Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Hướng dẫn khắc phục cây thanh trà sau lũ

Hướng dẫn khắc phục cây thanh trà sau lũ
Author: Tiến Thành
Publish date: Saturday. December 26th, 2020

Người trồng thanh trà Thừa Thiên- Huế được chuyên gia của Bộ NN-PTNT hướng dẫn kĩ thuật, phương pháp khắc phục và sản xuất cây đặc sản sau lũ.

Người dân phường Hương Vân chăm sóc cây thanh trà sau bão lũ. Ảnh: Tiến Thành.

Ngày 23/12, tại UBND xã Hương Vân (TX. Hương Trà, Thừa Thiên- Huế), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT Thừa Thiên- Huế tổ chức Tọa đàm “Kỹ thuật xử lý cây bưởi thanh trà bị ảnh hưởng do bão lũ”.

Buổi tọa đàm là dịp để người dân và chuyên gia trao đổi về kĩ thuật trồng cây ăn quả; đồng thời, chuyên gia cũng đưa ra những hướng dẫn cụ thể, thiết thực để bà con sớm khôi phục và phát triển sản xuất sau lũ.

Tại buổi tọa đàm có 23 câu hỏi của người trồng thanh trà Huế với 50 vấn đề được đặt ra, chủ yếu tập trung vào biện pháp phục hồi, kĩ thuật chăm sóc và định hướng sản xuất thanh trà trong thời gian tới.

Theo TS. Chu Anh Tiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc khắc phục cây thanh trà sau lũ ở Huế chia thành 2 nhóm: Nhóm vườn cao bị thiệt hại ít do bão lụt thì tiếp tục chăm sóc lấy lại sức sống và năng suất cho cây. Nhóm vùng cây thấp trũng, bị chết nhiều thì nên tính toán việc nên tiếp tục trồng hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp.

“Có thể nhìn trên bề mặt không sao, nhưng dưới rễ thì ẩm ướt và các rễ non ra mà gặp mưa nó cũng bị thối. Do đó, nên xới đất càng sớm càng tốt, để khí độc ở dưới đất thoát ra ngoài. Tạo rãnh thoát nước toàn vườn, sử dụng các thuốc có hoạt chất metalaxyl tưới để giữ bộ rễ cây và bón các loại phân hữu cơ, NPK. Những diện tích ở nơi thấp thì tiến hành kĩ thuật tạo rễ ăn lên trên cao bằng cách đập vào phần vỏ cây, sau khi cây tạo vết sẹo thì tạo tầng rễ kết nối", TS Tiệp chia sẻ.

TS Tiệp còn cho biết, do cây thanh trà bị ngâm nước nhiều ngày nên nhiều diện tích đang bị nhiễm bệnh, đặc biệt những loại vi khuẩn làm thối rễ và thân cây. Cách khắc phục: tách vỏ thối, bôi thuốc trị nấm, có thể dùng hóng bếp hoặc vôi bột đắp vào lỗ hỏng của thân cây khắc chế vi khuẩn lây lan. Về lâu dài, thì phải tạo rãnh thoát nước cho vườn trồng, rắc vôi bột trị nấm và khử ô nhiễm trong đất. Cùng với việc bón phân hữu cơ thì nên sử dụng các loại phân bón vi sinh, NPK để đẩy nhanh sự phục hồi cho cây. Hạn chế tối đa sử dụng các thuốc hóa học để tránh ảnh hưởng môi trường tự nhiên.

Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Viện trưởng Viện BVTV cũng đã chia sẽ kĩ thuật để cây thanh trà nhanh phục hồi vừa đảm bảo quả chất lượng quả bằng cách, cắt tỉa cành, tạo tán cho cây. Theo đó, người trồng nên tiến hành cắt tỉa những cành khô héo, những cành không cho quả để cây nhanh phát triển và quả to, đẹp.

Cũng theo bà Ngọc, hiện ở Thừa Thiên- Huế đang là mùa mưa nên những vi khuẩn nguy hiểm như phitottera phát triển, nhiều cây thanh trà đã bị bệnh nhưng vẫn còn xanh, đến mùa khô thì cây bị chết rất nhanh. Do đó, người dân nên sử dụng thuốc để tiêm cho cây...

Theo ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến ông Thừa Thiên- Huế, sau bão lũ Bộ NN-PTNT và Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên- Huế đã cử nhiều đoàn công tác về hướng dẫn, hỗ trợ người dân địa phương tiến hành khắc phục thiệt hại. Thời gian tới, đơn vị cũng sẽ phối hợp Học viện Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho người dân. 

"Do đặc thù thanh trà là cây địa phương nên số lượng cây giống được sản xuất ra còn hạn chế sau lũ lụt. Do đó, Sở đã chỉ đạo các Trung tâm DVNN huyện phối hợp những đơn vị sản xuất giống để kịp thời phục vụ nông dân...", ông Phi nói.

Mưa lũ trong tháng 9-11 vừa qua, tỉnh Thừa Thiên- Huế có khoảng 720 ha cây ăn quả, hơn 600 ha thanh trà và nhiều diện tích đang tiếp tục bị chết. 


Related news

Bố trí thời vụ gieo sạ hợp lý để tránh mất giống tại Phú Yên Bố trí thời vụ gieo sạ hợp lý để tránh mất giống tại Phú Yên

Ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao; giống lúa chịu mặn, chịu hạn ở những vùng thường bị xâm nhập mặn, thiếu nước.

Monday. December 21st, 2020
Quản lý sâu bệnh hại cây có múi Quản lý sâu bệnh hại cây có múi

Vàng lá thối rễ, chết xanh là những bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng của cây trồng, đặc biệt là cây có múi, với tỉ lệ chết cây rất cao.

Tuesday. December 22nd, 2020
Ứng phó hạn, mặn cho vườn cây ăn trái Ứng phó hạn, mặn cho vườn cây ăn trái

Mùa khô năm 2020-2021 dự báo rất khắc nghiệt, vì vậy việc chủ động ứng phó hạn mặn cho vườn cây ăn trái ở những vùng có áp lực bị mặn trở nên bức thiết.

Tuesday. December 22nd, 2020