Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Kết quả thực nghiệm các giống bắp mới tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh

Kết quả thực nghiệm các giống bắp mới tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh
Author: ThS. Phan Thị Phương Thảo
Publish date: Thursday. October 19th, 2017

Nông dân dự hội thảo đầu bờ và tham quan các giống bắp nếp triển vọng ở xã Hòa Lợi, Châu Thành, Trà Vinh

Nghiên cứu so sánh về giống bắp nếp nhằm giúp cho địa phương tìm ra các giống bắp nếp phù hợp có năng suất, phẩm chất và hiệu quả kinh tế cao thay thế các giống cũ có năng suất và phẩm chất thấp, giúp phát triển việc sản xuất bắp tại địa phương và tăng thu nhập cho nông dân.

Tình hình sản xuất bắp ở đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Trà Vinh

Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương có diện tích trồng bắp (ngô) lớn bao gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Trong đó An Giang là tỉnh có diện tích và sản lượng bắp lớn nhất với 11,5 nghìn ha, năng suất 70,3 tạ/ha, sản lượng 80,9 nghìn tấn (năm 2013), chiếm 28,5% diện tích của cả vùng, năng suất thu hoạch khá cao, cao hơn so với năng suất trung bình của Đồng bằng sông Cửu Long là 12,7 tạ/ha.

Trà Vinh là tỉnh có diện tích trồng bắp khá lớn với 5,3 nghìn ha (năm 2013), chiếm 13,15 % tổng diện tích của vùng, tuy nhiên năng suất thu được chưa cao nên sản lượng chỉ đạt 28,3 nghìn tấn chiếm 12,51 % sản lượng của đồng bằng sông Cửu Long (Niên giám thống kê, 2015).

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Thành (2015), toàn huyện có diện tích trồng bắp năm 2010 là 373,20 ha, trong đó có 4,30 ha bắp lai; năm 2012 có 509 ha; năm 2013: 510 ha và năm 2015 là 520 ha. Tổng sản lượng bắp của huyện là 2.932,8 tấn, năng suất đạt 5,64 tấn/ha. Tại địa bàn xã Hưng Mỹ - địa điểm thực hiện thí nghiệm, diện tích trồng bắp năm 2015 của xã đạt 55 ha, giảm 10 ha so với cùng kỳ năm 2014.

Nghiên cứu so sánh về giống bắp nếp nhằm giúp cho địa phương tìm ra các giống bắp nếp phù hợp có năng suất, phẩm chất và hiệu quả kinh tế cao thay thế các giống cũ có năng suất và phẩm chất thấp, giúp phát triển việc sản xuất bắp tại địa phương và tăng thu nhập cho nông dân.

Kết quả nghiên cứu về chất lượng và hiệu quả kinh tế các giống bắp nếp trên đất giồng cát huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh

Thí nghiệm sử dụng 07 giống bắp nếp bao gồm: MX6, MX10, Wax44, bắp nếp tím Fancy 111, HN88, Bạch Ngọc và giống bắp nếp Bến Tre đang trồng tại địa phương (đối chứng). Các giống này có thời gian sinh trưởng trong khoảng 60-70 ngày.

1. Khối lượng trái trung bình; năng suất lý thuyết và năng suất thực thu các giống bắp nếp thí nghiệm

- Khối lượng trung bình trái có lá bi của giống Wax44, MX10 có sự khác biệt rất có ý nghĩa so với các giống MX6, Bạch Ngọc và đối chứng trong thí nghiệm. Khối lượng trung bình trái có lá bi ở các nghiệm thức dao động từ 255,33 g đến 317,67 g. Trong đó giống Wax44 có khối lượng trung bình trái lớn nhất và cao hơn so với đối chứng là 62,34g.

- Khối lượng trung bình trái không có lá bi ở các nghiệm thức thu được như sau: giống Wax44 có khối lượng trái lớn nhất so với các nghiệm thức còn lại với 227,67 g, và có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với các nghiệm thức MX6, Bạch Ngọc, đối chứng ở mức xác suất P<0,05. Khối lượng trung bình trái không có lá bi ở các giống Fancy 111, HN88, MX10 và Wax 44 có sự khác biệt, tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa về mặt thống kê.

- Năng suất lý thuyết trái tươi có lá bi của các giống bắp nếp biến động trong khoảng 14,56 – 18,11 tấn/ha. Trong đó, giống Wax 4 có năng suất cao nhất (đạt 18,11 tấn/ha) và giống đối chứng có năng suất thấp nhất (14,56 tấn/ha). Giống Bạch Ngọc, Fancy 111, MX6, MX10, HN88 có năng suất lần lượt là 14,89 tấn/ha, 16,32 tấn/ha, 14,58 tấn/ha, 17,56 tấn/ha, 16,45 tấn/ha, cao hơn so với đối chứng từ 0,02 – 3 tấn/ha.

- Năng suất lý thuyết trái tươi không có lá bi cao nhất là Wax44 đạt 12,58 tấn/ha, tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức MX10 với 12,03 tấn/ha. Nghiệm thức cho năng suất thấp nhất là giống đối chứng đạt 8,86 tấn/ha. Các nghiệm thức còn lại biến thiên từ 8,88 tấn/ha đến 10,68 tấn/ha.

- Năng suất thực thu trái tươi có lá bi của các giống thí nghiệm tăng so với đối chứng từ 0,02 - 3,12 tấn/ha. Trong đó, giống Wax44 có năng suất cao nhất (15,88 tấn/ha) và khác biệt không ý nghĩa so với MX10, nhưng khác biệt có ý nghĩa so với đối chứng, Bạch Ngọc và MX6. Giống đối chứng có năng suất thấp nhất (12,77 tấn/ha).

2. Nghiên cứu về phẩm chất hạt

- Độ dẻo giữa các giống thí nghiệm biến động trong khoảng từ 1,33 – 2,33 điểm. Giống được đánh giá dẻo nhất là các giống MX10, Wax 44 và HN88 đạt 1,67 điểm. Các giống Bạch Ngọc, Fancy 111, MX6 và đối chứng có độ dẻo như nhau, đạt 2,0 điểm.

- Hương thơm giữa các giống thí nghiệm dao động trong khoảng từ điểm 2,0 – 2,67. Giống được đánh giá hương thơm ở mức khá là giống MX10, Wax 44, HN88, Bạch Ngọc, MX6, Fancy 111 đạt điểm 2,0. Giống đối chứng được đánh giá là ít thơm hơn so với các giống còn lại

- Độ ngọt giữa các giống thí nghiệm biến thiên trong khoảng từ điểm 1,33 – 2,33. Giống Fancy 111 được đánh giá có độ ngọt cao nhất đạt điểm 1,33. Tiếp theo đến giống MX10, Wax 44 và đối chứng đạt 1,67 điểm, các giống còn lại có độ ngọt thấp hơn.

Như vậy, tất cả các giống trong thí nghiệm có phẩm chất tương đối đồng đều nhau, riêng giống MX10 được đánh giá có phẩm chất tốt hơn cả.

3. So sánh hiệu quả kinh tế của các giống bắp nếp khảo nghiệm

- Các nghiệm thức khảo nghiệm với các biện pháp chăm sóc, công chăm sóc là như nhau, khác nhau về giá mỗi loại giống và tổng thu của các nghiệm thức.

- Các nghiệm thức trong thí nghiệm đều có thu nhập tăng thêm so với đối chứng; Nghiệm thức có thu nhập tăng thêm thấp nhất là nghiệm thức sử dụng giống MX6 (116.667 đồng/ha) vì giá giống cao hơn so với đối chứng và năng suất bắp thấp. Tiếp theo, nghiệm thức Fancy 111 có thu nhập tăng thêm thấp (2.700.000 đồng/ha) do giá giống cao hơn so với các giống còn lại trong khảo nghiệm.

- Qua khảo nghiệm cho thấy khi canh tác giống Wax44 và MX10 mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, đồng thời hai giống này kháng sâu bệnh và có phẩm chất tốt phù hợp với thị hiếu của thị trường.

Kết luận

- Trong 8 giống bắp nếp khảo sát, tiềm năng năng suất của 2 giống MX10 và Wax44 là rất lớn. Kết quả phân tích thống kê về năng suất thực thu không có lá bi của hai giống bắp nếp này là cao nhất và có sự chênh lệch về năng suất và khác biệt có ý nghĩa so với giống đối chứng đang trồng phổ biến ở địa phương từ 1,39 - 1,95 tấn/ha. Kết luận này là phù hợp với Đào Thị Huyền (2015).

- Về phẩm chất hạt, tất cả các giống trong thí nghiệm có phẩm chất tương đối đồng đều nhau, riêng giống MX10 được đánh giá có phẩm chất tốt hơn cả.

- Qua khảo nghiệm cho thấy khi canh tác giống Wax44 và MX10 mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, đồng thời hai giống này kháng sâu bệnh và có phẩm chất tốt phù hợp với thị hiếu của thị trường.

- Đề nghị giới thiệu 2 giống bắp nếp Wax44 và MX10 vào cơ cấu giống bắp nếp sản xuất trên vùng đất giồng cát của huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Tác giả: ThS. Phan Thị Phương Thảo, TS. Nguyễn Công Thành, KS. Nguyễn Văn Mãnh và KS. Trần Tuấn Anh; Viện Khoa học KTNN miền Nam


Related news

Người 'chung thân' với nuôi gà trắng Người 'chung thân' với nuôi gà trắng

Dù giá cao hay thấp, được giá hay mất giá, ông vẫn trung thành với nghề nuôi gà. Và cũng chỉ chuyên nuôi gà lông trắng thương phẩm.

Wednesday. October 18th, 2017
Phó mặc cho đất trời, lúa rẫy của người Cor vẫn vàng óng, trĩu hạt Phó mặc cho đất trời, lúa rẫy của người Cor vẫn vàng óng, trĩu hạt

Những hạt lúa được gửi vào lòng đất, ngậm hạt sương sa của trời, đã trở thành những ruộng lúa rẫy vàng ươm, trĩu hạt trên sườn núi cheo leo.

Wednesday. October 18th, 2017
Làm giàu trên đất cát bạc màu Làm giàu trên đất cát bạc màu

Ông Lâm Văn Chánh đã có hướng làm giàu chắc chắn trên đất cát bạc màu, đó là trồng cây thanh long ruột đỏ và các loại rau xanh.

Thursday. October 19th, 2017