Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khấm khá nhờ nuôi cá lồng kết hợp với làm du lịch

Khấm khá nhờ nuôi cá lồng kết hợp với làm du lịch
Author: Trung Quân
Publish date: Tuesday. April 13th, 2021

Nuôi cá lồng kết hợp với du lịch trải nghiệm, giúp nhiều hộ dân sống xung quanh lòng hồ thủy điện Hòa Bình nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Các hộ dân ở xã Thung Nai, chủ yếu nuôi các loài cá đặc sản như trắm đen, cá lăng, cá chiên.. để phục vụ khách du lịch. Ảnh: Trung Quân.

Xã Thung Nai, huyện Cao Phong (Hòa Bình), là một xã thuộc vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình với tổng diện tích 3.554 ha, trong đó diện tích mặt nước 856,02 ha.

Khi Thuỷ điện Hòa Bình được xây dựng và tích trữ nước, Thung Nai trở thành hồ chứa nước khổng lồ. Những ngọn núi cao được bao quanh bởi nước, không khác gì những ốc đảo thu nhỏ, tạo nên một vẻ đẹp mê đắm lòng người.

Nhận thấy lợi thế diện tích mặt nước rộng lớn, độ sâu lý tưởng, cùng với định hướng phát triển Thung Nai thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách, Nhiều hộ dân nơi đây đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư sang nuôi cá lồng. Vừa tận dụng được lợi thế nguồn nước sạch vùng lòng hồ, vừa tạo ra sản phẩm sạch tại chỗ, cung cấp cho việc phát triển du lịch.

Ông Bùi Minh Kỷ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thung Nai cho biết, trên địa bàn toàn xã hiện có 71 hộ nuôi cá lồng với 271 lồng cá các loại, tập trung tại xóm Mới và xóm Nai. Các hộ dân chủ yếu nuôi các loài cá đặc sản như trắm đen, cá lăng, cá chiên… Hàng năm, toàn xã cung cấp cho thị trường trung bình 100 tấn cá, 40 tấn tôm.

Người nuôi cá lồng nơi đây tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như cám gạo, ngô, các loại cá dại nhỏ, tôm tép, cỏ tự nhiên cho cá ăn. Ngoài ra, phòng dịch bệnh cho cá bằng cách sử dụng tỏi giã nát trộn với thức ăn. Vì vậy, cá Thung Nai được rất nhiều khách du lịch gần xa ưa chuộng vì độ thơm, ngon, chắc thịt khác hẳn với cá lồng được nuôi ở nơi khác.

Anh Hà Mạnh Tâm, xóm Mới, xã Thung Nai (Cao Phong, Hòa Bình), một điển hình về sự kết hợp giữa nuôi cá lồng và phát triển du lịch cho biết: Hiện anh có 21 lồng nuôi cá, trong đó có 19 lồng nuôi cá chiên, 2 lồng nuôi trắm đen và cá lăng. Bên cạnh đó, anh còn mạnh dạn đầu tư 800 triệu đồng mua một thuyền chuyên chở khách du lịch đi thăm quan trải nghiệm vùng hồ Hòa Bình.

Anh Tâm chia sẻ: Khách đi thăm quan thường xuất phát từ cảng Thung Nai, đi thăm đền Thác Bờ, điểm du lịch ở Ba Khan (huyện Mai Châu) hoặc Vầy Nưa (huyện Đà Bắc)… Sau đó, du khách ăn nghỉ trên thuyền hoặc ngay trên lồng bè nuôi cá, thưởng thức cá bắt trực tiếp từ dưới lồng nuôi. Nhiều vị khách sau khi trải nghiệm tỏ ra “nghiện” hương vị cá nơi đây, nên sau này vẫn gọi điện lên đặt hàng nhờ anh chuyển xuống tận nhà.

“Không phải đi đâu bán cá cả, chỉ phục vụ khách du lịch ăn uống thôi cũng không đủ cá rồi”, anh Tâm vui vẻ.

Nhiều hộ dân đã tham gia nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo cung cấp nguồn cá sạch tại chỗ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của khách du lịch. Ảnh: Trung Quân.

Cách đó không xa, anh Nguyễn Xuân Sang, xóm Nai, xã Thung Nai cho hay: Hiện tại, khi tình hình dịch Covid-19 được khống chế, các điểm du lịch được phép hoạt động trở lại. Nhiều ngày nay, lượng khách đến thăm quan cũng tăng lên nhanh chóng, nhờ đó lượng tiêu thụ cá cũng được nâng lên.

Cũng theo anh Sang, giá các loại cá ở đây rất ít biến động, vì sử dụng phục vụ khách du lịch là chính. Vì vậy thời điểm du lịch tạm dừng hoạt động, các chủ lồng nuôi vẫn giữ cá lại trong lồng, điều chỉnh chế độ ăn cho cá để nuôi duy trì, chứ không phải bán tháo như những nơi khác.

Với giá cá luôn duy trì ở mức ổn định: Lăng đen 100.000đ/kg, lăng vàng 150.000đ/kg, trắm đen có giá 150.000đ/kg (từ 7 kg trở xuống) và 200.000đ/kg (7 kg trở lên), cá chiên 400.000đ/kg..., sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh có lãi từ 300-350 triệu đồng.

Để phát triển thương hiệu "cá sạch Thung Nai”, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp và siêu thị để hình thành thị trường tiêu thụ ổn định. Hỗ trợ các hộ nuôi cá, áp dụng công nghệ theo tiêu chuẩn VietGAP (hiện có 8 hộ tham gia).

Ông Bùi Văn Thoa, Bí thư đảng ủy xã Thung Nai cho biết: Trong những năm qua, nhờ nghề nuôi cá lồng kết hợp với làm du lịch nhiều hộ dân đã đổi đời, khấm khá hẳn lên. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã là 13,8 triệu đồng/người/năm.

Cũng theo ông Thoa, trong thời gian tới, xã tiếp tục xác định việc phát triển nuôi cá lồng phải gắn với bảo vệ môi trường lòng hồ Hoà Bình. Thường xuyên có đánh giá tác động tới môi trường, thành lập HTX nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Đảm bảo cho việc nuôi cá lồng của người dân trong xã phát triển bền vững.


Related news

Chàng trai biến ngôi nhà ở thành vườn nấm quý Chàng trai biến ngôi nhà ở thành vườn nấm quý

Một thanh niên biến ngôi nhà 2 tầng trở thành vườn nấm. Cũng từ ngôi nhà này, anh đã nghiên cứu trồng nấm mối đặc sản...

Saturday. April 3rd, 2021
Nuôi cua biển theo bí kíp này, nông dân Cà Mau tha hồ khấm khá Nuôi cua biển theo bí kíp này, nông dân Cà Mau tha hồ khấm khá

Nhờ tham gia vào lớp dạy kỹ thuật nuôi cua biển thương phẩm theo hướng cải tiến, nhiều nông dân tại ấp Bàu Vũng (xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, Cà Mau)

Monday. April 5th, 2021
Về quê trồng rau sạch 5 không công nghệ cao Về quê trồng rau sạch 5 không công nghệ cao

Rất nhiều thanh niên từ bỏ công việc ổn định nơi Thủ đô trở về quê khởi nghiệp trồng rau sạch và thành công, trong đó có anh Nguyễn Thanh Liêm ở Bắc Ninh.

Friday. April 9th, 2021