Hướng Xóa Đói Giảm Nghèo Ở Mường Tùng
Xác định xóa đói giảm nghèo là việc làm lâu dài và phải phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những năm qua, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà đã chỉ đạo nông dân tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt chú trọng phát triển chăn nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 51,8%, giảm 5,2% so với năm 2012.
Ông Lò Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Tùng, cho biết: Xóa đói giảm nghèo là việc làm lâu dài, đồng thời phải bền vững, chính vì thế, cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn trăn trở tìm giải pháp phù hợp, giúp người dân từng bước vươn lên phát triển kinh tế.
Với mục tiêu đó, Mường Tùng xác định phát triển chăn nuôi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Thời gian qua, chăn nuôi trên địa bàn xã có những bước phát triển khá ổn định, đầu tư có trọng tâm, đưa các loại giống có giá trị kinh tế cao như: trâu, bò, dê, lợn... vào phát triển theo hướng đồng bộ.
Đồng thời, xã cũng chú trọng vận động nhân dân tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, do Trung tâm Dạy nghề huyện phối hợp UBND xã tổ chức. Ngoài ra, UBND xã cũng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với các ngân hàng như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ký kết ủy thác vay vốn để người dân mua con giống phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Hiện nay, toàn xã có gần 2.000 con trâu, bò; hơn 100 con ngựa; 350 con dê và 3.102 con lợn. Tính riêng các loại gia cầm, Mường Tùng đã phát triển hơn 10.000 con.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn lợn hơn 10 con của gia đình chị Giàng Thị Tua ở bản Huổi Sấy, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà phát triển tốt.
Là một trong những hộ có đàn trâu lớn nhất toàn xã với trên 20 con, ông Giàng A Mua, ở bản Púng Trạng, chia sẻ: Trước đây, gia đình chỉ nuôi 1 con trâu, canh tác vài trăm mét vuông ruộng nhưng cũng chỉ đủ ăn. Năm 2010, được xã tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức; kết hợp với số tiền dành dụm và 30 triệu vay từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, mình quyết định đầu tư mua 3 con trâu sinh sản.
Tận dụng quỹ đất quanh nhà trồng cỏ, làm chuồng nuôi nhốt cẩn thận chứ không buộc dưới gầm sàn như trước. Sau một thời gian chăm sóc và phát triển, giờ đàn trâu đã sinh nhiều nghé, gia đình mừng lắm. Tính ra thu nhập mỗi năm của gia đình cũng gần 60 triệu đồng.
Ngoài gia đình anh Mua, nhiều hộ khác cũng biết tận dụng quỹ đất trống để xây dựng chuồng trại đầu tư nuôi dê, nuôi lợn... mang lại hiệu quả kinh tế cao như: gia đình anh Lò Văn Tình, bản Nậm Cang nuôi 36 con dê; Hạng A Chừ, bản Huổi Sấy nuôi hàng chục con lợn...
Không chỉ làm tốt công tác phát triển chăn nuôi, Mường Tùng còn chú trọng sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Hàng năm, xã phối hợp với Phòng Dân tộc huyện hỗ trợ, cung ứng kịp thời giống ngô, lúa, đậu tương... cho người nghèo; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa, ngô phù hợp với thổ nhưỡng, từ đó góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Trong năm 2013, tổng diện tích gieo trồng cây có hạt 696,87ha; đạt 100% kế hoạch. Bình quân lương thực đạt 407,2 kg/người/năm, đạt 101,81% kế hoạch (so với năm 2012, tăng 14,19kg/người/năm).
Trong đó, diện tích lúa chiêm xuân là 86,15ha, năng suất 42 tạ/ha; tổng sản lượng 361,83 tấn. Riêng diện tích lúa mùa 97ha, năng suất 50,7 tạ/ha; sản lượng 361,83 tấn, tăng 47,23 tấn so với cùng kỳ. Đối với lúa nương, năm qua, Mường Tùng gieo trồng 210,75ha, đạt 103% so với kế hoạch của huyện; năng suất 14 tạ/ha, đạt 102,9% kế hoạch; sản lượng 294,98 tấn; đạt 106,9% kế hoạch.
Có được những kết quả đáng mừng trên, ngoài ý chí phấn đấu của người dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, còn có sự hướng dẫn chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xã. Thời gian tới, để cùng người dân từng bước vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, theo ông Lò Văn Hùng, xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân nhằm cải tiến phương thức chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đồng thời tận dụng hiệu quả, đưa các nguồn vốn, chương trình, dự án của Chính phủ, như: 30a, 135, 134 đến kịp thời với người dân, giúp họ ổn định cuộc sống.
Related news
Trong 3 năm trở lại đây, tỉnh Ninh Bình khuyến khích nhân rộng mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót vi sinh, góp phần giảm chi phí đầu tư và có ý nghĩa tích cực bảo vệ môi trường.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 1.000 làng nghề chế biến gỗ, cùng hàng chục nghìn hộ gia đình làm nghề chế biến gỗ, tập trung phần lớn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam...
Trong những năm qua, nghề trồng nấm ở Tiền Giang đang trên đà phát triển, các mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt ở các vùng nông nghiệp đô thị, với diện tích nhỏ vẫn có thể thu được nhiều lợi nhuận, vòng vốn quay nhanh.
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị sản xuất thủy sản cả nước 6 tháng đầu năm ước đạt 84.000 tỷ đồng (tăng 6%), giá trị xuất khẩu khoảng 3,45 tỷ USD, tăng 24,2%; sản lượng 2.866,5 nghìn tấn (tăng 4,4%); trong đó cá 2.128,3 nghìn tấn (tăng 1,9%), tôm 312,9 nghìn tấn (tăng 20,8%). Diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) 933.000 ha (tăng 1,4%); sản lượng 1.453 nghìn tấn (tăng 3,4%).
Tuy nhiên, phải đến khi Trung tâm tiếp tục triển khai đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhảy da vàng ở Quảng Ninh”, công trình này mới mở ra những hy vọng cho nghề nuôi loài ốc nhảy phát triển bền vững.