Khan Hiếm Nguồn Khoai Lang Giống Chất Lượng
Gần 90% nông dân trồng khoai phải đi mua dây khoai lang giống, còn lại tự sản xuất hoặc trao đổi với nhau. Điều này đã làm cho nhiều giống khoai bị thoái hóa, năng suất và chất lượng đạt thấp.
Kết quả trên vừa được GS.TS Nguyễn Thị Lang- Viện Lúa ĐBSCL, chủ nhiệm đề tài: “Chọn lọc giống khoai lang mới và xây dựng vùng sản xuất giống tại huyện Bình Tân- Vĩnh Long” báo cáo khoa học lần 1.
Giống khoai đã thoái hóa
Nguyên nhân nguồn khoai lang giống khan hiếm, theo GS.TS Nguyễn Thị Lang, từ năm 2011 khoai lang có giá, đặc biệt là khoai tím Nhật (hơn 1 triệu đ/tạ - 60kg) nên nông dân đổ xô trồng.
Năm 2012, Vĩnh Long trồng gần 12.000ha khoai lang, đứng đầu ĐBSCL. Đến năm 2013, giá khoai có giảm nhưng vẫn xuống giống được khoảng 10.000ha.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Lang, trước đây nông dân Bình Minh, Bình Tân chủ yếu trồng các giống khoai địa phương như bí đế, trắng sữa, tàu nghẹn,…
Sau đó, do nhu cầu xuất khẩu, một số giống khoai mới có chất lượng hơn như khoai tím Nhật được nhập về trồng.
Tuy nhiên, do chưa có hệ thống sản xuất giống và khử lẫn tạp phù hợp nên chất lượng giống dần bị thoái hóa. Riêng các giống khoai địa phương được đánh giá ăn tươi rất ngon, bổ dưỡng nhưng không có đầu mối tiêu thụ ổn định nên hiện rất ít nông dân chọn trồng.
Liên quan công tác nhân giống, Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long cho biết, nếu trước đây nông dân trồng khoai lang hướng luân canh nên nguồn giống chủ yếu mua từ Kiên Giang hoặc tự giâm củ để trồng, thì hiện do việc trồng gần như liên tục nên dây giống thường được cắt từ những ruộng trồng trước đó. Chính điều này làm khoai lang sinh trưởng kém, sâu bệnh nhiều và năng suất sụt giảm.
“Trước đây tỉnh có kế hoạch xây dựng vùng chuyên sản xuất giống nhưng nông dân không mạnh dạn tham gia. Nếu để tình trạng tự sản tự tiêu giống kéo dài không bao lâu giống khoai ở Vĩnh Long sẽ bị thoái hóa.”- Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm cảnh báo.
Ông Nguyễn Tấn Thành- nông dân trồng khoai lang xã Tân Thành (Bình Tân) cho biết, những năm gần đây khoai lang bị sâu đục củ tấn công một phần do nguồn giống không chất lượng.
“Vụ khoai lang năm 2013, tôi chuẩn bị đất khá kỹ lưỡng nhưng do mua giống từ ruộng khoai lân cận nên năng suất chỉ đạt 11 tạ/ha, trong khi những ruộng khoai khác mua giống chất lượng ở Kiên Giang về trồng năng suất gần 30 tạ/ha”- ông nói thêm.
Chọn 1- 2 giống khoai chất lượng
Năm 2012, UBND tỉnh Vĩnh Long đồng ý cho Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu chọn lọc 1- 2 giống khoai mới có năng suất và phẩm chất tốt phù hợp sản xuất tại địa phương.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lang, sau khi quan sát và thu thập số liệu về kiểu hình của 14 giống khoai lang, trong vụ Hè Thu 2012 bắt đầu đưa vào trồng thử nghiệm tại 5 điểm. Kết quả, một số giống như OMKL4, năng suất đạt 28,5 tấn/ha; giống OMKL5, OMKL2, OMKL6 đạt từ 17- 20 tấn/ha.
Riêng vụ Đông Xuân 2012- 2013, 13 giống khoai tiếp tục thí nghiệm thể hiện nhiều đặc tính vượt trội như củ lớn, năng suất cao.
Sau khi đánh giá năng suất, các thông số về kiểu hình, thành phần dinh dưỡng,… đã chọn được 3 giống khoai chủ lực là OMKL4, OMKL6, khoai tím Nhật Hưng Lộc; 4 giống bổ sung là OMKL18, OMKL2, OMKL5, OMKL13. Các giống khoai này được đánh giá có năng chất, chất lượng và phù hợp thổ nhưỡng.
Viện Lúa ĐBSCL đang triển khai vụ khoai lang thứ 3 để tiếp tục chọn ra 1- 2 giống khoai phù hợp. “Dự kiến, sau khi được báo chính thức trong tháng 4 năm nay, ngoài việc đưa vào sản xuất các giống mới, mục tiêu đề tài sẽ xây dựng mạng lưới sản xuất dây giống khoảng 20ha, rồi 50ha để phục vụ sản xuất tại chỗ”- GS.TS Nguyễn Thị Lang cho biết thêm.
Hiện mỗi năm toàn tỉnh cần khoảng 10.000ha dây khoai giống chất lượng mới đảm bảo cung ứng đủ giống cho sản xuất. Vì vậy, theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, trên cơ sở đề tài, sắp tới sẽ tiếp tục đa dạng hóa giống khoai sản xuất để giảm bớt rủi ro trong tiêu thụ. Dựa vào điều kiện canh tác và đất đai ở huyện Bình Tân sẽ quy hoạch vùng nhân giống.
“Chúng ta đã xây dựng được cánh đồng lúa xác nhận, góp phần đáng kể gia tăng sản lượng. Trong khi khoai lang những năm qua được xác định là cây xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, hoàn toàn có thể xây dựng cánh đồng khoai lang giống xác nhận, giống khỏe như cây lúa để tăng năng suất, chất lượng và hạn chế sâu bệnh”- Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm nói thêm.
100% nông dân trồng khoai lang bán cho thương lái Trung Quốc không qua hợp đồng và giá cả không ổn định.
Đó là kết quả mà đề tài điều tra được liên quan đến thị trường tiêu thụ khoai lang hiện nay. Bên cạnh, nông dân cũng không biết chọn trồng giống khoai gì mà thị trường cần, chỉ thấy xung quanh trồng rồi trồng theo.
GS.TS Nguyễn Thị Lang: “Hiện ở ĐBSCL có rất ít nghiên cứu về kỹ thuật canh tác khoai lang mà nông dân thường trồng theo kinh nghiệm. Đặc biệt, công tác chọn và nhân giống chưa được nông dân quan tâm. Một số giống khoai có chất lượng cao (khoai tím Nhật) hiện đã thoái hóa”.
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND TX Bình Minh Nguyễn Văn Rùm (bìa trái), tặng hoa chúc mừng 2 Thầy thuốc ưu tú: bác sĩ Chuyên khoa I Châu Văn Đệ và ông Nguyễn Quang Minh.
Related news
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong 9 năm qua (tính từ năm 2004). Năm 2012 so với năm 1997 đã cao gấp 11,7 lần, bình quân một năm tăng 17,8%. Nhịp độ tăng đã cao trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2011 tăng 38,1%, năm 2012 tăng 33,1% - đó là những tốc độ tăng rất cao.
Ngày 24.3, ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Từ ngày 20.3 đến nay, đàn vịt tơ nuôi tại 4 hộ ở xã Hoài Đức (Hoài Nhơn) đã xuất hiện tình trạng vịt chết lẻ tẻ, qua lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan Thú y vùng 4 Đà Nẵng đã phát hiện vịt chết do vi-rút cúm A (H5N1).
Gà chín cựa tưởng chỉ có trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh. Ít ai ngờ, nó là giống có thật ngoài đời. Càng bất ngờ hơn, một chàng trai 29 tuổi, lặn lội từ TP.HCM ra cội nguồn giống gà này ở tận nơi đất tổ, rước về phương Nam và đã nhân giống thành công.
Theo Chi cục Thủy sản Yên Bái, vừa qua, gia đình anh Trần Đức Phương ở thôn 6, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho cá nheo và đạt kết quả cao, tỷ lệ trứng nở thành cá nheo giống đạt trên 80%.
Khởi nghiệp chỉ với hai con bò sữa, thời gian đầu, gia đình anh Lương Văn Thiết ngụ tại phường Bình Hòa (TX.Thuận An, Bình Dương) đã gặp không ít khó khăn và tưởng chừng như phải dừng lại niềm đam mê nuôi bò sữa. Nhưng bằng tấm lòng yêu nghề, vượt lên mọi điều kiện khó khăn, đến nay anh đã có được một trang trại bò sữa khá thành công.