Hội Nông Dân Phụng Hiệp Xây Dựng Nông Thôn Mới
Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Phụng Hiệp luôn tích cực triển khai các phong trào thi đua, vận động hội viên tham gia hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động... qua đây, góp phần không nhỏ giúp địa phương thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đề ra.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp Huỳnh Văn Nam, cho biết: Với mục tiêu giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm hoàn thành các tiêu chí NTM, những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh..., phong trào nông dân chung tay xây dựng NTM cũng luôn được các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện quan tâm triển khai tới hội viên, lồng ghép vào các hoạt động công tác hội. Nhờ đó, đến nay phong trào này đã phát triển cả chiều rộng và chiều sâu.
Xác định nông dân là chủ thể trong phong trào xây dựng NTM nên các cấp hội và từng hội viên nông dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đã cụ thể những nội dung, vai trò, nhiệm vụ, từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong lộ trình xây dựng NTM.
Theo đó, HND huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các hội viên để tham gia tích cực phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các phong trào thi đua yêu nước khác. Hàng năm, hỗ trợ cho nông dân hàng trăm triệu đồng (từ Quỹ hỗ trợ nông dân) để tạo điều kiện cho hội viên phát triển sản xuất, đồng thời kết hợp hỗ trợ khoa học kỹ thuật, đầu tư cây, con giống.
Đã xây dựng được 24 tổ hùn vốn cất nhà, 365 tổ đoàn kết tương trợ để giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, để phần nào giúp các địa phương đẩy mạnh công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo, HND huyện đã triển khai chương trình 1 chi hội giúp 1 hộ thoát nghèo trong năm. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, 125 chi hội trên địa bàn huyện đã giúp cho 429 hộ dân thoát nghèo.
Bên cạnh đó, HND huyện còn thường xuyên chỉ đạo các HND các cấp vận động hội viên và người dân đóng góp kinh phí, tiền, hiến đất, hoa màu, ngày công xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”, hội đã chú trọng việc tổ chức cho nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các công trình để vừa đóng góp công sức vừa kiểm tra, giám sát chất lượng công trình.
Tính đến nay, đã có hàng trăm kilomet đường giao thông nông thôn, cầu được nâng cấp, sửa chữa đều có sự đóng góp và ghi dấu ấn mạnh của HND các cấp. Song song đó, nhiều hội viên nông dân còn tham gia nhiệt tình vào các phong trào từ thiện, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Một trong những đơn vị điển hình trong phong trào nông dân chung tay xây dựng NTM là HND xã Thạnh Hòa. Được chọn là một trong 11 xã điểm của tỉnh về xây dựng NTM, thời gian qua, HND xã đã chủ động phối hợp với các đoàn thể tích cực tuyên truyền đến cán bộ, hội viên về vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM.
Từ đó, các hội viên đã tích cực đóng góp tiền, ngày công lao động, cùng nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn và các công trình văn hóa đảm bảo đúng theo quy định của tiêu chí NTM.
Sau hơn 3 năm triển khai xây dựng NTM, hiện bộ mặt nông thôn xã Thạnh Hòa đã “thay da đổi thịt”, các tuyến đường làng, ngõ xóm đều được nâng cấp, mở rộng. Các trục lộ xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Nhiều hộ dân được sử dụng nước sạch, nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể.
Ông Tiêu Văn Lâm, hội viên nông dân ở ấp Nhì, chia sẻ: “Hồi trước, các con đường nắng bụi mưa bùn, đi lại rất khó khăn. Bây giờ, các con đường, kênh mương nội đồng được làm lại nên việc lưu thông được dễ dàng, thuận tiện lại sạch sẽ. Đường sá khang trang thì việc xây dựng NTM sẽ đạt hiệu quả cao, cho nên người dân rất đồng tình hưởng ứng.
Không chỉ bản thân tôi tích cực tham gia đóng góp, mà từng hội viên nông dân nơi đây nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình, từ đó đã trở thành kênh tuyên truyền hiệu quả trong việc vận động người thân, hàng xóm chung tay xây dựng quê hương”.
Qua đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Thạnh Hòa, đến thời điểm này, địa phương đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, đang chờ UBND tỉnh xét duyệt công nhận nữa là trở thành xã NTM của tỉnh. Đạt được kết quả trên, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương, không thể không nhắc đến vai trò vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng NTM của HND xã.
Ông Trần Hoàng Khải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hòa, cho biết: Những năm qua, HND xã luôn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con chung tay góp sức xây dựng NTM và thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Đời sống của hội viên không ngừng được nâng lên, nhiều hộ có thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với năm 2011.
Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương hội viên nông dân chủ động hiến đất, tự nguyện giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, từ đó đã có tác động và sức lan tỏa tích cực trong phong trào hiến đất, góp công làm đường, xây dựng NTM của xã”.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp Huỳnh Văn Nam, cho biết thêm: Trong thời gian tới, với vai trò của mình, các cấp HND trong huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và có nhiều hoạt động hơn nữa, nhất là tập trung vào phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng NTM,…
Để các hội viên có điều kiện tham gia xây dựng NTM hiệu quả hơn tại địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Related news
Do tình hình xuất khẩu cá tra gặp khó khiến giá cá tra tại ĐBSCL liên tục giảm nên người nuôi cá lỗ từ 1.000 - 2.750 đồng/kg tùy theo từng thời điểm của quí 1-2013. Vì thế, Hiệp hội cá tra Việt Nam khuyến cáo người nuôi cá tra chỉ nuôi khi có hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy chế biến thủy sản.
Là một sĩ quan quân đội, năm 1990 ông Hà Văn Hảo xuất ngũ và quyết định rời thành phố Hồ Chí Minh đến ấp 3, xã Lộc Hưng (Lộc Ninh) lập nghiệp. Sau nhiều năm vất vả tưới nước cho cây trồng bằng phương pháp thủ công, ông đã tìm hiểu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật làm hệ thống tưới nước tự động.
Chị Hà Thị Quy ở thôn Làng Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình nuôi gà với ý định làm giàu chứ không phải là xoá đói nghèo. Chị là giáo viên nghỉ hưu, con cái đã trưởng thành, tiền lương hưu cũng đủ cho chị chi tiêu dùng hàng ngày. Song, có thời gian, còn sức khoẻ, chị quyết định bước vào làm kinh tế ở độ tuổi 55.
Năm 2012, lần đầu tiên sản phẩm yến sào Hội An bị “đóng băng” khiến ngân sách địa phương bị ảnh hưởng. Vì vậy, ngành chức năng TP.Hội An (Quảng Nam) đã và đang nỗ lực mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho loại đặc sản này.
Năm 2012, Trung tâm Giống thủy sản An Giang tổ chức được 108 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lươn, cá lóc, ếch Thái Lan... cho 2.160 hộ nghèo và cận nghèo; thực hiện 60 mô hình (31 mô hình nuôi lươn, 16 mô hình nuôi ếch, 13 mô hình nuôi cá lóc) tại thị xã Tân Châu và các huyện: Tịnh Biên, Phú Tân, Châu Phú, Chợ Mới và An Phú... đạt kết quả tốt.