Hướng dẫn cách trồng cây bạc hà
Bạc hà còn dùng chữa một số bệnh như cảm cúm, xổ mũi…do lá cây chứa nhiều tinh dầu. Một số nơi trồng bạc hà trên diện tích lớn làm dược liệu, chủ yếu là chiết xuất tinh dầu để sản xuất dầu gió dùng xoa bóp, chống nghẹt mũi, cảm gió…
1. Mô tả cây bạc hà
Bạc hà là loại cây thân thảo, sống lâu năm. Câu cao 60 – 80 cm, mọc đứng hoặc hơi bò, phân nhánh. Thân hình vuông, màu xanh hoặc tím nhạt, có nhiều lông ngắn.
Lá hình trứng hoặc thon dài, phiến lá dài 3 – 5 cm, rộng 2 – 3 cm, có cuống dài 0,5 – 1,0 cm, mép lá có răng cưa. Mặt trên và mặt dưới lá có nhiều lông tơ nhỏ. Lá bạc hà chứa nhiều tinh dầu và mùi thơm nóng.
Hoa mọc từ nách lá, màu trắng, tím hoặc hồng nhạt, cánh hoa hình môi. Cây bạc hà ít có quả và hạt.
Cây bạc hà có thể trồng trên nhiều loại đất như đất thịt, đất cát, đất xám…nhưng không bị phèn hoặc mặn, phải cao ráo, thoát nước. Tốt nhất là đất có nhiều mùn.
Đất cần cày bừa kỹ, phơi ải, đập nhỏ và nhặt sạch cỏ. Lên luống rộng 1,0 – 1,2 m, cao 20 – 25 cm, giữ các luống có rãnh rộng 30 – 40 cm. Nếu ruộng trước đó có trồng lúa thì đào rãnh lên luống, rãnh rộng và sâu 40 – 50 cm, đất đào rãnh đắp lên thành luống.
2.2.Trồng cây:
Ở phía Nam cây bạc hà có thể trồng quanh năm. Ở phía Bắc trồng từ tháng 5 đến tháng 10, khi trồng nóng ấm và có mưa.
Cây bạc hà chủ yếu trồng bằng thân, cành. Cắt thành từng đoạn dài 10 – 15 cm, có 3 – 4 mắt. Đất sau khi làm kỹ, lên luống và bón phân lót, rạch từng hàng cách nhau 20 cm, sâu 10 cm. Đặt nghiêng đoạn hom xuống rãnh cách nhau 20 cm, lấp đất kín 2/3 hom, nén nhẹ để hom tiếp xúc với độ ẩm của đất thuận lợi chp nảy mầm.
Sau khi trồng, hàng ngày tưới ẩm theo hàng. Sau 5 – 7 ngày đoạn thân mọc thành cây lên khỏi mặt đất.
2.3. Bón phân:
Lượng phân bón cho 1 ha khoảng 15 – 20 tấn phân chuồng hoai, 300 – 400 kg super lân, 200 – 300 kg urê và 300 – 400 kg kali clorua. Có bón thêm 500 kg bánh dầu hoặc thay ure và lân bằng 500 kg DAP.
Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân và 2/3 kali trên luống trước khi trồng. Phân ure và 1/3 kali còn lại dùng bón thúc 3 – 4 lần sau khi cây cao 10 – 15 cm và cách 15 ngày bón thúc một lần sau mỗi đợt thu hoạch. Nếu có bánh dầu thì dùng bón lót 2/3, số còn lại để bón thúc. Phân DAP cũng chủ yếu dùng bón thúc. Cách bón thúc là hòa nước tưới xuống gốc.
2.4.Chăm sóc:
Nếu đất khô cần tưới cho đủ ẩm, nhất là sau các đợt thu hoạch kết hợp bón phân thúc để cây nảy chồi nhanh và đều.
Trong cả vụ xới đất vun gốc vài lần cho đất tơi xốp và hạn chế cỏ. Ngoài ra thường xuyên nhổ cỏ sạch sẽ, ngắt bỏ thu gom các lá gốc già úa.
3. Phòng trừ sâu bệnh
3.1. Sâu hại:
Chủ yếu là các loại bọ trĩ, rầy và rệp. Đây là những loài sâu có kích thước rất nhỏ, thường bám trên đọt và lá non, chích hút nhựa làm lá xoăn, đọt chùn lại, cây sinh trưởng kém. Trong mùa khô còn có loài rệp phấn (rệp sáp giả) phá hại rễ làm cây vàng úa, khô héo và có thể bị chết từng chòm.
Phòng trừ các loại sâu trên bằng phun các thuốc Vibamec, Vertimec, Vimeem, GC-Mite, Dibonin, Confidor… Trừ rệp hại gốc dùng thuốc Padan, Pyrinex, Vibasu…hòa nước tưới.
3.2 Bệnh hại:
Bệnh hại cần chú ý là bệnh héo vàng do các nấm Fusarium và Rhizoctonia. Nấm trong đất phá hại bộ rễ làm cây héo vàng và chết. Nhiều trường hợp rệp phấn và nấm cùng phá hại làm cây chết nhanh hơn.
Phòng trừ bệnh héo vàng chủ yếu là làm đất kỹ. phơi ải, bón thêm vôi. Khi trên ruộng có bệnh nhổ bỏ cây bị bệnh nặng mang ra xa vườn tiêu hủy rồi rắc vôi vào đất. Dùng các thuốc gốc đồng phun đẫm vào gốc cây kết hợp xới đất vun gốc.
Ngoài ra còn có bệnh đốm lá và héo xanh vi khuẩn gây hại rải rác.
4. Thu hoạch
4.1. Làm rau gia vị:
Thường sau khi trồng khoảng 1 tháng là có thể thu hoạch. Sau đó trung bình 15 ngày thu hoạch một lần. Khi thu hoạch cắt đoạn thân phía trên để lại gốc dài khoảng 10 – 15 cm, tưới phân thúc cho cây tái sinh mạnh. Thu hoạch 7 – 8 lần thì cây già, khả năng tái sinh kém, năng suất giảm, lúc này nhổ bỏ hết, làm đất phơi ải để trồng lại.
4.2. Để chưng cất tinh dầu:
Chưng cất tinh dầu thì nên để cây già khoảng 3 – 4 tháng thì thu hoạch lứa đầu. Trung bình sau 2 tháng thì thu một lứa. Sau mỗi lần cắt thì bón thúc, xới đất làm cỏ và vun gốc. Mỗi năm có thể thu 20 – 30 tấn thân lá tươi/ha, chưng cất được 50 – 70 lít tinh dầu. Trồng 1 – 2 năm rồi luân canh với cây họ đậu hoặc bắp, sau đó mới trồng lại. Trồng bạc hà liên tục nhiều năm năng suất giảm, sâu bệnh nhiều.
Giống như cây bạc hà còn có cây húng lủi, cũng gọi là húng láng (Mentha aquatica). Đặc tính, công dụng và kỹ thuật trồng trọt tương tự nhau.
Related news
Nhắc đến xã Thạnh Hội (Tân Uyên) người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh “cù lao hành”. Nhưng đến Thạnh Hội vào thời điểm này cây hành dường như đã trở thành “thứ yếu” vì cây bạc hà mới là cây trồng chủ lực.
Đây là một cây rau có tên gọi đã gây nhiều nhầm lẫn: cây được gọi là Bạc hà để nấu canh (miền Nam), nhưng lại là Dọc mùng (miền Bắc) hay Lùng (miền Trung), còn được gọi là Mùng thơm, tên khoa học Alocasia odora - H.1, thuộc họ Ráy Araceae
Bạc hà là một loại hoa màu xưa nay được bà con nông dân trồng một ít xen chân vườn để dùng chế biến các món ăn trong gia đình như nấu canh chua, xào, bóp xổi chấm nước cá kho...