Khôi Phục Giống Vịt Cổ Lũng Ở Thanh Hóa
Giống vịt Cổ Lũng (Bá Thước - Thanh Hóa) là giống vịt quý hiếm, được người dân địa phương nuôi từ lâu đời. Giống vịt Cổ Lũng hiện nay chủ yếu được nuôi tập trung ở các xã Cổ Lũng, Lũng Niêm, Thành Lâm và Thành Sơn, nhưng nuôi nhiều và có chất lượng thịt ngon nhất là ở 2 xã Cổ Lũng và Lũng Niêm.
Vịt Cổ Lũng có đặc điểm cổ rụt, chân nhỏ, lùn, rất thích nghi với điều kiện địa phương, đặc biệt có khả năng kháng bệnh tốt, thịt thơm ngon được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, những năm gần đây, giống vịt này đang giảm dần về số lượng và chất lượng do lai tạo với các giống vịt khác.
Trước thực tế trên, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có chủ trương bảo tồn và phát triển giống vịt Cổ Lũng. Năm 2012, thông qua chương trình khuyến nông bằng nguồn kinh phí của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Bá Thước tiến hành khảo sát và xây dựng mô hình “Khôi phục giống vịt Cổ Lũng” với 36 hộ ở xã Cổ Lũng tham gia nuôi trong thời gian 6 tháng. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ kinh phí tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh và tiền mua thức ăn cho đàn vịt. Ngoài ra, kết hợp với Dự án “Quản lý lưu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đồng” do tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tài trợ, chọn Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên là đơn vị chuyển giao công nghệ; tổ chức cho cán bộ dự án, khuyến nông viên và đại diện hộ gia đình đi tham quan, học tập kinh nghiệm về quản lý, kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh, tìm kiếm thị trường, tạo thương hiệu; đồng thời, hỗ trợ hơn 100 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy ấp, máy phát điện dự phòng và kinh phí mua vắc-xin, thức ăn, thu mua trứng của các hộ dân.
Để bảo đảm nguồn giống, ban quản lý mô hình đã tìm những hộ có giống vịt Cổ Lũng thuần chủng, không bị lai tạp ở trong vùng để thu mua trứng, sau đó đưa vào máy ấp và cung cấp 600 con giống cho các hộ tham gia mô hình. Ngoài thức ăn hỗn hợp, cán bộ kỹ thuật khuyến cáo bà con sử dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp để cho vịt ăn thêm. Hiện nay, các hộ tham gia mô hình nuôi vịt Cổ Lũng đã có vịt giống cung ứng cho người dân trong vùng nuôi.
Anh Hà Trọng Thuật, ở thôn Lọng, xã Cổ Lũng, chia sẻ: “Gia đình tôi đã nuôi giống vịt Cổ Lũng hàng chục năm nay, cách chăm sóc vịt rất đơn giản, sáng thả vịt ra sông suối để nó tự kiếm ăn, tối về cho ăn thêm ngô, lúa, sắn, nên thịt vịt rất chắc, thơm ngon. Hiện, gia đình đang nuôi 40 con vịt Cổ Lũng đẻ trứng để cung cấp giống cho bà con trong vùng nên thu nhập cũng khá”.
Ông Lò Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 80% hộ gia đình nuôi vịt Cổ Lũng, với hơn 2.000 con. Tuy nhiên, mới chỉ là nuôi nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống, nhà ít thì nuôi 5 đến 10 con, nhà nhiều thì khoảng 50 con. Từ sự thành công bước đầu của mô hình “Khôi phục giống vịt Cổ Lũng”, xã đang nhân rộng ra nhiều hộ, đồng thời vận động nhân dân nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học vừa bảo tồn giống, vừa phát triển đàn. Về đầu ra, hiện “cung” chưa đủ “cầu”, nhưng về lâu dài xã sẽ đấu mối với các thương lái, nhà hàng trên địa bàn và các huyện lân cận để tiêu thụ, từng bước giải quyết việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho các hộ ở địa phương.
Related news
Vụ ĐX 2014-2015, Trung tâm KN-KN Quảng Nam thực hiện mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng giống lạc L23....
Bà con ai cũng hào hứng với giống bắp mới vừa chống chịu thuốc trừ cỏ gốc Glyphosate lại vừa kháng được sâu đục thân
Nuôi dế ít dịch bệnh, công chăm sóc và chi phí thức ăn thấp mà cho thu nhập khá cao so với nhiều nghề khác. Chỉ cần cho dế ăn sạch, ở sạch và uống sạch....
Nắm bắt cơ hội, mạnh dạn chuyển đổi, ông Đặng Văn Thể (Chùa Hang - Đồng Hỷ - Thái Nguyên) đã từ bỏ hơn 300 thùng ong mật nội chuyển hướng sang nuôi ong mật ngoại cho thu nhập gấp nhiều lần.
Nông dân các xã Mỹ Hòa, Mỹ An và Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) thực hiện mô hình nuôi ếch Thái thương phẩm mang lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng/hộ.