Khảo nghiệm lúa chịu mặn chọn được ba giống phù hợp
Mô hình lúa nhiễm mặn trồng khảo nghiệm tại xã An Ninh Tây (huyện Tuy An)
Lúa chịu mặn chinh phục đất nhiễm mặn
Vụ hè thu năm 2015, trên cánh đồng Cây 2 của xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), ông Trình Dạy sạ hai sào trên ruộng lúa bị nhiễm mặn quanh năm với giống lúa GSR50, đây là giống trồng khảo nghiệm quy trình phân bón. Ông Dạy cho biết: “Tôi sạ giống lúa này hai vụ rồi. Vụ này lúc mới sạ ruộng thiếu nước “khô đi khô lại” hai lần nhưng năng suất đạt 40 tạ/ha.
Tôi đã làm ruộng ở vùng này 10 năm, có năm cuối vụ cắt rạ về cho bò ăn là mừng vì hầu hết lúa không chịu được mặn, lụn chết từ nhỏ”.
Theo ông Nguyễn Trinh, Phó giám đốc HTX nông nghiệp Đông An Ninh Đông, cánh đồng Cây 2 rộng gần 50ha không có cống thoát nước qua đường nên bị ngập mặn thường xuyên, mùa nắng khô nước nhìn xuống ruộng toàn là muối trắng.
Vụ lúa hè thu này, trên ruộng lúa đối chứng, nông dân sạ hai lần giống một lần cấy mà lúa vẫn chết. Lâu nay, nông dân làm ruộng ở đây rất tốn kém vì sạ đi sạ lại, nay có giống lúa chịu mặn nên mọi người rất phấn khởi, sắp đến đưa vào sản xuất đại trà thì giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
Tại cánh đồng xã An Ninh Tây, An Hòa, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tiến hành khảo nghiệm sản xuất với diện tích 6.000m2/điểm.
Tại mỗi điểm sản xuất 5 giống lúa mới du nhập, đó là GSR38, GSR66, GRS50, GRS90, H11 có triển vọng đã được tuyển chọn.
Ông Huỳnh Ngọc Châu, nông dân ở xã An Ninh Tây, sạ giống lúa nhiễm mặn GSR90, cho hay: Gié lúa dài cả gang tay người lớn, năng suất đạt trên 70 tạ/ha. Trước đây, nông dân sạ giống lúa địa phương không chịu nổi nước mặn, gié lúa ngắn ngủn, có vụ năng suất chỉ đạt 40 tạ/ha.
Theo ông Cao Văn Tiên, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An, toàn huyện có khoảng 300ha đất nhiễm mặn, tập trung ở các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Cư, An Hiệp, An Hòa và An Mỹ. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao ngập ruộng, cây lúa bị chết do không chịu được nồng độ muối quá cao.
Nước mặn ngấm sâu và lưu tồn lại trong đất cũng làm cho đất bị nhiễm mặn. Nếu trồng lúa trên vùng đất đó mà thiếu nước ngọt để tưới thì sẽ bị hiện tượng xì mặn làm cho cây lúa bị chết. Qua thời gian trồng khảo nghiệm, ngành Nông nghiệp tuyển chọn được các giống lúa chịu mặn, sẽ góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa.
Ưu thế của lúa nhiễm mặn
Theo điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, toàn tỉnh có 600ha đất nhiễm mặn, tập trung ở các huyện Tuy An trên 300ha, Đông Hòa 200ha, TX Sông Cầu 80ha và TP Tuy Hòa gần 30ha. Các giống lúa đang canh tác tại vùng đất nhiễm mặn không chịu được độ mặn hơn 2‰.
Các cánh đồng ven biển thì ảnh hưởng triều cường, nước biển dâng, độ mặn lên đến 6‰. Các giống lúa đang trồng đều bị chết. Do đó, tiêu chuẩn đầu tiên của giống được tuyển chọn là phải chịu được độ mặn bằng hoặc trên 6‰ và thích nghi với điều kiện cũng như tập quán canh tác của địa phương.
Mặt khác, để phù hợp với xu thế canh tác hiện nay thì yêu cầu thời gian sinh trưởng của giống lúa tuyển chọn từ 90 đến 105 ngày (vì các giống trên 105 ngày thường bị gặp mưa bão vào cuối vụ). Một yếu tố nữa là vụ hè thu ở Phú Yên thường bị gió Tây Nam, các giống lúa cây cao trên 100cm thường bị đổ ngã, ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Với các yếu tố trên, qua khảo nghiệm, các giống lúa H11, GSR38, GSR50, GSR66 có thời gian sinh trưởng 110 ngày, giống GSR90 thời gian sinh trưởng ngắn nhất là 103 ngày... Về năng suất, các giống lúa năng suất thực thu từ 67 đến 74 tạ/ha. Giống GSR90, GSR50 cho năng suất thực thu lên đến 74 tạ/ha.
Trong khi đó, giống đối chứng ML49 chỉ đạt 50tạ/ha. Vì vậy, qua 4 vụ trồng khảo nghiệm, đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đã xác định 3 giống lúa GSR50, GSR38 và GSR90 có tính chống chịu mặn cao, sẽ đưa vào sản xuất đại trà.
Theo thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, các giống lúa được tuyển chọn ngoài đặc tính chịu mặn thì năng suất đạt trên 60tạ/ha và thích nghi với điều kiện sinh thái tại các vùng đất nhiễm mặn ở Phú Yên.
Hiện các giống đang canh tác trên vùng đất mặn trong điều kiện không bị triều cường và xì mặn, các vùng có đủ nước ngọt tưới “ém mặn” thì năng suất thu được từ 55 đến 60 tạ/ha. Do đó các giống mới tuyển chọn phải có năng suất trên 60 tạ/ha mới được nông dân gieo sạ.
Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Sở KH-CN tập huấn cho nông dân xã An Cư, An Hòa, An Ninh Đông và An Ninh Tây (huyện Tuy An) về đặc tính của các loại đất mặn và kỹ thuật canh tác lúa đạt hiệu quả cao để nông dân áp dụng.
Related news
Mô hình nuôi tảo spiruline không chỉ giúp nông dân tiếp cận với công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn hứa hẹn mở ra cơ hội mới để phát triển kinh tế cho địa phương.
Những rào cản mà các nước nhập khẩu thủy sản đưa ra trong thời gian gần đây, nhất là Luật Trang trại mà Mỹ chuẩn bị áp dụng, buộc các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi, sản xuất cá tra trong nước có những thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với những tiêu chuẩn mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khó của thị trường nhập khẩu.
Trong điều kiện thời tiết hiện nay, diện tích ao nuôi tôm bị thiệt hại không đáng kể, chưa tới 1%. Tuy nhiên, địa phương cũng khuyến cáo người nuôi tôm chân trắng tuân thủ việc thả tôm giống, quản lý chất lượng nguồn nước, chăm sóc, dinh dưỡng và theo dõi sức khỏe tôm ngay từ lúc bắt đầu thả nuôi.
Từ đầu năm 2014 đến nay, hoạt động sản xuất, nuôi trồng thuỷ, hải sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phát triển bình thường, không có dịch bệnh xảy ra.
Cách đây 4-5 năm trước, nông dân thường phải đắn đo suy nghĩ giữa việc chọn thả nuôi tôm sú (TS) hay tôm thẻ chân trắng (TTCT) trước mỗi vụ tôm mới, tuy nhiên, do vụ tôm thẻ cuối năm 2013 thắng lớn, nên hiện nay TTCT là lựa chọn số 1 của nhiều nông dân ở vùng ĐBSCL. Dù vậy, các chuyên gia ngành tôm cho rằng, nông dân không nên ồ ạt thả nuôi TTCT để tránh tình trạng "đụng hàng, rớt giá" và TS vẫn còn thị trường tiêu thụ tốt.