Home / Hải sản / Tôm hùm

Khi Tôm Nuôi Phát Ra Ánh Sáng Xanh

Khi Tôm Nuôi Phát Ra Ánh Sáng Xanh
Publish date: Wednesday. April 4th, 2012

Hiện tượng tôm nuôi phát ra ánh sáng màu xanh trong đêm tối khiến nhiều nông dân khốn đốn. Đây là bệnh nhiễm vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio, trong đó nguy hiểm nhất là Vibrio harveyi. Sự phát sáng của những vi khuẩn này là do có phản ứng hóa học với enzym Luciferase. Để hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm, Trung tâm khuyến ngư Kiên Giang hướng dẫn như sau:

Triệu chứng bệnh phát sáng

Trong ao nuôi, tôm bị bệnh thường bơi lội không định hướng, một số con giạt vào bờ, ao nuôi có hiện tượng tôm chết ở đáy ao với số lượng cao hay thấp tùy thuộc vào mức độ nhiễm. Tôm nhiễm bệnh có đặc điểm chung là vỏ và thân có màu bẩn, cơ có màu đục, gan teo, khả năng bắt mồi giảm, ruột rỗng, phản xạ chậm chạp. Hiện tượng phát sáng dễ nhận biết khi quan sát tôm trong bóng tối. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn, pH, sự tích tụ các chất hữu cơ ảnh hưởng đến sự lây lan và mức độ cảm nhiễm.

Vi khuẩn Vibrio harveyi gây bệnh phát sáng trên tôm sú thuộc nhóm gram âm (G-) sống dưới nước, phân chia tế bào rất nhanh ở độ mặn từ 0 đến 40‰ và phát triển mạnh khi nhiệt độ tăng cao. Vi khuẩn cũng phát triển mạnh trong môi trường nước có hàm lượng chất hữu cơ cao và hàm lượng oxy thấp. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể tôm, chúng gây viêm gan, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, làm tôm suy yếu và chết dần.

Phòng bệnh

Điều chỉnh độ mặn: vi khuẩn Vibrio harveyi phát triển mạnh ở môi trường có độ mặn 20 - 30‰, nếu giảm mặn còn 5 - 7‰ thì mật độ vi khuẩn Vibrio harveyi sẽ giảm rõ rệt.

Nhiệt độ nước: nhiệt độ nước tăng cao là điều kiện tốt cho vi khuẩn phát triển. Để hạn chế khả năng tăng nhiệt, cần duy trì mức nước trong ao nuôi đạt độ sâu 1,2 - 1,5 m, đồng thời để giữ độ trong ở mức 30 - 40 cm (nước có màu giống như mái nhà che nắng hạn chế được sự tăng nhiệt vào ban trưa).

Giảm lượng chất hữu cơ trong nước: phương pháp này dễ thực hiện và có hiệu quả cao. Các chất hữu cơ có trong môi trường nước là do xác các phiêu sinh thực vật chết lắng tụ, lượng thức ăn dư thừa, cộng với chất thải của tôm. Vì vậy trước mỗi vụ nuôi phải cải tạo ao thật kỹ, vét sạch bùn đáy, bón vôi, phơi ao, khoáng hóa nền đáy. Trong khi nuôi cần quản lý tốt lượng thức ăn hàng ngày, thường xuyên kiểm tra sàn ăn để đánh giá khả năng bắt mồi và kịp thời điều chỉnh thức ăn hợp lý, không để tảo tàn đồng loạt làm mất màu nước và tăng lượng chất hữu cơ. Phát triển nhóm tảo lục (chlorella) cũng có tác dụng khống chế sự phát triển của vi khuẩn, tạo ra oxy và hấp thụ CO2 qua quá trình quang hợp.

Sử dụng hóa chất diệt vi khuẩn (trước khi thả tôm):

Những hóa chất có thể sử dụng để diệt vi khuẩn hoặc làm giảm sức hoạt động của vi khuẩn phát sáng trong nước bao gồm: chlorin (30 g/m3), BKC (1 - 2 g/m3) và thuốc tím (4 - 5 g/m3). Tuy nhiên khi hóa chất hết tác dụng thì những ổ vi khuẩn phát sáng còn sót lại sẽ phát triển. Do đó phải duy trì thường xuyên việc dùng hóa chất mới có kết quả tốt.

Sử dụng kháng sinh: việc sử dụng kháng sinh trị bệnh phát sáng chỉ có kết quả khi nào ta kiểm tra phát hiện sớm tôm bị nhiễm bệnh và dùng thuốc kịp thời, đúng liều lượng. Khả năng đưa thuốc vào cơ thể tôm có thể thực hiện được vì ở giai đoạn này tôm còn ăn thức ăn. Các loại kháng sinh được sử dụng là:

+ Oxytetracylin + Bactrim (tỷ lệ 1:1) ở nồng độ 1 - 3 ppm (g/m3).

+ Erythromycin + Rifamycin (tỷ lệ 5:3), nồng độ 1 - 2 ppm (g/m3).

+ Erythromycin + Bactrim (tỷ lệ 1:1), nồng độ 1 - 3 ppm (g/m3).

Đối với ao nuôi tôm thịt, việc sử dụng kháng sinh trị bệnh phát sáng sẽ gặp nhiều khó khăn và tốn kém do thuốc phải sử dụng cho cả ao và duy trì tới 5 - 7 ngày.

Để phòng trị bệnh phát sáng cho tôm nuôi cần thực hiện tốt mọi biện pháp, từ khâu chọn giống ban đầu, cải tạo ao loại bỏ hết các chất hữu cơ vào đầu vụ, thực hiện nuôi tôm trong độ mặn thấp cho đến việc giữ nước có màu xanh vỏ đậu, hạn chế khả năng tăng cao nhiệt độ, không cho ăn dư, tăng cường sức khỏe tôm nuôi bằng thức ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất.


Related news

Phòng Chống Bệnh Tôm Hùm Phòng Chống Bệnh Tôm Hùm

Mới đây, ngày 12/10/2007, Bộ NN&PTNT đã ra công văn số 2821 gửi UBND các tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận; Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản; Cục Thú y, về việc phòng chống bệnh tôm Hùm.

Sunday. February 23rd, 2014
Nuôi Kết Hợp Tôm Hùm Với Bào Ngư Và Xẹm Xanh Nuôi Kết Hợp Tôm Hùm Với Bào Ngư Và Xẹm Xanh

Nghề nuôi tôm hùm phát triển nhanh và tập trung ở một số khu vực hẹp nên chất thải của hoạt động nuôi tích luỹ ngày càng nhiều gây tác động xấu đến môi trường. Để duy trì và phát triển nghề nuôi thuỷ sản theo hướng bền vững thì không còn con đường nào khác là phải hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường.

Sunday. February 23rd, 2014
Nuôi Tôm Hùm Kết Hợp Tu Hài Giải Pháp Cải Tạo Môi Trường Sinh Thái Đầm, Vịnh Nuôi Tôm Hùm Kết Hợp Tu Hài Giải Pháp Cải Tạo Môi Trường Sinh Thái Đầm, Vịnh

Vài năm trở lại đây, nhiều người dân ở TX Sông Cầu đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi tu hài thương phẩm bằng lồng, khay treo dưới các bè nuôi tôm hùm, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Friday. February 28th, 2014
Nuôi Tôm Hùm Bằng Lồng Treo Hiệu Quả Kép Nuôi Tôm Hùm Bằng Lồng Treo Hiệu Quả Kép

Lâu nay, việc nuôi tôm hùm tại các vùng biển sử dụng chủ yếu bằng bè, điều này làm tăng chi phí quản lý, đồng thời có nhiều rủi ro.

Saturday. March 8th, 2014
Nuôi Tôm Hùm Trên... Cạn Nuôi Tôm Hùm Trên... Cạn

Thoạt nghe, ai cũng thấy lạ vì từ trước đến nay nói đến chuyện nuôi tôm hùm, mọi người Việt Nam đều nghĩ đến những lồng, bè tôm lênh đênh trên biển. Nhưng công nghệ nuôi tôm hùm trên bờ, trong bể xi măng đã phát triển ở nhiều nước như Úc, Mỹ, Singapore, Nhật Bản... Và nay, PV NNVN đã được “mục sở thị” mô hình hết sức mới mẻ này tại trại nuôi tôm sú post của ông Hồ Mòn – Phú Thịnh – Cam Phú – Cam Ranh - Khánh Hoà.

Sunday. April 27th, 2014