Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khoai Lang Đắk Nông Xuất Ngoại

Khoai Lang Đắk Nông Xuất Ngoại
Publish date: Saturday. March 29th, 2014

Trong những năm qua, diện tích trồng cây khoai lang dần được mở rộng khắp tỉnh Đắk Nông và đã làm giàu cho nhiều hộ dân trong tỉnh. Không những thế, khoai lang còn được “xuất ngoại” đến nhiều nước trên thế giới.

Thoát nghèo từ khoai lang

Trước đây, người dân xã Đắk Búk So (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) chỉ tập trung trồng những loại cây truyền thống (mì, bắp, lúa, điều, tiêu…) đều cho năng suất thấp nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Vào năm 2002, huyện Tuy Đức đã nhập giống khoai lang Nhật Bản về trồng vì nó phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và trình độ canh tác của địa phương.

Tháng 4-2002, Hợp tác xã (HTX) 19-5 (ở xã Đắk Búk So) mua giống khoai lang Nhật (đã được trồng tại Lâm Đồng) về trồng thử khoảng 0,5ha. Chỉ sau gần 4 tháng, đã cho thu hoạch đạt năng suất cao nên HTX này đã trồng thêm 5ha, năng suất đạt 15 tấn/ha và bán được 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá khoai lang truyền thống cũng chỉ 1.000 đồng/kg.

Có cây trồng tốt, đạt năng suất cao, xã Đắk Búk So đã vận động người dân chuyển đổi cây trồng cũ có giá trị kinh tế thấp sang trồng khoai lang xuất khẩu. Xã mời cán bộ kỹ thuật của huyện, của tỉnh về hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây giống cho nông dân. Sang vụ thu đông năm 2003, bà con trong xã Đắk Búk So đã trồng được 50ha, đến nay, diện tích cây khoai lang trong xã khoảng 300ha.

Ông Phạm Thiên Viết, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So, phấn khởi nói: “Cây khoai lang Nhật Bản rất phù hợp với đất đai và khí hậu ở Đắk Bu So, vì thế năng suất vụ đầu lên tới 18 tấn/ha. Với giá bán từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, mỗi hécta lãi khoảng 40 - 50 triệu đồng/vụ (một năm 2 vụ).

Từ khoai lang đi lên, hiện xã chỉ còn 16% hộ nghèo, không còn hộ đói, 80% số hộ đã có xe gắn máy, nhiều hộ đã mua được xe ô tô con, ô tô tải chở hàng hóa…”.

Sau thành công từ xã Đắk Búk So, cây khoai lang Nhật được mở rộng đến nhiều xã của huyện Tuy Đức. Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức, hiện toàn huyện có hơn 2.500ha khoai lang và chủ yếu được trồng ở các xã như: Đắk Búk So, Quảng Trực, Đắk R’tih, Quảng Tân, Quảng Tâm…

Vào năm 2009, Hội Khoai lang Tuy Đức cũng đã được thành lập để phát triển, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho khoai lang của huyện. Đến năm 2012, nhãn hiệu “Khoai lang Tuy Đức - Đắk Nông” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (thuộc Bộ KH-CN) cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền.

Ông Trần Đình Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, chia sẻ: “Tuy Đức có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây khoai lang, nhất là khoai lang Nhật và đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cho nhiều nông dân. Sản phẩm khoai lang Nhật trồng trên đất Tuy Đức đã xuất khẩu sang nhiều nước và được đánh giá cao.

Huyện cũng đã tạo điều kiện để Hội khoai lang Tuy Đức hoạt động và hiện đang có những ưu tiên đầu tư để nâng cao giá trị sản phẩm khoai lang.

UBND huyện cũng đã xây dựng vườn ươm giống để phục vụ nhu cầu về cây giống cho nông dân nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm khoai lang”.

Cần nhà máy chế biến

Cây khoai lang Tuy Đức - Đắk Nông không những giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo mà thậm chí vươn lên làm giàu. Không chỉ tiêu thụ trong nước, khoai lang Tuy Đức hiện còn được xuất khẩu ra nước ngoài.

Có 9 đại lý vệ tinh của Công ty TNHH Kim Oanh (Lâm Đồng), Công ty D.J.F (Nhật Bản) và một số đại lý khác của các công ty Đài Loan (Trung Quốc) đặt tại Tuy Đức. Khoai sau khi thu mua được vận chuyển về các nhà máy tại các thành phố lớn, từ đây sẽ chế biến ra thành phẩm và xuất qua các “công ty mẹ” để làm ra các sản phẩm như bánh, kẹo, mứt...

Từ đó khoai lang Tuy Đức được đưa vào các siêu thị lớn trong nước và xuất sang thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapore... Nhưng tại Tuy Đức hiện chưa có nhà máy chế biến xuất khẩu, nên khoai từ Đắk Nông vẫn phải chuyên chở sang Lâm Đồng, xuống TPHCM hoặc ra Bắc bán cho các nhà máy.

“Cái khó nhất của người dân Đắk Búk So hiện nay là thiếu nhà máy để chế biến ngay tại địa phương. Nếu có nhà máy đặt tại xã, người dân đỡ phải mất tiền chuyên chở đi bán nơi khác và có khi bán được giá cao hơn”, ông Phạm Thiên Viết, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So bày tỏ.

Việc trồng khoai lang Nhật làm giàu ở Đắk Nông hiện không còn dừng lại ở huyện Tuy Đức. Nhiều huyện khác trong tỉnh cũng đã chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả để trồng khoai lang Nhật như: Đắk Song (diện tích 4.124ha), Đắk Mil (281ha), Đắk G’long (90ha)...

Qua thực tế sản xuất, khoai lang Nhật đã mang lại hiệu quả cao, vì thế nhiều hộ nông dân Đắk Nông đang rất “ham”. Hiện tổng diện tích khoai lang của tỉnh đã lên đến khoảng 7.000ha, sản lượng khoảng 90 ngàn tấn/năm.

Nhằm phát huy thế mạnh của cây trồng này, tỉnh Đắk Nông đang xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu khoai lang; đồng thời, tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở sản xuất giống, kỹ thuật tại chỗ để cung ứng cho người dân; đầu tư xây dựng nhà máy chế biến khoai lang với công suất 70.000 tấn/năm tại huyện Đắk Song và Tuy Đức.


Related news

Hướng phát triển nào cho ngành nuôi thủy sản Thái Bình? Hướng phát triển nào cho ngành nuôi thủy sản Thái Bình?

Làm thế nào để người dân nâng cao hiệu quả và năng suất, thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (ntts) tỉnh - đó là trăn trở của các cán bộ chuyên trách địa phương và của các chuyên gia lâu năm trong ngành ntts.

Monday. August 10th, 2015
Mô hình lúa tôm càng xanh kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao Mô hình lúa tôm càng xanh kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao

Vốn đầu tư thấp, tôm nuôi ít phát sinh dịch bệnh, phá thế độc canh cây lúa, tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác… là những lợi ích mang lại từ mô hình lúa - tôm kết hợp. Việc nhân rộng mô hình này đã giúp nông dân trong vùng chuyển đổi ổn định cuộc sống.

Monday. August 10th, 2015
Huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) nuôi trồng thuỷ sản thiệt hại nặng do mưa lũ Huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) nuôi trồng thuỷ sản thiệt hại nặng do mưa lũ

Trận mưa lụt lịch sử diễn ra trong nhiều ngày qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới ngành nuôi trồng thuỷ sản của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện, đến thời điểm này, huyện Vân Đồn bị thiệt hại 871 lồng bè nuôi hầu, 384 ô lồng cá, 110 hộ nuôi ốc, hơn 60ha nuôi cá nước ngọt... tổng diện tích khoảng 300ha, chiếm 30% diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện.

Monday. August 10th, 2015
Lao đao ngành chăn nuôi gia cầm gà ngoại đè chết gà nội Lao đao ngành chăn nuôi gia cầm gà ngoại đè chết gà nội

Việc thịt gà nhập ngoại tràn ngập thị trường đã gióng lên hồi chuông báo động với ngành chăn nuôi Việt Nam. Nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời, chăn nuôi gia cầm trong nước sẽ không có “cửa” phát triển.

Monday. August 10th, 2015
Ninh Thuận quy hoạch đồng cỏ phục vụ chăn nuôi bền vững Ninh Thuận quy hoạch đồng cỏ phục vụ chăn nuôi bền vững

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng đến năm 2020.

Monday. August 10th, 2015