KC06-1 – Giống lúa lai thơm, năng suất cao
Những ngày qua, khi ruộng lúa giống KC06-1 của ông Nguyễn Văn Huân (ở huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) vừa “đỏ đuôi” thì những cơn mưa nặng hạt trút xuống ào ạt, khiến ông Huân lo đến não ruột…
Trong ảnh: Tham quan ruộng trình diễn giống lúa KC06-1.
Nhiều bà con trong vùng cũng đang canh tác giống lúa KC06-1 và KC06-5 của Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC). Thời điểm hiện tại, những bông lúa nặng trĩu hạt đã bắt đầu nhuốm vàng, dự báo mùa bội thu.
Trông mong… giống lúa lai thơm chất lượng cao KC06-1
Vụ này ông Huân trồng 5ha giống lúa KC06-1. Là giống lúa mới, lại chưa trồng thử bao giờ, ông Huân không khỏi lo lắng, hồi hộp khi cán bộ khuyến nông và cán bộ kỹ thuật của Công ty CP giống cây trồng miền Nam (SSC) kêu gọi tham dự sử dụng giống KC06-1
Thế nhưng, sau khi tự thân tìm hiểu và tham dự các buổi hội thảo của SSC, ông Huân quyết định sử dụng giống lúa KC06-1 trên phần lớn diện tích lúa của gia đình. Không chỉ vậy, một người thân khác trong gia đình ông Huân cũng dùng lúa KC06-1 trên diện tích 10ha vụ thu đông này.
“Suốt hai tháng qua ngày nào tui cũng theo dõi ruộng lúa, thấy cây phát triển rất tốt, lúa trổ bông rồi vô hạt rất ưng ý”, ông Huân cho biết.
Có điều, cũng vì bông dài, trĩu hạt nên mới đây, những cơn mưa lớn trái mùa khiến ông Huân lo lắng ruộng lúa sẽ ngã đổ, ảnh hưởng tới chất lượng gạo. “Bà con ai cũng đang hào hứng chờ thu hoạch. Vì xem chừng thì rất trúng vụ, hạt chắc mẩy. Cán bộ khuyến nông cũng tin tưởng giống lúa KC06-1 sẽ cho vụ bội thu”, ông Huân nói.
Tại Huyện Châu Thành, Trà Vinh theo đánh giá của anh Quốc - nông dân trực tiếp canh tác giống lúa KC06-1 thì đây là giống lúa có quá nhiều ưu điểm. Từ khi gieo cho đến thời điểm này (lúa đang giai đoạn đỏ đuôi) thì hầu như mưa liên tục, nhất là vào giai đoạn trỗ nhưng lúa vẫn phát triển rất tốt, đậu hạt khá, bông dài, hạt mẩy nhìn rất thích. Đặc biệt trong thời gian vừa qua vùng đất này bị nhiễm phèn mặn nặng, thời tiết mưa nắng thất thường nhưng giống lúa KC06-1 vẫn thể hiện ưu điểm rất rõ là khả năng đẻ nhánh rất tốt, không nhiễm đạo ôn, rầy nâu chỉ nhiễm nhẹ sâu cuốn lá nên giảm được rất nhiều chi phí canh tác. Anh cho rằng, để ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian sắp tới thì việc sử dụng giống KC06-1 là một lựa chọn thông minh giúp người nông dân tăng cao hiệu quả kinh tế.
Cũng tại Châu Thành, bác Ba – hộ nông dân canh tác KC06-1 thì nhận định: “Tui gieo 1 công KC06-1. Khi mới gieo gặp mưa nhiều, nước ngập tưởng là phải gieo lại, nhưng với suy nghĩ diện tích lúa này chủ yếu trồng để ăn nên tui không gieo lại mà tiếp tục chăm sóc. Thật bất ngờ, lúa gì mà đẻ nhánh mạnh thật, sau một thời gian ruộng đã kín. Khi ruộng bắt đầu trỗ thì gặp mưa liên tục, tui nghĩ chắc không thu được gì nhưng lại một lần nữa tui vô cùng ngạc nhiên khi khả năng thụ phấn vẫn khá tốt. Vì trồng để ăn nên tui không hề phun bất cứ loại thuốc gì mà cây vẫn sinh trưởng phát triển tốt, không bị nhiễm sâu bệnh gì
Giống lúa lai KC06-5 chịu mặn tốt
Trước đó, khi thực hiện trình diễn tại Bạc Liêu, giống lúa KC06-5 cho năng suất đạt 7,7 tấn/ha, cao hơn giống đối chưng hơn 2 tấn/ha.
Anh Trần Vũ Luân - hộ dân tham gia trồng khảo nghiệm tại ấp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Lợi chia sẻ, giống lúa KC06-5 có ưu điểm rất nổi bật chống chịu rầy nâu, kháng bệnh đạo ôn, chịu phèn mặn tốt, hình dạng hạt gạo thon dài, cơm mềm.
“Với mô hình trình diễn giống lúa lai KC06-1 và KC06-5, vụ đông xuân trước đã giúp gia đình tui giảm bớt được số lần phun thuốc BVTV từ 3 - 5 lần, từ đó giúp giảm chi phí. Năng suất lại cao hơn giống đối chứng rất nhiều nên tăng lợi nhuận”, anh Huân cho biết.
Đề tài KC.06.24/11-15 do Văn phòng Các chương trình trọng điểm của Bộ Khoa học - Công nghệ quản lý, thời gian thực hiện từ tháng 4.2013 đến tháng 12.2015. Đề tài do Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC) chủ trì và thạc sĩ Dương Thành Tài chủ nhiệm. Với sự tham gia của Viện Di truyền nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai và Viện Nghiên cứu phát triển giống cây trồng.
Với mục đích nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai 3 dòng năng suất cao, thơm, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tại ĐBSCL, giống lúa lai KC06-1, KC06-5 ra đời từ sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ SSC và các nhà khoa học. Ngoài yêu cầu đảm bảo về mặt năng suất và chất lượng cơm gạo, đề tài còn lồng vào những tiêu chí như là phải tạo ra giống lúa lai F1 kháng sâu bệnh và phải có quy trình sản xuất giống F1 ổn định.
Theo đó, giống lúa lai thơm KC06-1 có thời gian sinh trưởng 98- 100 ngày, thích nghi với nhiều vùng trồng lúa 2-3 vụ của ĐBSCL, Giống chống chịu rầy nâu, kháng bệnh đao ôn, nổi bật với chất lượng cơm gạo- hạt gạo thon dài không bạc bụng, hàm lượng amylose 17-21%, cơm thơm dẻo mềm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Giống lúa lai thơm KC06-1 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 5-7 ngày so với giống lúa lai đối chứng, hàm lượng amylose thấp hơn, chất lượng cơm gạo hơn hẳn so với giống lúa lai đối chứng. Giống lúa lai thơm KC06-1 cho năng suất từ 7- 8 tấn/ha ở vụ Hè thu, 10-12 tấn/ha ở vụ Đông xuân, vượt hơn giống đối chứng lúa thường từ 30-68%.
Chị Bạch Thị Vững - Trưởng bộ môn lúa (SSC) cho biết, cả hai giống KC06-1 và KC06-5 đều phù hợp vùng đất trồng 2 - 3 vụ lúa/năm và đất lúa - tôm tại ĐBSCL. Chúng tôi đã cho khảo nghiệm ở nhiều nơi, các giống lúa trên đều có ưu điểm vượt trội, năng suất trung bình vụ ĐX đạt từ 7 - 9 tấn/ha, được bà con ưa chuộng.
Giống lúa lai thơm chất lượng cao KC06-1 được công nhận sản xuất thử theo quyết định 126/QĐ-TT-CLT ngày 15.4.2016 và giống lúa lai KC06-5 được công nhận sản xuất thử theo quyết định 264/QĐ-TT-CLT ngày 1.7.2016 của Cục Trồng Trọt. Cả hai giống đều phù hợp vùng đất trồng 2 - 3 vụ lúa/năm và đất lúa - tôm tại ĐBSCL.
Related news
Ca cao sơ chế chỉ có thể lời 15%, còn sản phẩm tinh chế từ ca cao có thể lên đến 400%.
Dù nông sản Việt Nam được đánh giá với nhiều tiềm năng, có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước hai bên và đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu.
Hưng Yên đã đạt được những kết quả nhất định, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi đều tăng nhanh