Hướng dẫn tái đàn trong chăn nuôi lợn
Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã giảm mạnh; nhiều địa phương đã qua 30 ngày và chưa có dịch tái phát; giá lợn hơi đang ở mức cao nhất trong lịch sử, dao động khoảng 80.000 – 85.000 đồng/kg. Chính vì vậy nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi hiện nay là rất lớn.
Tuy nhiên, bệnh DTLCP là bệnh rất nguy hiểm, vi rút DTLCP có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường và trong các sản phẩm từ lợn, hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Đặc biệt do tình hình chăn nuôi lợn ở nước ta chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ, phân tán; công tác vệ sinh sát trùng ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh, giám sát dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn…tại một số địa phương còn chưa thực hiện nghiêm túc. Vì vậy nếu người chăn nuôi nóng vội tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết thì sẽ dễ tái phát dịch gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách của nhà nước.
Để đảm bảo việc nuôi tái đàn lợn hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch. Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi về việc tái đàn trong chăn nuôi lợn. Ngày 20/3/2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội ban hành công văn số 167/TTKN-CNTS về việc hướng dẫn tái đàn trong chăn nuôi lợn cụ thể như sau:
1.Nguyên tắc tái đàn:
- Nuôi tái đàn lợn tại cơ sở chăn nuôi lợn chưa bị dịch bệnh DTLCP hoặc đã bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát bệnh DTLCP; bảo đảm an toàn dịch bệnh.
- Chủ cơ sở phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học.
- Bảo đảm cân bằng cung cầu.
Điều kiện, biện pháp kỹ thuật tái đàn
* Nuôi tán đàn lợn tại địa phương bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát
- Chủ cơ sở nuôi phải kê khai với chính quyền địa phương chấp hành sự giám sát dịch của cơ quan chuyên môn.
+ Nhập con giống có nguồn gốc, xuất xứ, đối với con giống nhập ngoại tỉnh phải có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y cấp, có xét nghiệm
+ Thực hiện tốt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi, có biện pháp ngăn chặn côn trùng, động vật gặm nhấm để tránh mang bệnh từ ngoài vào trong chuồng nuôi.
+ Bổ sung chế phẩm, vitamin nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn
+ Thực hiện tốt việc chăm sóc nuôi dưỡng, theo dõi dịch bệnh, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
- Nuôi tái đàn tại các địa phương chưa công bố hết dịch bệnh DTLCP chỉ thực hiện nuôi tái đàn khi đáp ứng yêu cầu sau:
+ Cơ sở chăn nuôi tập trung đã được chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh, VietGAPH, GlobalGAP trong chăn nuôi.
+ Được chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn thú y địa phương kiểm tra, xác nhận, đáp ứng đủ yêu cầu nuôi tái đàn.
+ Khi bắt đầu tái đàn chỉ nuôi với số lượng khoảng 10% tổng số quy mô của chuồng nuôi. Sau một thời gian nuôi khoảng 30 ngày, nếu không có biểu hiện bệnh, thực hiện nuôi tái đàn thận trọng và tăng dần số lượng có thể đạt 100% quy mô của cơ sở.
Related news
Trước việc người chăn nuôi nhỏ lẻ khó tiếp cận được nguồn lợn giống do khan hiếm, giá cao, nhiều chuyên gia hiến kế giải pháp tạm thời là chọn lợn thịt làm nái.
Nuôi heo (lợn) nái từ quy mô lớn trang trại đến cấp độ nhỏ gia đình là một nghề rất phổ biến trong sản xuất nông nghiệp ở Long An.
Trong giai đoạn lợn mang thai nếu nguồn dinh dưỡng không đủ hay chất lượng dinh dưỡng kém đều ảnh hưởng tới quá trình mang thai cũng như lợn con