Hướng Tới Phát Triển Bền Vững Nghề Nuôi Cá Bống Bớp Ở Nghĩa Hưng (Nam Định)

Cá bống bớp là loài cá nước lợ, thuộc họ cá bống đen, thân hình trụ tròn, mắt nhỏ, mõm tầy, có nguồn dinh dưỡng cao, giá trị xuất khẩu lớn. Cá bống bớp đã được nhiều địa phương tổ chức nuôi song đến nay chỉ có vùng nuôi mặn lợ của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) là nuôi được cá bống bớp với quy mô lớn. Nghề nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng khởi phát từ xóm Chùa, xã Nghĩa Thắng khoảng trước năm 1990. Mặc dù điều kiện tưới tiêu nước ở đây chưa được quy hoạch nhưng năng suất nuôi cá bống bớp đã đạt 4 - 6 tấn/ha…
Đến nay, cá bống bớp được người nuôi thủy sản vùng mặn lợ của huyện Nghĩa Hưng đưa vào nuôi đại trà tại các xã, thị trấn như: Nam Điền, Rạng Đông, Nghĩa Lợi, khu vực Cồn Xanh và Tây Nam Điền. Đặc biệt khi thả xen tôm sú, cả cá bống bớp và tôm sú đều lớn nhanh, không bị bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Giá cá bống bớp đang bán tại đầm từ 250 - 300 nghìn đồng/kg, tùy theo kích cỡ to nhỏ. Từ hiệu quả kinh tế mang lại nên diện tích nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng ngày càng được mở rộng.
Năm 2010, diện tích nuôi cá bống bớp của toàn huyện là 242 ha, số hộ nuôi 264 hộ, tổng sản lượng đạt 680 tấn. Năm 2011 và 2012 tuy diện tích và số hộ nuôi không tăng, nhưng do có kinh nghiệm nên sản lượng cá bống bớp nuôi không ngừng tăng lên, năm 2011 đạt trên 700 tấn, trị giá trên dưới 200 tỷ đồng; năm 2012 đạt trên 790 tấn. Cá bống bớp ở Nghĩa Hưng cung ứng cho thị trường nội tỉnh và xuất đi các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội…, với giá bán luôn ổn định từ 250 - 300 nghìn đồng/kg.
Trong 2 năm vừa qua, diện tích và số hộ nuôi cá bống bớp của huyện Nghĩa Hưng không tăng do gặp khó khăn về vốn đầu tư và nguồn giống. Với mật độ nuôi 4 con/m2, mỗi ha cần đầu tư 250 triệu đồng nhưng hầu như chưa có hộ nuôi nào tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi. Về nguồn giống, từ năm 2009, anh Nguyễn Văn Cường ở đội 1, xã Nam Điền và một số hộ nuôi thực hiện thành công việc nhân giống cá bống bớp nhưng quy mô nhỏ lẻ, không đủ cung ứng cho thị trường. Năm 2012, anh Nguyễn Văn Sơn ở khu 6, Thị trấn Rạng Đông đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng trại sản xuất cá bống bớp giống, diện tích trên 1.000 m2 với quy mô 18 bể, có thể sản xuất được 2 triệu con cá giống/năm.
Ngoài việc đầu tư kinh phí xây dựng trại sản xuất cá giống, anh Sơn đã thuê kỹ sư thủy sản từ Hải Phòng về trực tiếp theo dõi, chuyển giao kỹ thuật nhân giống cá bống bớp. Dự kiến đến hết quý I-2013, trại sản xuất cá bống bớp giống của anh Sơn sẽ hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị và bước vào hoạt động. Ngoài ra, tại huyện Giao Thủy cũng đã có một số trại giống đã sản xuất thành công cá bống bớp giống quy mô lớn như:
Trại giống Cửu Dung, Trại giống Liên Phong, Trung tâm Giống hải sản Nam Định. Huyện Nghĩa Hưng cũng đang tích cực đầu tư nâng cấp vùng nuôi, chuyển giao quy trình kỹ thuật cho các hộ nuôi. Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá bống bớp, từ năm 2009, Hiệp hội nuôi cá bống bớp Nghĩa Hưng đã phối hợp với Văn phòng luật sư Hà Nội tiến hành các thủ tục cần thiết, đồng thời đang tiếp cận với Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ do Sở KH và CN chủ trì thực hiện, để xúc tiến việc xây dựng thương hiệu cá bống bớp theo đúng trình tự.
Với các bước triển khai đồng bộ, từ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi đến các dịch vụ hậu cần như nguồn cung ứng giống, thức ăn và gần 30 cơ sở tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh, thành phố phía Bắc; tư vấn hỗ trợ quy trình xây dựng, khai thác và phát triển thương hiệu sản phẩm, huyện Nghĩa Hưng đang hướng tới phát triển bền vững nghề nuôi cá bống bớp.
Related news

Từ trước đến nay cá mú, tôm hùm sống đều lệ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch, thường xuyên bị ép giá. Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa đang đi đầu trong cả nước lập một dự án đưa cá mú, tôm hùm xuất khẩu chính ngạch bằng tàu thông thủy…

Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam cho biết, số cá tra giống này được thuần hóa giống bố mẹ lấy từ đồng bằng sông Cửu Long, cho sinh sản tại cơ sở nuôi trồng của trung tâm cách đây 3 tháng. Cá tra là loại thủy sản được nuôi thả phổ biến ở miền Nam và trong những năm gần đây đã được nuôi thành công tại Quảng Nam. Đợt thả cá này mang tính chất thử nghiệm với mục đích qua sự chọn lọc của tự nhiên có thể lưu giữ nguồn gien giống cá tra, góp phần bổ sung nguồn lợi thủy sản của tỉnh.

Nuôi ong mật lâu nay là một trong những nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân xã Động Đạt (Phú Lương - Thái Nguyên) bởi chi phí đầu vào thấp, người nuôi dễ tiếp cận với nghề. Để duy trì nghề nuôi ong mật, Hội Nông dân xã Động Đạt đã thành lập Chi hội Nuôi ong với 26 hội viên. Hàng năm, 500 đàn ong mật của các hội viên Chi hội đã cung ứng ra thị trường từ 10 đến 12 tấn mật.

Chỉ cần điện thoại là hải sản từ nhiều vùng mien sẽ được đóng thùng gửi đến tận nhà trong vòng 1 ngày

Ngoài yếu tố dịch bệnh, sự cạnh tranh từ các thương lái nước ngoài, việc người nuôi tôm neo hàng chờ giá đã tạo sức ép khá lớn cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng không nhỏ đến cả ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.