Khi nông dân trở thành tỷ phú
Nắm bắt khoa học kỹ thuật, dám chấp nhận thử thách, mạnh dạn đầu tư, biết tận dụng tốt các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nhiều nông dân ở Hà Tĩnh đã trở thành những tỷ phú trên chính mảnh đất quê hương.
Trong ảnh: HTX Hợp Lực tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân với mức thu nhập cao, ổn định
Ông Phạm Văn Cảnh – Giám đốc HTX Chăn nuôi Hợp Lực (thị trấn Cẩm Xuyên) chia sẻ, trước đây, gia đình sản xuất nông nghiệp thuần túy, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Năm 2004, ông mạnh dạn nhận thầu 4,3 ha đất để đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi tổng hợp. Lúc đó, ông đào 3,5 ha ao thả 3 tạ cá giống, 3.500 con ba ba, 5 vạn con ếch, 1.500 con vịt đẻ, 3.500 con gà thương phẩm, 200 con lợn và 10 con bò. Những năm đầu, do thiếu kinh nghiệm, khoa học công nghệ, hạn chế nguồn vốn và về khả năng hoạch định chiến lược trong chăn nuôi nên vẫn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác tiêm phòng dịch, vệ sinh chuồng trại, ao nuôi chưa cao nên chăn nuôi cho thu nhập thấp, năm sau bù cho năm trước.
Mãi đến năm 2012, khi được tiếp cận chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh, có sự định hướng về liên doanh với doanh nghiệp và kiến thức thực tế từ các mô hình khác..., ông quyết định thành lập HTX và tập trung vào chăn nuôi công nghiệp với 1.200 lợn thịt/lứa. Đến đầu năm 2014, để thực hiện chăn nuôi gia công, HTX nhận thầu thêm 7 ha đất, mở rộng quy mô lên 3.000 con/năm. Hiện, HTX Hợp Lực có 7 chuồng nuôi gia công 2.500 con, mỗi năm, xuất chuồng 12 lứa lợn thịt và hơn 2 lứa lợn giống. Doanh thu đạt khoảng 28 tỷ đồng, trừ chi phí điện, nước, nhân công lao động, đóng bảo hiểm, lợi nhuận đạt 2,5 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho 15 công nhân với mức lương bình quân 5-7 triệu đồng/người/ tháng và 5 công nhân thời vụ. Đồng thời, HTX còn tạo cơ hội việc làm trong chăn nuôi theo chuỗi liên kết cho các tổ hợp tác và trang trại với khoảng 100 lao động.
Với khát vọng vượt qua đói nghèo, sau nhiều năm trăn trở, thử nghiệm, tìm kiếm đối tượng cây trồng, vật nuôi, đến nay, chị Nguyễn Thị Hiền (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc, Can Lộc) đã thu về quả ngọt. Chị Hiền kể: “Năm 1995, thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, chúng tôi trồng đủ loại cây, nhưng chỉ có cây cam chanh phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, phát triển tốt. Tiếp đó, gia đình tự nhân giống rồi đầu tư mở rộng. Đến cuối năm 2005, tổng số cam chanh trong vườn nhà đã lên tới 200 cây. Càng làm càng đúc rút kinh nghiệm, càng thấy hiệu quả nên say mê. Thu nhập hàng năm của gia đình không ngừng được cải thiện.
Từ mô hình trang trại tổng hợp có thu nhập thấp, chúng tôi đã quyết định chuyển hướng sang độc canh cây cam, hàng năm đầu tư thâm canh, cải tạo mở rộng diện tích. Tính đến cuối năm 2015, tổng diện tích trồng cam chanh đã lên tới 2,5 ha (tương ứng 1.200 gốc), sản lượng cam mỗi năm khoảng 17 tấn, doanh thu xấp xỉ 1 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí phân bón, nhân công, lãi ròng trên 500 triệu đồng”. Từ mô hình của chị Hiền, hiện nay, tất cả các hộ dân thuộc xóm Anh Hùng đều chuyên canh trồng cam với quy mô từ 1,5-2,5 ha/hộ, thu nhập được cải thiện, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Với hơn 2 ha cam chanh, mỗi năm, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc, Can Lộc) thu lãi ròng hơn 500 triệu đồng.
Xuôi về miền biển, chúng tôi gặp ông Trần Quốc Dũng - chủ đội tàu khai thác thủy sản ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân). Từ một ngư dân quen với phương thức đánh bắt truyền thống gần bờ, sau khi được tổ chức hội nông dân tuyên truyền, vận động, tư vấn về các chính sách và được tiếp cận Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, ông cũng mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu với vốn đầu tư 19 tỷ đồng. Do vậy, sản lượng khai thác của đội tàu ông Dũng hàng năm đạt từ 550-600 tấn cá các loại. Doanh thu 1 năm đạt từ 5,5-6 tỷ đồng, lợi nhuận từ 3,5-4 tỷ đồng. Bên cạnh mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho gia đình, còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động (thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng).
Có thể nói, những năm qua, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ở Hà Tĩnh phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa lớn trong tất cả các lĩnh vực. Ngoài những “tỷ phú chân đất” nêu trên, có thể kể hàng loạt điểm sáng khác như: mô hình kinh tế trang trại của gia đình ông Đàm Thọ (xã Lộc Yên, Hương Khê) với diện tích 15 ha, trong đó có 4 ha bưởi, 6 ha cam, 1.200 con lợn thương phẩm, 100 con lợn rừng, vườn ươm 5 vạn cây giống các loại, thu nhập hàng năm gần 2 tỷ đồng; HTX Chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Thu Hằng (Kỳ Phong, Kỳ Anh) với quy mô 600 con lợn nái, thu nhập 2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động; HTX Chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Thái Huy (Đức Lạng, Đức Thọ) quy mô 600 con lợn nái, 200 con lợn thịt, thu nhập 2,5 tỷ đồng/năm; HTX Thu mua, chế biến xuất nhập khẩu Thiên Phú của bà Phạm Thị Nhơn (Thạch Kim, Lộc Hà) với tổng diện tích trên 2.000 m2, tổng nguồn vốn hiện có trên 20 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 1,3 tỷ đồng/năm... Đây chính là những điển hình làm kinh tế giỏi, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.
Related news
Mỗi năm Viện Lúa ĐBSCL cung cấp hơn 60 tấn giống nguyên chủng các loại cho các đơn vị tham gia dự án. Kết quả sau 3 năm dự án đã xây dựng mô hình SX tại 9 tỉnh
Mô hình được thực hiện tại ấp kênh 2A, xã Tân An, Tân Hiệp, Kiên Giang với 8 hộ nông dân tham gia, quy mô diện tích 12ha thực hiện trong vụ ĐX 2016 - 2017.
Thông tin 250 hợp tác xã và hộ sản xuất đầu tiên chính thức bắt tay với VinEco sản xuất sạch đã mở ra hy vọng mới cho thị trường nông sản.