Hồi sinh bưởi đỏ tiến vua - sản vật quý hiếm xứ Thanh
Bưởi màu đỏ như gấc
Vườn bưởi của gia đình ông Lê Viết Huấn (63 tuổi), ở làng Luận Văn hiện có hơn 20 gốc, mỗi gốc có vài chục quả.
Theo ông Huấn, để bảo quản được số bưởi ấy đến ngày cận tết mới bán là rất khó khăn.
Bởi thời tiết thất thường như mấy ngày nay, thì bưởi sẽ chín rất nhanh.
“Giống bưởi đỏ ở vùng đất quê tôi vốn dĩ là giống bưởi quý hiếm.
Cũng chính vì là sản vật đặc sản, là miếng ăn ngon, nên thời xưa, người dân mới dùng nó để dâng lên nhà vua” - ông Huấn nói.
Quả bưởi Luận Văn khi nhỏ cũng có màu xanh, nhưng đến lúc chín, thì chuyển dần sang màu đỏ gấc.
Vỏ quả, cùi quả, vỏ múi và hạt tép đều có màu đỏ rất đẹp mắt.
Múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, ngọt, hương thơm đặc trưng.
Ngoài giá trị thuần túy là loại của ngon vật lạ mới được dùng để tiến vua, thì bưởi đỏ Luận Văn còn khiến người dân thích sử dụng để thờ cúng trong dịp Tết âm lịch.
Vì lẽ, quả bưởi đỏ Luận Văn có màu đỏ được cho là sẽ đem lại may mắn, thịnh vượng.
Mỗi quả bưởi to, có thể cân nặng lên đến 2kg.
Do thời gian và điều kiện chăm sóc, bảo tồn giống bưởi quý hiếm này không tốt, nên đã có thời điểm hầu như giống bưởi đỏ bị mai một.
“Rất may, cách đây vài năm, nhận thấy đây là giống bưởi quý hiếm, cần được phục tráng, nên Nhà nước đã có dự án bảo tồn giống bưởi này ở địa phương chúng tôi” - ông Huấn nói.
Trước kia, ông Huấn cũng đã cất công mày mò lục tìm tài liệu để nghiên cứu “cái cốt” của giống bưởi Luận Văn, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra.
Ông Huấn đặt ra một giả thuyết rằng có thể giống bưởi này phải liên quan gì đó với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương ông.
Vì lẽ, ông cũng đã ghép cành, nhân giống cho nhiều người mang đi nơi khác trồng.
Nhưng, khi ăn những quả bưởi Luận Văn được trồng ở nơi khác, vẫn có một cảm giác không ngon, ngọt như bưởi ở đất Luận Văn.
Bảo tồn giống bưởi đỏ tiến vua
Mặc dù giống bưởi đỏ tiến vua quý giá như vậy, nhưng hiện nay bưởi Luận Văn thường chỉ được tiêu thụ tại địa phương chứ ít khi có dịp vươn ra thị trường các tỉnh, thành khác
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, trên địa bàn xã Thọ Xương đang trồng và thâm canh hơn 5ha bưởi Luận Văn.
Trong đó có 3ha trồng chuyên canh theo mô hình vườn đồi, 2ha còn lại được trồng xen canh trong vườn các hộ gia đình.
Trong đó, gia đình ông Nguyễn Văn Khảm (78 tuổi) là hộ dân lưu giữ giống bưởi gốc Luận Văn, ngoài cung cấp cây giống thì hàng năm gia đình ông cũng bán quả ra thị trường tết.
Cùng với gia đình ông Khảm, thì hiện nay gia đình ông Huấn (như đã nêu) là có số lượng cây đã cho trái nhiều nhất làng Luận Văn.
Bưởi Luận Văn có giá chênh lệch nhau tùy vào mẫu mã, chất lượng quả.
Anh Nguyễn Văn Hành - người làng Luận Văn, cho biết: “Mỗi quả bưởi Luận Văn bán ra vào dịp tết, thường có giá từ 70.000 - 200.000 đồng.
Khách có nhu cầu mua với số lượng lớn, giá bán sỉ thấp nhất là 70.000 đồng/quả.
Giá bán lẻ tùy vào trọng lượng quả, từ 100.000 - 120.000 đồng/quả.
Những quả to, màu sắc đẹp mắt được bán với giá 200.000 đồng.
Đặc biệt, những cặp bưởi đẹp có thể được bán với giá 400.000 - 500.000 đồng.
“Hồi cuối tháng 11 âm lịch vừa rồi, anh bạn tôi từ Hà Nội về nhờ dẫn đi đặt vài trăm quả để đem ra thủ đô bán vào dịp tết này, mà không có hàng” - anh Hành nói.
Mặc dù giống bưởi tiến vua quý giá như vậy, nhưng hiện nay bưởi Luận Văn thường chỉ được tiêu thụ tại địa phương, chứ ít khi có dịp vươn ra thị trường các tỉnh, thành khác giống các dòng bưởi: Diễn, Đoan Hùng, Năm Roi...
Mong sao, cùng với sự hồi sinh cho giống bưởi quý tiến vua tại vùng đất Thọ Xuân, thì ngày càng có nhiều người trên khắp mọi miền đất nước biết đến dòng bưởi này.
Và, về lâu dài, dòng bưởi này cần phải được xây dựng chỉ dẫn địa lý, được bảo vệ, bảo hộ danh tiếng lẫn địa danh nơi trồng giống bưởi quý hiếm ấy.
Related news
Qua chính tiết Tiểu hàn (6.1), lộc đông trên cây vải còn non và dầy đặc, phủ kín tán cây. Nguyên nhân do vụ đông có nhiều nắng ấm, tiết Tiểu hàn lại không có rét đậm, rét hại kéo dài.
Nam Bộ đang bước vào mùa khô năm 2016, dự báo từ nay đến tháng 4.2016, tình hình khô hạn tại khu vực này sẽ diễn ra gay gắt.
Vốn là chủ một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ mica, bà Vương Ái Lan tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) tận dụng khoảng trống trên sân thượng thử nghiệm mô hình nuôi lươn không bùn như thú chơi cá kiểng. Nhưng nghề tay trái lại trở thành cái nghiệp bà gắn bó.