông Từ Văn Vinh đã gây ô nhiễm môi trường, khiến gần 100 hộ dân sống xung quanh phải chịu đựng suốt nhiều năm qua.

Các cư dân ở gần trại heo của bà Dương Thị Hơn than: “Suốt ngày đêm, mùi phân heo hôi chua cứ xộc vào mũi, không thể nào chịu nổi.

Không ít hộ ở đây phải bán vườn, bán đất đi nơi khác ở, để tránh nguy hại đến sức khỏe.

Đáng trách nhất là khi bà con trong xóm đến góp ý, chủ trại heo còn lớn tiếng, thách thức thưa kiện”.

Ngoài trại heo của bà Hơn và ông Vinh, còn có hơn 30 trại heo khác nằm xen lẫn trong các khu dân cư xã Vĩnh Lộc A (mỗi trại có khoảng 200 con, cả heo nái lẫn heo thịt) cũng đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Để xác minh thư phản ánh, PV Báo SGGP đã đến khảo sát quanh các trại heo này vào chiều 14-11, ở khoảng cách hơn 300m, chúng tôi đã không chịu được mùi hôi thối nồng nặc của phân heo, thức ăn dư thừa từ các trại heo tỏa ra.

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường không khí, các trại heo ở đây còn gây ô nhiễm nguồn nước.

Dọc rạch Cầu Suối, bã thức ăn dư thừa, phân heo, thậm chí xác heo con chết đều bị các chủ trại heo xả thẳng ra rạch khiến nước rạch luôn đen ngòm, nổi bọt.

Nhiều đoạn rạch còn bị tắc nghẽn do phân heo xả ra quá nhiều, ruồi nhặng bu đen, rất dễ phát sinh dịch bệnh.

Bà Dương Thị Kính, ngụ xã Vĩnh Lộc A, cho biết: “Chủ các trại heo hầu hết là dân vãng lai từ nơi khác đến thuê đất của người dân địa phương để đóng trại chăn nuôi, nên họ mặc kệ việc gây tác hại về môi trường ở đây.

Người dân rất nhiều lần phản ánh tình trạng này đến xã, huyện, sau đó cán bộ có xuống kiểm tra, nhưng rồi đâu cũng vào đấy.

Ngoài mùi hôi, đáng lo ngại nhất hiện nay là nguồn nước bị ô nhiễm.

Vì cư dân ở đây chủ yếu vẫn xài nước giếng, nên về lâu dài khó thoát khỏi dịch bệnh”.

Thực trạng đó đang đòi hỏi chính quyền địa phương phải khẩn trương chấm dứt tình trạng hàng loạt trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường ở 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B.

Việc chăn nuôi của người dân là hoạt động phát triển nông nghiệp được khuyến khích, nhưng chăn nuôi với quy mô lớn ngay trong khu dân cư mà không đảm bảo vệ sinh, xả thẳng phân gia súc và nước thải ra môi trường thì không thể cho phép tồn tại.

Kiểm tra việc xử lý nước thải và mùi hôi tại một trại heo ở xã Vĩnh Lộc A

Xử lý triệt để vào cuối tháng 3-2016

PV Báo SGGP đã mang nỗi bức xúc của hàng trăm hộ dân đến gặp lãnh đạo hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B để tìm câu trả lời.

Lãnh đạo hai xã xác nhận đúng là các trại heo trên địa bàn đã làm ô nhiễm về không khí và nguồn nước, gây bức xúc rất lớn cho người dân địa phương.

Bên cạnh việc mời các chủ đất lên vận động không tiếp tục ký hợp đồng cho thuê đất để làm trại heo, xã cũng vận động chủ các trại heo phải thực hiện đúng các quy định về xử lý nước thải và khí thải.

UBND hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B đã rà soát, thống kê số lượng các trại heo, mức độ tác động về môi trường để kiến nghị UBND huyện Bình Chánh có giải pháp xử lý căn cơ.

Bên cạnh vấn đề về môi trường, vấn đề kiểm dịch ở các trại heo tại hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B cũng rất đáng lo ngại.

Người dân địa phương cho biết, các trại heo thường nhận heo con và xuất heo thịt vào sáng sớm - là thời điểm không có mặt cán bộ kiểm dịch.

Trạm Thú y huyện Bình Chánh cho biết, đơn vị này đang phối hợp với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ vấn đề xuất nhập heo tại các trại heo nói trên.

Thống kê đến ngày 13-10, tổng số con heo ở các trại heo tại Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B là 5.546 con.

Thời gian gần đây, số lượng heo ở các trại heo trên có tăng nhưng tăng đàn tại chỗ, do heo nái sinh sản, chứ không phải nhập từ nơi khác đến.

Ông Võ Văn Quận, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết từ phản ánh của người dân, huyện đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc gồm:

Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, Trạm Thú y, Hội Nông dân, Công an huyện… sớm tiến hành kiểm tra để có hướng giải quyết, xử lý dứt điểm tình trạng chăn nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, chậm nhất đến cuối tháng 3-2016.


Related news

Hơn 40 Ha Tôm Nuôi Bị Nhiễm Bệnh Ở Quảng Ngãi Hơn 40 Ha Tôm Nuôi Bị Nhiễm Bệnh Ở Quảng Ngãi

Từ đầu vụ đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 40ha tôm bị dịch bệnh, trong đó 1/2 diện tích tập trung ở huyện Tư Nghĩa.

Monday. April 22nd, 2013
Để Trái Mãng Cầu Xiêm Phát Triển Bền Vững, Có Hiệu Quả Ở Tiền Giang Để Trái Mãng Cầu Xiêm Phát Triển Bền Vững, Có Hiệu Quả Ở Tiền Giang

Trong những năm qua, cây mãng cầu xiêm đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, được xem là cây “xóa khó giảm nghèo” của nhiều người dân ở huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang), nhất là ở 3 xã: Tân Phú, Tân Thạnh và Tân Thới.

Sunday. September 16th, 2012
Nuôi Cá Tầm Ở Tây Giang Người Dân Bắt Đầu Hưởng Lợi Nuôi Cá Tầm Ở Tây Giang Người Dân Bắt Đầu Hưởng Lợi

Sau bước đầu nuôi thí điểm thành công giống cá tầm xứ lạnh của Nga, giờ đây người dân khu vực Tr’Lêê (thôn Agrồng, xã A Tiêng, Tây Giang - Quảng Nam) đã bắt đầu hưởng lợi từ mô hình này, mở ra hướng thoát nghèo cho đồng bào vùng cao.

Monday. August 5th, 2013
Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học

Năm 2013, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm KN-KN Bắc Ninh đã triển khai mô hình phát triển chăn nuôi vịt đẻ hướng thịt ATSH.

Monday. August 5th, 2013
Hàng Chục Ngàn Tấn Sò Lông Đến Kỳ Thu Hoạch Nhưng Chưa Được Khai Thác Ở Kiên Giang Hàng Chục Ngàn Tấn Sò Lông Đến Kỳ Thu Hoạch Nhưng Chưa Được Khai Thác Ở Kiên Giang

Hiện nay, tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, khoảng 15.000 tấn sò lông đến kỳ thu hoạch nhưng chưa được khai thác, còn nằm dưới bãi nuôi vì không có thương lái mua, khiến nhiều hộ dân nuôi sò gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho loài thủy sản hai mảnh vỏ này.

Tuesday. April 23rd, 2013