Huyện nghèo lột xác từ bệ phóng nông thôn mới
Mới đây, trong chuyến thực địa thẩm định Chương trình xây dựng NTM của huyện Cần Giờ, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đánh giá cao những nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân huyện Cần Giờ trong việc đưa một huyện nghèo nhất thành phố trở thành huyện NTM.
Đường đẹp, trường học khang trang
Cùng Thứ trưởng Trần Thanh Nam đi thẩm định Chương trình xây dựng NTM tại các xã Long Hòa, Lý Nhơn, ông Lê Minh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, trước khi thực hiện xây dựng NTM, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện rất hạn chế.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, huyện đầu tư và đưa vào sử dụng 92 công trình giao thông trục xã, liên xã, ấp, các tuyến giao thông nội đồng và cầu. Hiện, toàn huyện có 82 tuyến đường bộ với tổng chiều dài trên 204,3km. Mạng lưới giao thông thủy cũng được phát triển và chiếm ưu thế trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa của huyện, với 34 tuyến đường thủy nội địa, 8 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, 6 tuyến hàng hải và 38 bến thủy nội địa...
Đoàn công tác T.Ư cũng đánh giá khá cao huyện Cần Giờ khi đã phát triển hoàn chỉnh hệ thống lưới điện. Đặc biệt, mới đây xã đảo Thạnh An đã được đấu nối với mạng điện quốc gia, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn lên 100%.
Theo ông Đặng Xuân Bình – Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, trước khi thực hiện xây dựng NTM, toàn huyện chỉ có 2 trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, đến nay toàn huyện đã có 37 trường học các cấp có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu dạy và học cho ngành giáo dục huyện Cần Giờ.
Ông Nguyễn Văn Hải, người dân ngụ xã Long Hòa tâm sự: “Từ ngày làm NTM, đường sá trong xã láng bon, sạch đẹp hẳn lên, chứ trước đây rất nhiều đường đất, đi lại rất khó khăn”.
Huy động sức mạnh xã hội
Theo ông Dũng, trong giai đoạn tới (2016 - 2020), huyện Cần Giờ sẽ tập trung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng NTM các xã theo hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế địa phương, kết nối với quy hoạch của thành phố. “Chúng tôi đang rà soát, đề xuất đầu tư các công trình hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt là thủy lợi, giao thông nội đồng, lưới điện phục vụ sản xuất; hoàn thiện các trường học đạt chuẩn quốc gia nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân” - ông Dũng nói.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, UBND huyện Cần Giờ cho biết sẽ tập trung huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội từ ngân sách nhà nước đến nguồn lực của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM.
Related news
Các doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhiều khả năng khó hoàn thành kế hoạch sản xuất-kinh doanh khi ở thời điểm này đã gần hết quý 1.
Cần xác định một số quan điểm tái cấu trúc nông nghiệp trên địa bàn ĐBSCL. Chuyển dần một tỉ lệ hợp lý diện tích sản xuất lúa gạo phẩm chất thấp sang các loại lúa gạo chất lượng cao?
Tiếp nối thành công của việc ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Chuyên gia cà phê, Công ty Bayer Việt Nam đã tiếp tục mở rộng mô hình đặc trưng này với việc thành lập CLB Chuyên gia cây ăn quả Bayer.