Khép kín chu trình nuôi trồng thủy sản
Dẫn chúng tôi đi thăm quan các lồng cá của HTX, bà Thanh kể cho chúng tôi nghe về quá trình khởi nghiệp của gia đình. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất ven hồ, xuất thân trong gia đình thuần nông, bao đời gắn bó với vùng hồ Thác Bà. Nếu cứ dựa vào tự nhiên thì đánh bắt mãi rồi nguồn lợi cũng cạn kiệt.
Nghĩ là làm, từ chỗ chỉ nuôi nhỏ lẻ vài ba lồng cá để thêm thắt cho cuộc sống gia đình, thấy việc nuôi cá lồng đơn giản, không tốn nhiều công mà hiệu quả lại cao, năm 2010, được chương trình hỗ trợ đóng lồng cá của huyện cho mỗi lồng 3 triệu đồng, gia đình bà mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi lên 30 lồng.
Lân la tìm đầu ra ở các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Dương, bà biết Công ty TNHH Hiếu Ngân ở Hà Nội nhận thu mua với khối lượng lớn, có thể làm ăn lâu dài. Nhận thấy đây là cơ hội tốt, tuy nhiên, một mình gia đình bà sẽ không thể đáp ứng đủ sản lượng cung cấp, bởi vậy, tháng 6/2015, bà đã cùng các hộ nuôi cá có kinh nghiệm trong xã, trong tỉnh và đại diện Công ty TNHH Hiếu Ngân đứng ra thành lập HTX Nuôi trồng thuỷ sản Thác Bà với tổng số vốn đầu tư cho hệ thống 45 lồng bè, nhà xưởng, kho bãi, cơ sở hạ tầng, thuê cán bộ, kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản… lên tới 2 tỷ đồng trên diện tích 30 ha mặt nước hồ được tỉnh cấp phép.
Chủ nhiệm HTX là Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Ngân chịu trách nhiệm về vốn vay, bao tiêu sản phẩm đầu ra và cung cấp nguồn thức ăn, còn bà với vai trò là kiểm soát viên có nhiệm vụ chính trong việc chỉ đạo hoạt động nuôi trồng.
Tuy nhiên, sản xuất nhỏ lẻ thì dễ, còn khi đi vào quy mô HTX thật không đơn giản chút nào, bởi theo bà Thanh, trước đây, mặc dù gia đình cũng nuôi tới 30 lồng cá song chủ yếu là nuôi cá rô phi đơn tính và cá trắm nên tình hình dịch bệnh ít, dễ kiểm soát, còn khi nuôi ở quy mô HTX, với quy mô tập trung 30 lồng cá, còn lại 15 lồng khác nuôi rải rác tại các thành viên của HTX, gồm các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá diêu hồng, cá lăng, cá tầm... rủi ro khá cao. Nếu bị dịch bệnh thì có thể mất trắng. Do nguồn con giống phải nhập từ tỉnh Hải Dương, vận chuyển xa khiến tỷ lệ thiệt hại tương đối cao.
Trong số hơn 4.000 con cá giống các loại khi nhập về chết tới hơn một nửa, rồi cán bộ chưa có kinh nghiệm cũng khiến cho việc nuôi trồng gặp không ít khó khăn. Sau nhiều lần mày mò nghiên cứu, tìm hiểu, nhờ cán bộ của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 tại Bắc Ninh, HTX cũng đã chủ động sản xuất được con giống, giảm khá nhiều chi phí. Bằng hình thức nuôi gối vụ, năm 2015 vừa qua, HTX đã bán trên 4 tấn cá, giá từ 80.000 - 120.000 đồng/kg, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Dương.
Với mong muốn mở rộng ra các thị trường lớn hơn, hiện tại, gia đình bà Thanh cùng với các thành viên của HTX vẫn đang tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, tập hợp thêm các thành viên có kinh nghiệm, tâm huyết để nuôi trồng những loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao.
Tuy mới thành lập và đi vào hoạt động song HTX Nuôi trồng thuỷ sản Thác Bà đã được lãnh đạo tỉnh và huyện Yên Bình đánh giá là một mô hình có quy mô, bài bản, tạo thành chu trình sản xuất khép kín từ nuôi trồng đến bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, có thể nhân rộng, góp phần thúc đẩy phong trào nuôi trồng thuỷ sản của địa phương; đồng thời, thực hiện có hiệu quả mục tiêu xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân.
Related news
Cái tên được người dân nhắc nhiều nhất có lẽ là hộ gia đình anh Nguyễn Hùng Cư, ở thôn 4, xã Triệu Lăng. Sở hữu một ao nuôi với diện tích khoảng 3.000m2, vụ tôm vừa qua, gia đình anh Cư thu hoạch tôm bán được 1,8 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí thức ăn, tiền điện, lãi ròng khoảng 900 triệu đồng.
Không ít ngư dân bám biển trong cả “ba ngày Tết, bảy ngày xuân” mong kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Thế nhưng, may mắn ấy lại không mỉm cười với tất cả ngư dân. Nhiều người thậm chí còn lỗ tổn phiên biển Tết...
Hiện nay, rau câu xuất hiện ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) với mật độ dày nhưng người dân 5 xã ven đầm không màng đến chuyện vớt bán để tăng thu nhập. Nguyên nhân là do rau câu thành phẩm rớt giá, hàng bán không ai mua, tồn đọng chất đầy nhà.