Khắc phục nuôi trồng thủy sản sau mưa bão tại Phú Yên
Cơn bão số 12 vừa qua gây mưa lớn, nước lũ đổ về vùng nuôi trồng thủy sản ở vịnh Xuân Đài, TX Sông Cầu (Phú Yên) khiến tôm sốc nước ngọt, chết hàng loạt.
Nhiều người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu thiệt hại nặng do tôm bị sốc nước ngọt. Ảnh: PC.
TX Sông Cầu hiện có khoảng 1.735 bè nuôi thủy sản với 76.000 lồng nuôi, trong đó chủ yếu nuôi tôm hùm.
Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết, cơn bão số 12, TX Sông Cầu đảm bảo an toàn cho người nuôi lồng bè. Nhưng hoàn lưu của bão gây mưa quá lớn, nước lũ đổ về vùng nuôi trồng thủy sản ở vịnh Xuân Đài khiến tôm sốc nước ngọt, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Trong đó, có hộ bị thiệt hại tiền tỷ.
Theo ông Dũng, tính đến 9 giờ ngày 13/11, toàn thị xã có 177 hộ nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè ở các phường Xuân Phương, Xuân Yên, Xuân Đài, Xuân Thành và Xuân Thọ bị thiệt hại, với 1.653 lồng tôm hùm, ước tổng thiệt hại hơn 47 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đối với thủy sản nuôi ao đìa, có gần 200ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng, cua biển và các loài thủy sản khác bị vỡ bờ, cuốn trôi.
Để giúp bà con nuôi trồng thủy sản khắc phục hậu quả sau bão số 12 và mưa lũ, ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, Sở đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc với các phòng, ban chức năng của TX Sông Cầu khẩn trương kiểm tra, hướng dẫn người nuôi xử lý xác thủy sản nuôi bị chết, không để ô nhiễm môi trường.
Đồng thời khuyến cáo người nuôi lồng bè thủy sản kiểm tra ngay các lồng bè để sửa chữa, tránh thất thoát thủy sản nuôi. Đối với vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng nước ngọt do mưa lũ, chúng tôi khuyến cáo bà con cần di chuyển lồng bè đến nơi an toàn, có điều kiện môi trường đảm bảo cho thủy sản sống.
“Nếu quan sát màu nước có màu đục của nước do mưa lũ ở khu lồng, bè người nuôi cần chú ý không nâng lồng nuôi lên mặt nước nhằm tránh tôm, cá sốc. Bên cạnh đó hạ lồng gần đáy nhưng không được sát đáy; đồng thời phải giảm ngay lượng thức ăn 50-70%. Lưu ý sử dụng thức ăn phải có chất lượng, trộn vitamin C, men vi sinh đường ruột và khoáng vi lượng để tôm ăn tăng sức đề kháng. Ngoài ra, người nuôi nên tăng cường quan sát tôm, cá nuôi và kiểm tra các yếu tố môi trường đặc biệt độ mặn, oxy hòa tan, để có biện pháp xử lý kịp thời”, ông Phương lưu ý.
Đối với ao nuôi thủy sản, người nuôi cũng kiểm tra bờ ao, thủy sản nuôi trong ao; thu gom rác và các chất thải khác trong ao nuôi, rửa và sát trùng dụng cụ nuôi, bờ ao bằng các loại thuốc sát trùng thông thường (vôi, clorin, TCCA). Đồng thời xả nước tầng mặt, nếu có dàn quạt nước, cần thay quạt nhằm tránh phân tầng nước và tăng hàm lượng oxy. Dùng vôi CaCO3, dolomite đưa xuống ao, liều 30-50kg/1.000 m3 nước nhằm tăng pH và giảm độ đục nước ao. Cũng có thể sử dụng nhôm Sulphat (Al2(SO4)3), liều 30-50 kg/1.000m3 để làm trong nước.
Tranh thủ khi tạnh mưa, cho tôm, cá ăn thức ăn có chất lượng tốt nhất có thể, lượng giảm 30-50% so với bình thường. Đồng thời bổ sung vitamin C, men vi sinh đường ruột, khoáng vi lượng vào thức ăn. Có thể không cho tôm, cá ăn khi thời tiết có mưa. Tăng cường quan sát ao, tôm cá nuôi và kiểm tra các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời.
Related news
Theo một nghiên cứu mới thì thực khuẩn có thể chứng minh một giải pháp thay thế hiệu quả dành cho việc sử dụng thuốc kháng sinh nhằm đối phó bệnh nhiễm khuẩn
Liệu các bong bóng nano và sóng siêu âm có thể đánh bay các vấn đề vi khuẩn gây bệnh trong hệ thống tuần hoàn RAS hay không?
Các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu thành công một giống hàu nuôi mới có giá trị dinh dưỡng cao bằng cách cải thiện hàm lượng glycogen.