Home / Cây lương thực / Trồng ngô

Hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô đông

Hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô đông
Author: Nguyễn Thị Thanh Hiếu - Trạm KN Mỹ Đức
Publish date: Saturday. October 10th, 2020

Cây ngô là một trong những cây trồng chính trong vụ đông sau lúa mùa, vừa dễ làm lại mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Để trồng ngô đông cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, xin giới thiệu bà con kỹ thuật trồng như sau:

1. Giống

Sử dụng các giống ngô lai F1 năng suất cao như ngô nếp HN88, HN68, Wax44, MX10, ngô ngọt….

2. Thời vụ

- Gieo hạt xong trước ngày 10/10.

- Nên áp dụng biện pháp làm ngô bầu để tranh thủ thời gian xuống giống.

3. Chọn đất và làm đất

- Ngô trồng được trên nhiều loại đất, tốt nhất là đất thịt hay thịt pha cát, xốp giàu dinh dưỡng, thoáng và giữ nước tốt.

- Sau khi thu hoạch lúa mùa, cắt sát gốc rạ (dùng để phủ mặt luống). Lên luống: Bề mặt luống rộng 1 - 1,2 m, rãnh rộng 30 cm, sâu 25 cm, xung quanh ruộng có rãnh thoát nước. Sau đó tiến hành gieo hạt hoặc trồng cây bầu vào hốc.

Lượng giống/sào (360 m2): 0,3 - 0,5 kg. 

4. Kỹ thuật ngâm ủ hạt

- Trước khi đưa hạt giống vào ủ, cần ngâm ngô trong nước sạch 3 - 5 giờ (nên ngâm vào nước ấm vừa tay).

- Sau khi ngâm vớt lên rửa sạch nhớt để hạt giống không bị chua trong quá trình ủ. Có thể ủ bằng 1 trong 2 cách sau:

Cách 1: Ủ bằng vải ẩm

Nếu ủ bằng vải ẩm cần nhiều lớp. Nhúng vải cho ẩm sau đó cho ngô vào ủ trong 24 giờ, khi ủ cần giữ nhiệt độ khoảng 28 - 300C, hạt luôn ẩm.

Cách 2: Ủ bằng cát ẩm

- Trải một lớp cát, một lớp ngô, trên cùng trải một lớp cát ẩm. Ủ trong 24 giờ.

- Khi hạt ngô nứt nanh đem trồng trực tiếp vào luống hoặc tra hạt vào bầu.

5. Kỹ thuật làm bầu ngô

Rút ngắn được thời gian sinh trưởng trên ruộng sản xuất 5 - 7 ngày.

- Chọn vị trí làm bầu:

Nơi làm bầu ngô phải dãi nắng, thoáng, tốt nhất làm ngay trên bờ ruộng đã san phẳng và nhặt sạch cỏ dại, gần nguồn nước, để dễ vận chuyển ra ruộng.

- Nguyên liệu làm bầu:

+ Dùng 3 chậu bùn ao + 2 kg phân chuồng hoai mục + 0,2 kg super lân trộn rải đều trên 1 m2 mặt luống, tạo thành lớp bùn dày 5 - 6 cm, để se mặt thì dùng dao và thước rạch bầu dạng hình hộp, kích thước dài 5 - 7 cm, rộng 5 - 7 cm, chú ý cần cắt rời từng bầu để rễ cây ở bầu này không ăn sang bầu kia được.

+ Diện tích dùng làm bầu ươm cho một sào ngô: 5,5 m2 (1m2  được 400 bầu).

- Kỹ thuật tra hạt vào bầu:

+ Dùng ngón tay trọc 1 lỗ giữa bầu, sâu 1cm, đặt hạt ngô vào lỗ, rễ quay xuống, mầm không sát bùn, dùng đất bột lấp kín hạt. Giữ cho bầu đủ ẩm bằng cách tưới nước 1 - 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát. Trong 3 ngày đầu, cần che phủ mặt luống 1 lớp rơm, rạ mỏng đề phòng mưa to.          

+ Nếu thời gian cây ngô ở trong bầu dài hơn cần phải tưới bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng NPK pha loãng. Trước khi đưa cây con ra ruộng cần phun phòng bệnh lở cổ rễ bằng thuốc Validacin dạng nước cho cây.

Chú ý:

- Lấy bùn nhuyễn, không lẫn tạp chất và lấy ở nơi thông thoáng không bị nhiễm độc.

- Gieo thêm 10% số hạt dự phòng để trồng dặm khi có hiện tượng mất cây con.

6. Kỹ thuật trồng

- Khoảng cách trồng: Hàng x hàng: 65 - 70 cm; Cây x cây: 25 - 30 cm.

- Mật độ: 2.000 - 2.200 cây/sào (360m2) đối với đất 2 lúa. Tùy từng loại giống và điều kiện thâm canh có thể tăng mật độ ngô 2.200 - 2.500 cây/sào (360m2) đối với đất màu.

Có thể trồng bằng hạt hoặc ngô gieo bầu:

+ Trồng bằng hạt:

 Đất ẩm có thể tra hạt trực tiếp hoặc hạt đã được ủ nứt nanh.

+ Trồng bằng ngô gieo bầu:

- Bứng bầu ngô đem trồng khi cây ngô được 5 - 7 ngày tuổi, có 2 - 3 lá thật, loại bỏ những cây thấp bé, dị dạng, sâu bệnh.

- Khi ra bầu dùng tay tách nhẹ bầu tránh gẫy thân, lá ngô, đưa ra ruộng trồng theo đúng khoảng cách quy định.

- Khi trồng cần đặt bầu ngô theo hướng lá xòe ra 2 bên hàng và vuông góc với chiều dài luống để tận dụng hết được ánh sáng xung quanh cây ngô góp phần tăng năng suất.

7. Phân bón

Lượng phân bón/sào (360m2):

- Phân chuồng hoai mục: 200 - 300kg (Có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh 90 - 100kg/sào).

- Phân Supe lân: 15 - 20 kg

- Phân đạm Urê: 10 - 12 kg

- Phân Kali clorua (KCL): 5 - 6 kg.

Có thể thay phân đơn bằng phân bón tổng hợp NPK, lượng bón theo hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất.

Cách bón:

- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng (hoặc phân hũu cơ vi sinh) và phân lân + 20% lượng đạm urê.

- Bón thúc lần 1: Khi cây đã bén rễ, hồi xanh (từ 3 - 5 ngày sau khi đưa bầu ra ruộng) bón 30% lượng đạm ure + 40% lượng kali. Bón phân cách gốc 7 - 10 cm hoặc hòa tan phân đạm, kali với nước tưới cho ngô kết hợp nhặt sạch cỏ dại.

- Bón thúc lần 2: Khi cây 5 - 6 lá, bón 50% lượng đạm ure + 40% lượng  kali bón phân cách gốc 10 - 15cm  kết hợp nhặt cỏ dại, vét đất ở rãnh vun cao vào gốc để cây không bị đổ.

- Bón thúc lần 3: Khi ngô 10 - 11 lá, bón hết lượng phân còn lại.

8. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh

Chăm sóc:

- Nếu sau trồng gặp mưa gây ngập úng cần có biện pháp thoát nước kịp thời, tuyệt đối không để cây con bị ngập úng. Sau đó, cần ngâm lân super với nước, pha loãng tưới liên tục 2 - 3 lần, lần trước cách lần sau 3 - 4 ngày.

- Nếu đất khô cần tưới ngay sau khi đặt bầu cho liền thổ và cây nhanh ra rễ mới. 

- Tiến hành dặm tỉa sớm khi cây 1- 3 lá, định hình cây sớm đảm bảo mật độ. Sau khi dặm cần tưới nước để giúp cây nhanh phục hồi.

- Ngô cần nước ở các giai đoạn cây 3 - 5 lá, 7 - 9 lá, xoay loa kèn, tung phấn  phun râu và chín sữa cần tưới đủ ẩm đảm bảo cho bắp và hạt phát triển tốt. Độ ẩm thích hợp với ngô 70 - 80%.

Phòng trừ sâu bệnh:

- Đối với sâu xám: Cắn ngang thân cây khi ngô còn nhỏ.

Biện pháp phòng trừ: Bắt sâu vào buổi sáng hoặc chiều tối, vệ sinh đồng ruộng, đất vừa khô cày bừa ngay, gieo đúng thời vụ và gieo tập trung, dùng thuốc bột Basudin 10 H, Patox 95 WG, quanh gốc khi trồng. 

- Đối với sâu đục thân và đục bắp:

Dùng thuốc Basudin, furadan rắc  khoảng 5 - 7 hạt vào loa kèn khi cây được 7 - 8 lá.

( Nếu tận dụng thân lá để cho gia súc ăn thì nên bón qua gốc).

- Đối với bệnh khô vằn:

Tăng cường bón lân và kali, tiêu huỷ tàn dư vụ trước, giai đọan trước trỗ cờ nên loại bỏ bớt các lá già, lá sâu bệnh, nếu mưa nhiều, ẩm độ cao thì phun Validacine, Anvil...

- Đối với bệnh đốm lá( đốm lá lớn và đốm lá nhỏ):

Thường gây hại từ thời kỳ 5 - 6 lá đến 8 - 9 lá nhất là trong điều kiện mưa nhiều, trời âm u. Sử dụng thuốc Tilt super 300EC, Appencab hoặc Daconyl, Dinep....

- Tổ chức diệt chuột: Dùng biện pháp đánh bẫy, đánh mồi bả bằng thuốc Rat K 2%D ... hoặc đánh bắt thủ công, đặc biệt cần chú ý giai đọan bắp non đến thu hoạch.

9. Thu hoạch

Thu hoạch khi ngô chín hoàn toàn hoặc chín sinh lý (chân hạt có vết đen hoặc 75% số cây có lá bi khô).                                                                                           


Related news

SSC557 – giống bắp lai 2 trong 1 SSC557 – giống bắp lai 2 trong 1

Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam đã "chào hàng" bà con nông dân giống bắp SSC557.

Saturday. January 11th, 2020
Trồng ngô đông bán cây - thu nhập cao hơn lấy bắp Trồng ngô đông bán cây - thu nhập cao hơn lấy bắp

Tại Yên Bái, một số xã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng ngô đông lấy hạt sang trồng với mật độ cao để thu hoạch cây phục vụ chăn nuôi trâu bò.

Tuesday. January 14th, 2020
Một số đặc điểm quí giống ngô ngọt lai mới SC2952 Một số đặc điểm quí giống ngô ngọt lai mới SC2952

Giống ngô ngọt lai mới SC2952 có nguồn gốc từ Thái Lan được Công ty TNHH Mahyco Việt Nam độc quyền triển khai sản xuất thử và đọc quyền phân phối tại Việt Nam.

Thursday. February 6th, 2020