Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kết Quả Bước Đầu Về Mô Hình Quản Lý Cộng Đồng Nguồn Lợi Điệp Quạt

Kết Quả Bước Đầu Về Mô Hình Quản Lý Cộng Đồng Nguồn Lợi Điệp Quạt
Publish date: Saturday. March 7th, 2015

Dự án xây dựng mô hình quản lý cộng đồng về bảo vệ, tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi điệp quạt tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể (Tuy Phong), được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt vào tháng 10/2013 với mục tiêu chính là khai thác bền vững nguồn điệp quạt tự nhiên, đồng thời đảm bảo phân phối hài hòa quyền lợi giữa các đối tượng sử dụng, nâng cao thu nhập và đời sống của ngư dân thông qua phương thức đồng quản lý.

Dự án được triển khai từ năm 2013 đến 2015 tại vùng biển Phước Thể trên diện tích 2.628 ha mặt nước biển. Kinh phí thực hiện dự án từ nguồn ngân sách sự nghiệp nông nghiệp của tỉnh, sự hỗ trợ của Công ty TNHH Hải Nam và tổ chức phi chính phủ VBCF (Quỹ thách thức doanh nghiệp Việt Nam).

Sự chuyển biến về vai trò và nhận thức của người dân

Qua quá trình triển khai dự án, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như chưa có tiền lệ, nhưng bằng sự quyết tâm của tập thể Ban quản lý dự án, sự ủng hộ của chính quyền địa phương nhất là sự đồng lòng của cộng đồng ngư dân nên nhìn chung dự án đã mang lại những kết quả bước đầu hết sức khả quan, thực hiện đúng tiến độ và yêu cầu đã đề ra.

Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Chi cục Thủy sản, Tổ cộng đồng quản lý và khai thác nguồn lợi điệp quạt tại xã Phước Thể đã ra mắt đi vào hoạt động tháng 7/2014 với 150 ngư dân đăng ký tham gia.

Tổ cộng đồng đã tổ chức được các cuộc họp định kỳ hàng tháng, tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cho cơ quan nhà nước trong tuần tra, xử lý các vi phạm và các công việc khác do dự án triển khai, nên đến nay về nhận thức, sự hiểu biết của cộng đồng ngư dân về bảo vệ nguồn lợi điệp quạt nói riêng và thủy sản nói chung nâng cao rõ rệt.

Minh chứng cho điều này là trước đây tình hình khai thác sử dụng xung điện, khai thác hải đặc sản sai kích cỡ quy định, khai thác trong thời gian cấm diễn ra khá phổ biến trong cộng đồng nghề lặn tại địa phương, thì đến nay tình trạng trên đã không còn diễn ra tại vùng biển dự án.

Tổ cộng đồng nhờ phát huy vai trò cầu nối truyền tải thông tin đến ngư dân, nên ngư dân đã tự nhắc nhở hoặc báo cáo các trường hợp vi phạm trong cộng đồng, nhờ đó đã hỗ trợ nhiều cho lực lượng chức năng nhà nước trong phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm bảo vệ nguồn lợi.

Trong năm 2014 đã phát hiện và xử lý 48 vụ vi phạm không những diễn ra trong vùng dự án mà còn ở các vùng biển lân cận, một điều rất ít khi có trước đây. Vùng biển ven bờ Phước Thể từng là “điểm nóng” của nghề giã cào bay, lưới kéo đơn hoạt động sai tuyến, nghề lưới mùng sử dụng chất nổ nay đã bình yên trở lại; theo nhận định của chính quyền địa phương và ngư dân đã giảm hơn 90% số vụ vi phạm.

Có thể nói qua triển khai dự án, tính gắn kết, đoàn kết trong cộng đồng ngư dân ngày càng được tăng cường; mối quan hệ giữa cơ quan chức năng và chính quyền địa phương với ngư dân ngày càng được thắt chặt, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng hơn trong công tác quản lý của cơ quan nhà nước.

Nguồn lợi thủy sản hồi sinh và điệp quạt thả giống phát triển tốt

Thực hiện dự án, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III tổ chức sản xuất giống điệp quạt nhân tạo (nguồn giống bố mẹ được lấy tại vùng biển Tuy Phong), và đã thả xuống vùng biển dự án gần 7,1 triệu con điệp con có kích cỡ từ 10 – 15 mm trong 7 đợt kéo dài từ tháng 5/2014 đến tháng 11/2014.

Qua khảo sát, thu mẫu của Chi cục Thủy sản, nguồn lợi điệp thả giống phát triển ổn định và hoàn toàn phù hợp với môi trường sống. Kết quả lấy mẫu gần đây nhất (ngày 15/10/2014), các cá thể điệp thu được tại khu vực Rạn Cán có kích cỡ lớn nhất đạt được 43 mm và không phát hiện các mẫu điệp chết. Nếu so với cỡ giống điệp thả đợt đầu tiên vào tháng 5 là 10 mm thì sau 5 tháng kích cỡ điệp đã tăng thêm 33 mm.

Ngoài ra mật độ điệp phân bố dày, quan sát tại 2 khu vực thả giống tập trung dao động từ 10 – 15 con/m2, và tập trung nhiều tại khu vực phía Bắc của vùng dự án (Rạn Cán, Mã Đội, Sỏi Bén…). Và theo thông tin của ngư dân và một số đợt khảo sát của cán bộ dự án, thì tại các vùng xung quanh dự án, điệp cũng xuất hiện với mật độ tương đối dày, đây là điều kỳ lạ đã xảy ra ngoài dự kiến. Bởi khảo sát tiền dự án cho thấy điệp tại vùng biển ven bờ Phước Thể đã không còn hoặc rải rác rất ít ở vài nơi.

Ngoài ra, mặc dù chưa có những khảo sát cụ thể, tuy nhiên qua điều tra và nắm bắt thông tin từ ngư dân, thì nguồn lợi thủy sản nói chung trong vùng biển triển khai dự án đã xuất hiện trở lại. Một số loài hải sản như nhum sọ, bàn mai, cá rủ rỉ, các loại cá nổi như cá cơm, cá ngân, cá kình, cá trác và mực gia tăng sản lượng.

Trong năm 2014 do dự án đang trong giai đoạn triển khai nên thu nhập từ nguồn điệp quạt là không có, bù lại nghề lặn tại xã Phước Thể đã có một năm làm ăn hiệu quả do nguồn lợi xuất hiện nhiều và bán được giá (đặc biệt là bàn mai, nhum sọ, nghêu lụa), thu nhập vào thời điểm cao nhất đạt trên 1 triệu đồng/người/ngày. Một số nghề như lưới rê, câu mực hoạt động trong vùng dự án cũng cho thu nhập ổn định, nhờ nguồn lợi cá, mực tập trung khá nhiều quanh các cội chà do dự án thả đánh dấu, thu nhập vài trăm ngàn đồng/người/ngày.

Hiện nay, mặc dù còn những tồn tại, khó khăn trong thực hiện dự án sẽ tiếp tục khắc phục, nhưng kết quả bước đầu của dự án đã mang lại sinh khí mới cho ngư dân Phước Thể trong bảo vệ và chia sẻ nguồn lợi, để trong tương lai không xa vùng biển ven bờ Phước Thể “lặng sóng” để mang sản vật từ biển về làm giàu cho người dân nơi đây.

Với kết quả khả quan bước đầu của mô hình quản lý cộng đồng nguồn lợi điệp quạt ở Phước Thể (Tuy Phong), Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Huỳnh Quang Huy cho biết: Hiện nay UBND huyện Hàm Thuận Nam đang xúc tiến lập dự án xây dựng mô hình quản lý cộng đồng nguồn lợi sò lông ở xã Thuận Quý trình UBND tỉnh phê duyệt.


Related news

Nhân Rộng Các Mô Hình Khuyến Nông Nhân Rộng Các Mô Hình Khuyến Nông

Anh sử dụng gà trống chọi địa phương cho lai với gà Lương Phượng thuần chủng sinh sản (tỷ lệ 12 con gà mái/1 gà trống). Gà Lương Phượng sinh trưởng, phát triển khỏe, sức đề kháng tốt và bắt đầu đẻ trứng sau 6 tháng nuôi. Anh Quang cho biết: "Hằng ngày, đàn gà Lương Phượng của gia đình tôi đẻ trứng đạt tỷ lệ từ 75-80%, tương đương với giống gà lấy trứng thương phẩm CP, nhưng quả trứng to và đều hơn. Trứng ra bao nhiêu đều được chủ các lò ấp nở ở huyện Gia Lộc đặt mua hết với giá khoảng từ 3.500-4.000 đồng/quả.

Tuesday. October 8th, 2013
Khuyến Khích Những Vùng Khó Khăn Chuyển Đổi Từ Lúa Sang Cây Trồng Khác Khuyến Khích Những Vùng Khó Khăn Chuyển Đổi Từ Lúa Sang Cây Trồng Khác

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng trên những chân ruộng canh tác gặp nhiều khó khăn nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất. Trong vụ đông xuân 2013 - 2014, Tiền Giang chỉ gieo sạ 78.500 ha, giảm khoảng 2.000 ha so với vụ đông xuân năm trước. Diện tích giảm trên được chuyển đổi sang trồng màu tết, lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản hoặc cây trồng phù hợp khác.

Tuesday. October 8th, 2013
Măng Được Giá, Nông Dân Phấn Khởi Măng Được Giá, Nông Dân Phấn Khởi

Trồng tre điền trúc lấy măng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ấp 2 và ấp 3, xã Thành Tâm (Chơn Thành - Bình Phước). Năm nay mùa mưa đến sớm, mưa nhiều nên được mùa măng.

Tuesday. October 8th, 2013
Vùng Chuyên Canh Rau Màu Cho Hiệu Quả Cao Vùng Chuyên Canh Rau Màu Cho Hiệu Quả Cao

Trước kia, người dân xã Hồng An (Hưng Hà - Thái Bình) chủ yếu thu nhập từ 2 vụ lúa nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Gần chục năm trở lại đây, nông dân trong xã đã chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa dạng các loại cây rau màu giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Trồng rau màu cho thu nhập cao, ổn định, bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Tuesday. October 8th, 2013
Lợi Ích Từ Ứng Dụng “1 Phải, 5 Giảm” Lợi Ích Từ Ứng Dụng “1 Phải, 5 Giảm”

Chương trình “1 phải, 5 giảm” (1P5G) ngày càng được nhiều nông dân huyện Châu Thành (An Giang) áp dụng. Bởi, chương trình không những tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe cho nông dân.

Tuesday. October 8th, 2013