Khởi nghiệp với mô hình nuôi cá lóc bông
Anh Phan Văn Tèo, 36 tuổi, Giám đốc HTX Hậu Giang An Bình Yên, ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, đã mạnh dạn đào ao để nuôi cá lóc bông. Đây là mô hình mới, xuất hiện lần đầu tiên của tỉnh đang hứa hẹn nhiều điều bất ngờ.
Mô hình nuôi cá lóc bông của anh Tèo và thành vien HTX Hậu Giang An Bình Yên hứa hẹn nhiều lợi nhuận.
Cá lóc bông chỉ là loài vật được đánh bắt trong môi trường tự nhiên, là loại đặc sản được người dân ưa chuộng nên giá bán lúc nào cũng từ 100.000 đồng/kg nhưng rất khan hiếm. Chính vì vậy, anh Phan Văn Tèo đã mạnh dạn đào ao nuôi loài cá này. Anh Tèo nhớ lại: “Mấy năm trước, vợ tôi thường đi chợ mua cá lóc bông về ăn thử thấy thịt ngon nhưng hiếm khi mua được. Thấy vậy tôi mới bàn với gia đình, thành viên trong HTX hùn vốn nuôi thử nghiệm để cung ứng cho nhu cầu của mọi người, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán”.
Rồi anh Tèo tìm tòi trên internet, đến tận nơi cung cấp nguồn cá giống ở các tỉnh miền Tây để học hỏi, mua giống. Sau đó, anh đã đào 500m2 đất vườn để thả nuôi 20.000 con cá lóc bông. Qua 6 tháng nuôi, ao cá của anh cho những tín hiệu tích cực. Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, anh đã xuất bán được 1.000kg cá lóc thương phẩm với giá hữu nghị cho bà con trong vùng ăn tết. “Những ngày tết, người dân ai cũng rất ngán thịt, mỡ. Món ngon dịp này là cá lóc nướng, nấu lẩu chua... Đồng thời, tôi cũng biết trong tỉnh chưa có nơi nào nuôi được cá lóc bông nên tôi mới làm gan thử nghiệm. Nếu thành công, HTX sẽ mở quầy hàng tự xuất bán tại nhiều chợ trong tỉnh để phục vụ nhu cầu của bà con”.
Theo anh Tèo, nuôi cá lóc bông không khó vì qua thời gian nuôi nhận thấy cá rất khỏe, ít bệnh, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Với điều kiện khí hậu của tỉnh ta thì có thể nuôi cá lóc bông quanh năm. Thức ăn cho cá chủ yếu là cá biển, cá vụn, cua, ốc… Lúc cá còn nhỏ thức ăn cần được xay nát hoặc băm nhỏ. Mỗi ngày, anh Tèo tiêu tốn hơn 200.000 đồng với 20.000 con cá cho một ao nuôi 500m2. Khi cá được 3 tháng trở lên, đạt trọng lượng từ 500 gram thì có thể cho cá ăn miếng to hơn và một ngày anh tiêu tốn khoảng 4 triệu đồng tiền thức ăn cho ao cá.
Anh Tèo chia sẻ thêm: “Từ khi thả đến khi thu hoạch loài cá này mất từ 6-7 tháng, cân nặng bình quân đạt 1kg/con. Tôi ước tính 4kg cá mồi sẽ cho ra 1kg cá thương phẩm. Mô hình của tôi nuôi toàn là thức ăn tự nhiên nên cá đạt trọng lượng tốt, giữ được sản lượng. Dự tính đầu tháng 3 này tôi sẽ bán cá với sản lượng trên 10 tấn, giá bán dao động 60.000-100.000 đồng/kg. Với sản lượng trên ước tổng doanh thu sẽ đạt 1 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 60% sau khi trừ chi phí”.
Bên cạnh cá lóc bông, anh Tèo cùng thành viên còn trồng sầu riêng Monthong với quy mô 3ha, 600 cây giống. Vốn khởi nghiệp là 500 triệu đồng, được HTX vay từ nguồn quỹ hỗ trợ HTX của tỉnh. Loại sầu riêng này luôn bán được giá cao, trung bình 70.000 đồng/kg. 11 thành viên HTX còn trồng xen 1.000 cây mít Thái siêu sớm, chuối và các loại rau màu khác để lấy ngắn nuôi dài. Ngoài ra, HTX còn làm thêm dịch vụ cung ứng cây giống sầu riêng, thu mua trái cây với doanh thu hơn 1 tỉ đồng mỗi năm.
Theo ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, dù thành lập mới hơn 1 năm nhưng HTX rất tâm huyết, đoàn kết cùng làm ăn phát triển kinh tế, đem lại lợi ích cho nhiều thành viên. Các dịch vụ của HTX đã giúp tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động trong xã. Tuy còn non trẻ nhưng HTX đã gặt hái thành công bước đầu từ sự đoàn kết, vì lợi ích chung cho thành viên và người dân, đi đúng hướng của HTX kiểu mới. HTX có những thanh niên dám nghĩ dám làm như anh Tèo, dám mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân trong tỉnh.
Related news
Tùy theo từng loại cá, kích thước cá, phương tiện vận chuyển mà ta chọn phương pháp vận chuyển cho phù hợp (kín hoặc hở) nhằm giảm tỷ lệ chết của cá.
Từ trại sản xuất cá giống, anh Sơn mạnh dạn mở rộng trang trại, tăng số lượng giống ươm đồng thời chuyên môn hóa quy trình sản xuất với lợi nhuận cả tỷ đồng/năm
Tiền Giang, hiện nay, tỉnh đã khai thác được trên 122 ha bãi bồi đưa vào nuôi cá da trơn, chủ yếu là cá tra theo mô hình thâm canh.