Khi nông dân làm ngoại giao, giúp nhau trồng lúa
Giúp nhau trồng lúa
Trên cánh đồng “cỏ hoang nhiều hơn lúa” đang nắng như đổ lửa thuộc tỉnh Svayrieng (Campuchia), ông Kleng Run - Xã trưởng xã Chanhtrea (thuộc huyện Chanhtrea) phăm phăm cuốc bộ cùng nhóm nông dân và kỹ sư huyện Mộc Hóa (Long An).
Cũng như năm ngoái, năm nay Mộc Hóa sẽ giúp xã Chanhtrea có 1ha đất trồng lúa lấy giống chất lượng cao...
Nghe giới thiệu có nhà báo Việt Nam cùng đoàn sang thăm lúa, ông Kleng Run quay sang bắt tay và nói: “Vụ đông xuân năm ngoái lúa giống ngon lành quá.
Năm nay dân xã tôi đề nghị tìm mảnh đất khác để trồng mới, tìm chủ ruộng mới.
Mình làm vầy sẽ có nhiều nông dân, nhiều chủ ruộng cùng biết kỹ thuật.
Chủ đất năm ngoái năm nay đã biết tự làm rồi”.
Huyện biên giới Mộc Hóa (Long An) năm 2015 nóng bỏng chuyện cột mốc.
Ðể bảo vệ cột mốc 202 và 203, đã có một số người phải đổ máu khi hàng trăm phần tử quá khích từ bên kia Campuchia tràn sang gây hấn.
Nhưng đó là chuyện của những phần tử quá khích, họ tới từ rất xa chứ không liên quan gì những nông dân sống hiền hòa vùng giáp biên.
Ông Xomxe - nông dân xã Chanhtrea kể: “Tôi có 5ha đất trồng lúa, mỗi năm trồng một vụ, năng suất thấp nên cuộc sống bấp bênh.
Từ ngày làm lúa chung với nông dân Việt Nam, năng suất lúa của tôi tăng lên mà lại đỡ cực nhọc hơn trước.
Chúng tôi dựng cái chòi nhỏ giữa đồng, tôi và ông Hùng, ông Tư Ðầu Xồm cùng làm ruộng chung, cùng samaki thôi”.
Từ “samaki” mà ông Xomxe nói, có nghĩa là đoàn kết.
Ông Hùng là ông Ðỗ Văn Hùng, còn ông Tư Ðầu Xồm là ông Trần Văn Bé Tư.
Ông Bé Tư, nhà ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang kể, gia đình ông chỉ có 0,4ha đất vườn, thời thanh niên phải đi làm thuê kiếm sống.
Khi Long An kêu gọi khai phá vùng Ðồng Tháp Mười, ông và gia đình về tuốt rốn lũ Mộc Hóa khai hoang.
Hiện ông đã có 6ha đất ở xã Bình Thạnh và Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa), ông thuê thêm 20ha ở xã Chanhtrea để làm vụ đông xuân.
“Hai mươi năm nay nông dân Việt và Campuchia sống cùng nhau, biết tiếng nói của nhau, thân tình như anh em một nhà.
Biên giới chẳng qua chỉ là con rạch, là ranh giới giữa hai đám ruộng, chứ tình cảm thì đâu có cái ranh giới nào” - ông Bé Tư nói.
Nông dân làm ngoại giao…
Đi dọc biên giới, gặp nhiều nông dân Campuchia, tôi giơ tay “samaki”.
Gần như ngay lập tức, họ sẽ đưa tay ra và “samaki”.
Xung quanh cột mốc 202, 203, hơn bao giờ hết, từ “samaki” là từ phổ biến nhất cư dân biên giới dành cho nhau.
Chuyện nông dân biên giới Long An “kết nghĩa” diễn ra đã lâu.
Còn kết nghĩa chính thức ở tầm địa phương thì cách đây 2 năm xã Mỹ Quý Tây, huyện Ðức Huệ, tỉnh Long An và xã Somrong, huyện Chanhtrea đã tổ chức lễ kết nghĩa.
Xuất phát từ tình cảm thân thiện và mối quan hệ khăng khít này mà cuộc thi “Nét đẹp biên giới” được hai xã phối hợp thực hiện.
Cuộc thi đã quy tụ những phụ nữ duyên dáng, giỏi giang của hai xã hai bên biên giới tham gia, quy mô chỉ dừng lại ở cấp xã nhưng suốt tuyến biên giới ai cũng phấn khởi.
Từ chuyện kết nghĩa của Mỹ Quý Tây - Somrong, một số địa phương khác cũng tổ chức kết nghĩa.
Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện kết nghĩa giữa xã Bình Hòa Tây và xã Tonot, trung tá Nguyễn Hoa Hùng - Chính trị viên Ðồn Biên phòng Bình Hòa Tây cho biết: “Từ ngày hai xã tổ chức kết nghĩa, hầu như ngày nào nhân dân hai bên biên giới cũng qua lại thăm nhau.
Vụ đông xuân năm ngoái, cán bộ kỹ thuật và nông dân mình giúp bạn “nhen giống” cũng trên tinh thần kết nghĩa.
Không những vậy, sau kết nghĩa, đơn vị còn phối hợp với các đơn vị tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hai bên biên giới qua lại thăm thân, buôn bán”.
Ông Nguyễn Văn Ðát - Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa nói: “Ở cấp xã, tuần nào chính quyền cấp xã của hai nước cũng họp giao ban, trao đổi tình hình an ninh, xã hội.
Ở cấp huyện, cứ mỗi tháng thì huyện Mộc Hóa đều tổ chức họp với huyện Chanhtrea và Kongpongro.
Thế nhưng, ở “cấp nhân dân”, chính những nông dân của mình cũng đang góp phần làm tốt công tác ngoại giao, giúp tình hình biên giới ổn định.
Ngoài những cột mốc cố định được đánh số, thì chuyện người dân hai nước sống hòa bình, ổn định dọc tuyến biên giới chính là những “cột mốc nhân dân” mà không thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc được”.
Related news
Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Người dân hai huyện Hồng Dân và Phước Long (Bạc Liêu) năm nào cũng trồng dưa hấu trên bờ vuông tôm và rẫy bắp để mang ra ven đường bán lấy tiền mua sắm đồ Tết.
Khi gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), chăn nuôi sẽ là ngành chịu tác động mạnh nhất và sẽ buộc phải tái cơ cấu lại để thích ứng.