Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

HTX kiểu mới gặp khó kiểu cũ

HTX kiểu mới gặp khó kiểu cũ
Publish date: Thursday. November 12th, 2015

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong 2 năm qua đã có hàng nghìn hợp tác xã (HTX) thành lập mới, hơn 556.000ha cánh đồng lớn được hình thành, nhiều mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông sản được phát triển…

Cánh đồng lớn thêm lớn

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), từ năm 2013 đến hết vụ đông xuân năm 2015, đã có hàng ngàn mô hình CĐL được liên kết, xây dựng ở các địa phương với diện tích khoảng 556.000ha, trong đó vùng ĐBSCL có diện tích thực hiện liên kết lớn nhất với 450.000ha.

Một số mô hình thực hiện liên kết có hiệu quả đã được các “đại gia” lớn trong ngành nông nghiệp thực hiện như Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định), Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ), Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) và xây dựng các đề án cụ thể phát triển CĐL giai đoạn 2015-2020.

Cũng theo đánh giá của Cục Kinh tế hợp tác, với quy mô diện tích gieo cấy lớn, việc liên kết sản xuất trong CĐL giúp thuận tiện trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân.

Nhờ đó, ở ĐBSCL, mỗi ha lúa tham gia trong CĐL có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15% trong khi giá trị sản lượng có thể tăng thêm 20-25%.

Nông dân nhờ đó thu lời thêm từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha.

Không chỉ phát triển mô hình CĐL, hình thức liên kết hình thành các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp cũng phát triển mạnh trong những năm qua.

Ông Nguyễn Văn Trung – đại diện Bộ KHĐT cho biết, trước đây, mỗi năm trên cả nước chỉ có khoảng 200 – 250 HTX thành lập mới.

Số HTX này phần lớn còn phải chờ hỗ trợ của nhà nước thì mới có thể hoạt động, phát triển được.

Tuy nhiên, từ 3 năm trở lại đây, khi Luật HTX 2012 ra đời, cùng với những chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản của nhà nước, mỗi năm có gần 1.000 HTX thành lập mới.

Những HTX kiểu mới này ngay sau đó có thể hoạt động và phát triển được.

Không chỉ vậy, có những vùng sâu, vùng xa, địa hình khó khăn như ở Lai Châu, Sơn La… nhưng vẫn hình thành được nhiều HTX mới, giúp hoạt động kinh tế tập thể phát triển rõ rệt.

Vẫn vướng ở nhiều khâu

Dù được xem là một cú hích, tạo đà phát triển của các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, tuy nhiên, chính sách khuyến khích các mô hình này theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nhiều bất cập.

Ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng, cái khó trong việc phát triển liên kết sản xuất hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm và phần nhân sự quản lý cho các HTX kiểu mới.

Theo đó, nhiều HTX nông nghiệp được thành lập mới ở Đồng Nai, nhưng nguồn giám đốc và kế toán cho HTX gần như không có.

Hơn nữa, hiện tại khâu tín dụng cho HTX vẫn chưa được giải quyết, chưa có HTX nào được vay vốn ưu đãi theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.

Lý do theo ông Báu, là HTX không có tài sản thế chấp.

“Ví dụ như ở mô hình của Công ty Ca cao Trọng Đức, một đơn vị liên kết rất tốt với nông dân trồng ca cao ở Đồng Nai, mỗi vụ thu mua, cần nguồn vốn lên đến 10 tỷ đồng.

Do đó, việc tìm nguồn vốn để thu mua rất khó, trong khi thời gian thu mua lại ngắn, tập trung trong một mùa vụ nhất định” - ông Báu cho ví dụ.

Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thì cho rằng, Quyết định số 62 chủ yếu tập trung hỗ trợ cho trồng trọt, cụ thể là cho cây lúa.

Trong khi đó, các loại hình sản xuất nông nghiệp khác như chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… cũng rất cần phải xây dựng chuỗi liên kết nhưng chưa được ưu tiên hỗ trợ.

“Hướng đi sắp tới của HTX nông nghiệp chắc chắn phải là hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ chăn nuôi.

Trong chăn nuôi, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài họ xây dựng được một chuỗi từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ… nên quyết định được giá thành sản phẩm.

Trong khi nông dân Việt Nam thì có quá nhiều “ông chủ” nên giá thành sản xuất luôn ở mức cao” - ông Công phân tích.

Để giải quyết những vướng mắc trên, ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội NNPTNT Việt Nam cho rằng, phải làm rõ vấn đề ai là chủ thể chính, là người có vai trò “nhạc trưởng” trong các chuỗi liên kết hiện nay.

Theo ông Hùng, nếu không làm rõ được vai trò, nhiệm vụ của từng chủ thể trong chuỗi liên kết này thì các chính sách của cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phân tán và...

không đâu vào đâu.

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, ở ĐBSCL, mỗi ha lúa tham gia trong CĐL có thể giảm chi phí sản xuất từ 10- 15% và giá trị sản lượng có thể tăng 20 - 25%, thu lời thêm từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha.

Ở miền Bắc, các mô hình CĐL cho hiệu quả kinh tế tổng thể trên 1ha lúa thấp hơn so với ĐBSCL, giá trị sản lượng tăng trung bình từ 17-25% tùy theo từng địa phương.


Related news

Diện Tích Mía Tiếp Tục Thu Hẹp Diện Tích Mía Tiếp Tục Thu Hẹp

Ngay khi vừa thu hoạch mía, ông Nguyễn Chánh ở thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) đã không một chút đắn đo khi phá bỏ ruộng mía để trồng mì, tỉa đậu. Ông Chánh là một nông dân gắn bó lâu đời với cây mía mấy chục năm qua, chẳng còn thiết tha với cây mía.

Saturday. February 7th, 2015
Có Thể Thương Mại Hóa Cây Biến Đổi Gen Vào Cuối 2015 Có Thể Thương Mại Hóa Cây Biến Đổi Gen Vào Cuối 2015

Thông tin trên được ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp đưa ra tại hội thảo “Triển vọng toàn cầu cây trồng biến đổi gen” do Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp (ISAAA) tổ chức chiều ngày 3-2.

Saturday. February 7th, 2015
Khánh Thành Nhà Máy Chế Biến Giống Cây Trồng Trà Vinh Khánh Thành Nhà Máy Chế Biến Giống Cây Trồng Trà Vinh

Chiều ngày 30/01/2015, tại Lô C, đường Số 1, Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) tổ chức khánh thành Nhà máy chế biến giống cây trồng Trà Vinh. Tham dự lễ khánh thành có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phía Nam), lãnh đạo các sở, ngành tỉnh;

Saturday. February 7th, 2015
Thí Điểm Xây Dựng Mô Hình Trồng Cây Mắc Ca Ở Tây Bắc Thí Điểm Xây Dựng Mô Hình Trồng Cây Mắc Ca Ở Tây Bắc

Cây mắc ca có xuất xứ từ Úc. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắc ca được xếp vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại hạt”. Vỏ của quả mắc ca được dùng làm chất đốt, phân bón, chất bồi. Nhân hạt mắc ca dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem… Dầu chiết xuất từ nhân hạt mắc ca được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn.

Saturday. February 7th, 2015
Niềm Vui Niềm Vui "Nhân Đôi" Trên Cánh Đồng Khoai Mỡ Vụ Sớm

Những ngày cuối năm âm lịch, nông dân trồng khoai mỡ ở xã Phú Mỹ rất phấn khởi vì thu hoạch khoai mỡ bán được giá cao. Anh Lê Văn Hồng, ấp Phú Thạnh, phấn khởi cho biết, anh có 8 công đất trồng khoai mỡ, qua 3 đợt thu hoạch được trên 17 tấn khoai. Đợt 1 thu hoạch bán được giá 14.000 đồng/kg, đợt 2 có giá 13.500 đồng/kg, còn đợt 3 vừa mới thu hoạch cách nay mấy ngày bán được giá 10.000 đồng/kg.

Saturday. February 7th, 2015